Kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng có thể bị xử lý hình sự

* Kiểm tra toàn diện tất cả cửa hàng xăng dầu tại TPHCM

(SGGP).- Sáng 14-12, tại cuộc họp xử lý 11 đơn vị kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng trên địa bàn TPHCM, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã chỉ đạo áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định để xử lý hành vi vi phạm này. Từ nay, những hành vi tương tự sẽ bị xem xét xử lý hình sự…

Ngay đầu cuộc họp, đại diện Sở KH-CN TPHCM đề xuất xử lý hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu nên căn cứ Nghị định 54 của Chính phủ (về xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà không đồng ý vì cho rằng nếu căn cứ theo quy định trên mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe và cũng không có hình thức phạt bổ sung. Ông Hà định hướng áp dụng hình thức xử phạt về kinh doanh hàng giả hoặc theo những quy định khác nặng nhất có thể áp dụng được.

Sở Công thương cho rằng, trong thời điểm hiện nay có thể áp dụng Điều 13 Nghị định 107 của Chính phủ (về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại) để xử lý hành vi này.

Ngoài mức phạt tiền, đơn vị vi phạm phải đền bù thiệt hại cho khách hàng, đồng thời áp dụng mức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh trong 12 tháng. Trường hợp không xác định được khách hàng để đền bù thì tịch thu số tiền thu được do gian lận đưa vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp băn khoăn: Nếu áp dụng xử lý hình sự như ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà thì vẫn còn lấn cấn về các yếu tố cấu thành hành vi. Ông Lê Mạnh Hà khẳng định ngay: “Bán xăng 83 mà nói xăng 95 là chắc chắn giả rồi - giả về chất lượng. Do vậy, sẽ tìm cơ sở để xử lý hành vi kinh doanh hàng giả. Chưa kể, pháp luật hiện tại quy định trị giá hàng giả lớn, sẽ bị xử lý hình sự. Với số lượng xăng vi phạm của đợt rồi, chắc chắn đủ để xử lý hình sự. Đối với 11 doanh nghiệp vi phạm lần này có thể chỉ phạt hành chính theo Nghị định 107 hoặc Nghị định 54 mới ban hành. Đối với các vi phạm tương tự sau này sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý hình sự. Làm như vậy mới đủ sức răn đe”.

Để đảm bảo tính răn đe, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà chỉ đạo ngay trong tuần này, Sở Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh ít nhất một hồ sơ vi phạm để áp dụng mức xử phạt nặng nhất theo quy định pháp luật hiện hành. Sở KH-CN phải lập kế hoạch kiểm tra định kỳ toàn bộ đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trong kế hoạch kiểm tra phải có giải pháp ngăn chặn việc đưa ra thị trường lượng xăng dầu đang xác định không đảm bảo chất lượng. Thậm chí, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm qua cách thử mẫu nhanh, cơ quan chức năng có quyền niêm phong cửa hàng đó nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến nhu cầu người tiêu dùng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thống nhất quan điểm của lãnh đạo TPHCM là phải xử lý nghiêm đối với hành vi này.  

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục