Mỗi ngày, cả nước có hàng trăm ngàn mét khối nước thải y tế và gần 400 tấn rác thải y tế đủ loại được các cơ sở y tế thải ra môi trường. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi phần lớn chất thải y tế đều không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Khảo sát của chúng tôi tại khu vực Bệnh viện 103 (Hà Đông) và khu vực đường Giải Phóng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã có trên 100 phòng khám, bệnh viện tư nhân hoạt động suốt ngày đêm.
Nhiều người dân địa phương bức xúc cho biết: “Hầu hết phòng khám đều là nhà dân được cải tạo lại để cho thuê nên hệ thống xử lý nước thải y tế của các phòng khám đều dùng chung với hệ thống nước thải công cộng mà không hề qua xử lý, khiến nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm ra môi trường sống xung quanh rất cao”.
Không chỉ có vậy, mỗi ngày, các phòng khám tư nhân tiếp đón hàng trăm bệnh nhân và thực hiện nhiều thủ thuật nên lượng rác thải y tế từ bông băng, kim tiêm, dây truyền dịch, cho tới cả bệnh phẩm đều được cho vào các túi ni lông. Đến giờ đổ rác của khu dân cư, nhân viên của phòng khám đem rác y tế ra đổ chung cho tiện!
Chị Lê Thị Minh, sống trên đường Giải Phóng, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc các phòng khám tư nhân mang rác thải y tế đổ chung với rác sinh hoạt là chuyện thường ngày. Có không ít lần xe chở rác thải đầy quá, làm rơi túi rác ra đường thì thật kinh hoàng khi lẫn trong cuống rau, vỏ bánh là cả đống xy lanh, kim tiêm, bông băng thấm máu mủ đã ngả màu”.
Trong khi đó, “thanh minh” cho việc này, đại diện của không ít phòng khám tư nhân cho rằng, do mặt bằng hạn hẹp nên đối với chất thải rắn, ngoài những gì có thể đổ chung vào rác thải sinh hoạt thì còn lại được tập trung, thuê người tới lấy đem đi đốt. Còn chất thải lỏng thì đành đổ thẳng vào hệ thống thoát nước chung!
Theo đánh giá Sở Y tế Hà Nội, hiện nay tình hình ô nhiễm môi trường và xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố vẫn khá nan giải bởi tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế vẫn rất phổ biến. Thậm chí, ngay cả nhiều bệnh viện công lập lớn có hàng trăm giường bệnh, việc xử lý rác thải, nước thải y tế cũng còn chưa đến nơi đến chốn, huống chi các cơ sở y tế tư nhân nên mức độ ô nhiễm môi trường là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe nhân viên y tế và cộng đồng dân cư.
Cả Hà Nội mới chỉ 15/43 bệnh viện công lập có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo quy định của Bộ Y tế. Còn tại các bệnh viện công lập không có hệ thống xử lý chất thải lỏng đúng quy định và tất cả bệnh viện tư nhân đều phải tiến hành xử chất thải lỏng bằng hình thức thủ công, không bảo đảm an toàn cho môi trường là khử trùng nước thải bằng Cloramin B trước khi đổ ra hệ thống thoát nước chung của TP. Đối với việc xử lý rác thải y tế, chất thải rắn, cũng chỉ có 11 bệnh viện có hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn nhưng do xây dựng đã lâu, xuống cấp và công nghệ đốt lạc hậu nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Do đó, hầu hết bệnh viện công lập, phòng khám và cơ sở y tế tư nhân đang phải xử lý rác thải y tế rắn theo hình thức thu gom, rồi hợp đồng với công ty môi trường đô thị để đem xử lý theo hình thức đốt hoặc chôn lấp, nên cũng khó bảo đảm an toàn cho môi trường, cũng như thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, hiện trung bình mỗi ngày, các cơ sở y tế trong cả nước thải ra môi trường khoảng 150.000m3 nước thải y tế và hơn 380 tấn chất thải rắn, trong đó có gần 50 tấn chất thải y tế rất nguy hại.
Tuy nhiên, cả nước mới có khoảng 44% số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng nhiều nơi đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, ngay ở các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn tới 25% cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế, bệnh viện tuyến tỉnh là gần 50%, còn tuyến huyện lên tới trên 60%.
NGUYỄN QUỐC