
Công việc cứu hộ cứu nạn ở trên cao, dưới nước, trong đám cháy - đống đổ nát có lúc khiến Trung úy Võ Thành Công, Phòng Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PC&CC TPHCM) phải đứng giữa lằn ranh sinh tử, nhưng điều đó chưa bao giờ làm anh ngán ngại, có ý định bỏ nghề.
Sự lăn xả vì cộng đồng đã giúp anh làm nên bao điều kỳ diệu. Nghề cứu nạn của anh đã cứu sống hàng chục người; tìm thấy hàng trăm thi thể, góp phần quan trọng vào việc phá các vụ án phức tạp trong 10 năm qua. Công cũng là gương Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2015 vừa được tuyên dương.
Sống đẹp với nghề
Với ngoại hình “đồ sộ” của anh Công (cao hơn 1,8m, nặng hơn 100kg), ít ai nghĩ rằng anh có thể di chuyển nhanh dưới nước. Thế nhưng, không chỉ trên sông, mà cả trên biển, ngay lúc có sóng lớn, Công vẫn ngụp lặn thoăn thoắt. Bơi lặn giỏi, lại có chất nghĩa hiệp nên gần như tất cả các vụ cứu nạn cứu hộ, Công đều xung phong tham gia và mang lại kết quả như ý. Trong gần 10 năm khoác chiếc áo “Cảnh sát cứu nạn cứu hộ”, Công đã tham gia cứu nạn và tìm thấy hơn 100 thi thể.
Trong số này có nhiều thi thể là chứng cứ quan trọng để cơ quan cảnh sát điều tra TPHCM và nhiều địa phương khác phá án thành công. Điển hình như vụ án giết người phân xác ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh hồi tháng 2-2010. Nạn nhân là một cụ bà sinh năm 1942. Việc điều tra, phá vụ án này của các cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do hung thủ sau khi giết người đã phân xác nạn nhân thành nhiều phần và ném xuống sông Rạch Tam (huyện Bình Chánh) phi tang. “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm bằng được đầu, tay và thân của nạn nhân. Nhưng trên hết, khi chứng kiến sự đau đớn của người thân nạn nhân và nghe lời kể của nhân chứng về diễn biến vụ án rùng rợn, anh em chúng tôi dường như quên hết mọi sợ hãi, vất vả để làm cho bằng được - Công chia sẻ. Bằng quyết tâm đó, Công và đồng đội đã liên tục ngâm mình dưới nước kênh đen và đã tìm được 8 phần thi thể, từ đó góp phần giúp cảnh sát điều tra truy bắt hung thủ thành công.

Công chia sẻ nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ với các đồng nghiệp.
Đó là một trong số hàng trăm vụ cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân, tang vật trong các sự cố, tai nạn, vụ án mà Công đã tham gia, đạt kết quả tốt. Ở đơn vị công tác, Công không những được bạn bè, đồng nghiệp nể phục vì giỏi nghiệp vụ, mà còn cảm kích bởi anh là một người sống chan hòa, đoàn kết, đặc biệt là biết nghĩ, hy sinh cho người khác. Trong lần tham gia cứu nạn các nạn nhân trong vụ chìm tàu trên sông Soài Rạp, đang lúc lặn tìm nạn nhân dưới đáy sâu, bất ngờ một sà lan bị đứt dây. Nhận báo hiệu của chỉ huy trên tàu phải ngoi nhanh lên khỏi mặt nước để tránh bị mắc kẹt trong tàu bị nạn, trong lúc nguy hiểm như vậy, nhưng Công vẫn chậm lại để hỗ trợ hai đồng nghiệp mình ngoi lên trước, rồi bản thân mới tìm cách ngoi lên sau, để tất cả không phải gặp nguy hiểm.
Ân nhân
Trong cứu hộ, cứu nạn, điều kiện đặt ra là cứu được càng nhiều nạn nhân càng tốt. Phải bằng mọi cách để giành lại sự sống cho nạn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Với Công, bằng sự năng động, sáng tạo, tinh nhạy trong nghiệp vụ, anh đã trở thành ân nhân của không ít trường hợp. Nhớ lại quá trình cứu nạn tại hiện trường vụ nổ ngôi nhà của “Phương khói lửa” trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) vào rạng sáng 24-2-2013, Công kể: “4 giờ sau khi vụ nổ xảy ra, việc tìm kiếm trở nên căng thẳng hơn lúc nào hết, vì chúng tôi xác định còn nhiều người chưa được tìm thấy. Nếu tìm kiếm, phát hiện chậm, nguy cơ nạn nhân tử vong rất cao. Trong lúc liên tục tìm bới dưới đống đổ nát, tôi nghe có tiếng rên như muốn ngút hơi. Nhìn qua khe hở của các khối bê tông, tôi thấy một phụ nữ nằm mắc kẹt dưới một tủ gỗ, phía trên là những khối bê tông rất lớn. Khi phát hiện có người còn sống, tôi nhanh chóng cùng các đồng nghiệp bơm ôxy vào trong, rồi khẩn trương tháo dỡ các khối bê tông, đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn. Những lúc như thế, tôi thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết”.
Ngoài ra, trong các vụ chìm tàu trên sông Soài Rạp (Cần Giờ) tháng 10-2015, vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng)…, Công cũng chính là ân nhân cứu sống hàng chục người. Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM, nhận định: “Công là cán bộ gương mẫu, là tấm gương sáng trong công việc với những yếu tố tích cực: Chịu khó rèn luyện, ham học hỏi, giỏi nghiệp vụ, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực phân công là công tác cứu nạn cứu hộ. Trong cuộc sống, sinh hoạt, Công là người dễ gần, luôn được mọi người thương yêu. Công cũng là “cây phong trào”, tham gia tốt các hoạt động tình nguyện của đơn vị. Công xứng đáng là người cảnh sát nhân dân trẻ tiêu biểu để mọi người học theo, làm theo”.
VIỆT TUẤN