Kinh tế châu Âu còn nhiều khó khăn

Ngày 27-2, tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường trực tuyến lần 2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thảo luận để đưa ra chiến lược mới vượt qua cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại miền Tây nước Đức
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại miền Tây nước Đức

Kêu gọi giảm nợ 

EC dự báo mức tăng trưởng kinh tế của 19 trong số 27 quốc gia thành viên Eurozone ở mức 3,8% trong năm 2021 và 2022. Triển vọng ngắn hạn đối với nền kinh tế châu Âu thấp hơn so với dự kiến do những tác động của đại dịch Covid-19. Do đó, nền kinh tế châu Âu dự kiến khởi đầu năm 2021 với nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2021.

Tờ South China Morning Post có bài viết nhận định kinh tế EU đang gặp khó. Trước hết là sự phục hồi sẽ không đồng đều. Các nước dễ bị tổn thương trước khi đại dịch Covid-19 khởi phát cũng là những nước được dự báo sẽ gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình phục hồi. Theo dự đoán của chính EC, các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi phần lớn nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào chi tiêu du lịch, sẽ không trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng cho đến cuối năm 2022 và có thể còn lâu hơn nữa. Tiếp đến là những giới hạn hỗ trợ dù EU đã chi gói hỗ trợ trị giá 750 tỷ EUR cho các nước thành viên. Khoản tiền này không hỗ trợ tức thì về kinh tế vĩ mô cho các nền kinh tế quốc gia, mà thay vào đó cung cấp hỗ trợ trong trung hạn cho quá trình chuyển đổi kinh tế. Đó là lý do tại sao chỉ 10%-15% của tất cả các quỹ dự kiến sẽ được phân phối trong năm 2021. 

Mới đây, 110 nhà kinh tế, chính trị gia và nhà hoạt động ở châu Âu đã ký tên vào một yêu cầu công khai kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hủy bỏ các khoản nợ mà chính phủ của họ đã vay ngân hàng này nhằm giảm bớt áp lực. 

Dấu hiệu khả quan

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả, áp lực lên hệ thống y tế giảm dần và các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng. Khi các quốc gia đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, các hoạt động kinh tế sẽ tăng ở mức vừa phải trong quý 2 và tăng mạnh hơn ở quý tiếp theo, dẫn đầu là tiêu dùng cá nhân và sự hỗ trợ thêm từ thương mại toàn cầu. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có hơn 850.000 người tử vong do Covid-19 trên toàn châu Âu. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, lưu ý rằng trong khi các ca bệnh đã giảm, số người mắc bệnh vẫn cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5 năm ngoái. Đến nay, châu Âu ghi nhận gần 38 triệu trường hợp mắc Covid-19.

Các doanh nghiệp châu Âu cũng vừa công bố khoản lợi nhuận của năm 2020 và dự báo sẽ tăng trong năm nay. Nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới AB InBev cho biết lợi nhuận công ty đạt 2,2 tỷ USD chỉ riêng trong quý 4-2020, cao hơn 2 lần so với mức 962 triệu USD cùng kỳ năm 2019. Theo AB InBev, mặc dù doanh số giảm 4,7% trong năm 2020, nhưng doanh thu chỉ giảm 3,7%, xuống 46,9 tỷ USD do công ty này tăng giá bán các sản phẩm. Trong khi đó, Getlink - công ty đường sắt vận hành dự án đường hầm Channel Tunnel, nối Anh với phần còn lại của châu Âu - cũng bày tỏ lạc quan vào tương lai, dù rằng báo cáo khoản lỗ ròng lên tới 138 triệu USD. Công ty này cho biết không phải dùng tới khoản tiền mặt dự trữ cũng như kịp thời giảm nợ trong cuộc khủng hoảng…

Tin cùng chuyên mục