Trong ngày 10-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến có bài phát biểu vào 8 giờ tối, giờ địa phương (rạng sáng ngày 11-12 giờ Việt Nam) nhằm trấn an người dân và kêu gọi đối thoại nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội đang gây thiệt hại hàng tỷ EUR này.
Thiệt đơn thiệt kép
Ngày 10-12, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu với báo giới khi tới thị sát các cửa hiệu ở thủ đô Paris vừa chịu nạn cướp bóc trong cuộc bạo loạn hôm 8-12.
Ông Le Maire khẳng định, đây là thảm họa cho thương mại, thảm họa cho nền kinh tế của nước Pháp.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời cho biết tăng trưởng của Pháp trong quý 4-2018 sẽ gần như chững lại trong bối cảnh làn sóng biểu tình “Áo vàng” phản đối chính phủ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh.
Theo ngân hàng trên, nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 4-2018 so với mức dự báo đưa ra trước đó (mức đạt được trong quý 3-2018) là 0,4%.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hàng tháng của Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho thấy các cuộc biểu tình, vốn ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ, đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh trong tháng 11 vừa qua. Chỉ số BCI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 101, từ mức 102 hồi tháng 10 trước đó và là mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây, chủ yếu do các cuộc biểu tình tác động tới những doanh nghiệp sản xuất ô tô và các công ty công nghệ thực phẩm. Trong bối cảnh đó, các lĩnh vực giao thông, kinh doanh nhà hàng và sửa chữa ô tô cũng đang cho thấy những dấu hiệu thụt lùi.
Đại diện Liên đoàn Các doanh nghiệp và thương gia (FCD) Jacques Creyssel cho biết, thiệt hại trong 4 tuần qua đã lên tới hàng tỷ EUR. Những thiệt hại đó do các hoạt động đập phá, hôi của và những khoản thất thu vì các khu mua bán bị phong tỏa.
Vẫn theo FCD, vào dịp trước lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, trung bình doanh thu 1 tuần ở Pháp khoảng 15 tỷ EUR, thay vì 8-9 tỷ EUR như bình thường trong năm. Ông Jacques Creyssel cho biết, doanh thu của các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc giảm tới 40%.
Ngành du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại từ sau loạt khủng bố ở Paris năm 2015 cũng đang lo ngại du khách sẽ hủy tour đến Pháp. Chủ tịch Hiệp hội Các khách sạn Pháp Roland Héguy lo sợ sẽ phải làm lại tất cả từ đầu để tô điểm hình ảnh nước Pháp trong mắt du khách quốc tế. Philippe Bélaval, Chủ tịch Trung tâm quản lý các di tích lịch sử quốc gia, cho biết phải mất vài trăm triệu EUR để Khải Hoàn Môn tìm lại được bộ mặt như xưa.
Trấn an chưa đủ
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên can thiệp vào nền chính trị Pháp sau khi ông chủ Nhà Trắng đăng tải dòng Twitter về cuộc biểu tình đang diễn ra tại quốc gia Tây Âu này cũng như công kích thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu không đủ tốt đối với Paris. Các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp nước Pháp. Người dân không muốn chi trả những số tiền lớn... để có thể bảo vệ môi trường”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình LCI, ông Le Drian nhấn mạnh Pháp không can thiệp vào nền chính trị Mỹ và Paris mong muốn Washington cũng có hành động tương tự.
Trong lúc mọi người đang trông đợi thông báo các biện pháp mới của Tổng thống Pháp nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ của phe “Áo vàng”, giới nông gia Pháp cho biết sẵn sàng xuống đường trên toàn quốc phản đối áp lực thuế khóa, các chính sách nông nghiệp của chính phủ và mức thu nhập thấp.
Hoạt động biểu tình, phản kháng xã hội vốn được coi là một trong những cách thể hiện quan điểm “lâu đời” của người Pháp và kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền tới nay, người dân Pháp cũng thường xuyên xuống đường bày tỏ thái độ trước những chính sách cải cách của ông. Đây là thời kỳ khó khăn với Chính phủ Pháp và việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay không dễ dàng.