“Hành động thứ 4’’
Trên kênh truyền hình France 2, Thứ trưởng Nội vụ Pháp Laurent Nunez thông báo ước tính khoảng 31.000 người đã tham gia cuộc biểu tình của phe “áo vàng” trên toàn nước Pháp, trong đó tại thủ đô Paris là 8.000 người trong ngày 8-12. Khoảng 700 đối tượng đã bị bắt giữ trên cả nước Pháp.
Được biết, đụng độ đã nổ ra tại trung tâm thủ đô Paris giữa cảnh sát và những người biểu tình. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để trấn áp những kẻ quá khích (ảnh). Theo người phát ngôn của cảnh sát, khoảng 1.500 người đã tập trung tại khu vực Đại lộ Champs-Elysees và 127 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tìm thấy trong người họ nhiều vật dụng gây sát thương như búa, gậy bóng chày, bi sắt.
Những người biểu tình dùng mạng xã hội gọi cuộc biểu tình trong ngày 8-12 là “hành động thứ 4” nhằm thể hiện thái độ đối với Tổng thống Emmanuel Macron và các chính sách của ông. Theo một quan chức của Điện Elysée, người biểu tình thậm chí còn tuyên bố sẽ tấn công vào Phủ Tổng thống. Các thông tin tình báo cũng cho thấy một số phần tử chống đối và quá khích cũng sẽ tới thủ đô để tham gia các cuộc biểu tình nhằm phá hoại. An ninh không chỉ được thắt chặt tại Paris, khoảng 89.000 cảnh sát đã được triển khai trên cả nước, tăng 24.000 người so với hồi tuần trước. Dự kiến, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu trước toàn thể người dân vào đầu tuần tới. Trước đó, tối 7-12, ông đã tới thăm các đơn vị cảnh sát chống bạo động ở ngoại ô Paris, cảm ơn và động viên tinh thần họ.
Vào ngày 7-12, hàng trăm sinh viên ở Paris đã xuống đường sớm một ngày khi xuất hiện trên mạng cảnh quay phim các sinh viên quỳ gối trước cảnh sát với 2 tay bị trói. Sinh viên ở Paris đã trèo lên bức tượng của Marianne, đại diện cho sự tự do và lý trí, đập phá và hô những khẩu hiệu chống Tổng thống Macron.
“Áo vàng’’ muốn nhiều hơn
Sau buổi thảo luận kéo dài một tiếng rưỡi với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, các đại diện của nhóm “áo vàng” đã phát biểu trước báo chí, kêu gọi các thành viên của phong trào giữ bình tĩnh trong cuộc biểu tình ngày 8-12. Nhóm “áo vàng” đánh giá cuộc gặp là “mang tính xây dựng”, khi Thủ tướng đã “lắng nghe” và “nhận thức được vấn đề”. Họ cho biết đang chờ đợi lời phát biểu của Tổng thống Macron, và nhấn mạnh “muốn một sự phát triển xã hội đúng hướng”. Tuy nhiên, lực lượng “áo vàng” vẫn tiếp tục đòi hỏi Chính phủ Pháp nhượng bộ nhiều hơn, bao gồm giảm thuế, tăng lương, hạ giá điện, hạ thấp tuổi hưu và thậm chí yêu cầu Tổng thống Macron từ chức.
Do lo ngại biểu tình có thể biến thành bạo động, các đại sứ quán nước ngoài tại Paris đã cảnh báo công dân của mình nâng cao cảnh giác. Đại sứ quán Mỹ tại Pháp đã khuyến cáo công dân nước mình tránh xa các khu vực tập trung đông người cũng như những nơi có thể xảy ra biểu tình. Văn phòng Đối ngoại Anh cũng cảnh báo biểu tình ngày 8-12 có thể biến thành bạo động, khuyến cáo công dân tránh các khu vực biểu tình và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền các địa phương. Khuyến cáo trên cũng được đưa ra tại Bỉ, trong bối cảnh phe “áo vàng” cũng dự kiến tổ chức biểu tình tại thủ đô Brusssels. Ngoài ra, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italy, Na Uy, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain cũng ra khuyến cáo tương tự.
Trong bối cảnh biểu tình kéo dài, nhiều người dân Pháp bắt đầu tỏ ra mất cảm tình với lực lượng “áo vàng”. Theo thăm dò ý kiến của Ifop - Fiducial cho CNews TV, số người ủng hộ “áo vàng” giảm 6%, còn 66% so với cuộc thăm dò trước đó được thực hiện vào ngày 3 và 4-12. |