Kính tiễn bác Nguyễn Thọ Chân

Rất bất ngờ khi hay tin bác Nguyễn Thọ Chân ra đi trong những ngày chuẩn bị đón Tết Quý Mão, khi bước sang tuổi 102. Mới đây, khi nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, bác Nguyễn Thọ Chân còn nói rất vui: “Mỗi xuân, mỗi tuổi, mỗi già/Nhưng là già dặn, không là già nua”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc mừng đồng chí Nguyễn Thọ Chân nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng vào ngày 1-11-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc mừng đồng chí Nguyễn Thọ Chân nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng vào ngày 1-11-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có lần hỏi bác bây giờ quan tâm điều gì nhất, bác nói là quan tâm đến bản thân, luôn rèn luyện để được mạnh khỏe. Dù tuổi trên 90 nhưng vẫn thường đi bơi 5-6 lần/tuần, mỗi lần bơi một mạch 500m và luôn cập nhật tình hình thời sự để đầu óc minh mẫn. Bác lạc quan cho là mình: “Vẫn năng vận động, ưa thanh đạm/Đường đi âm phủ hẳn còn xa”. Bác còn đề xuất thành lập “Câu lạc bộ Tuổi già xanh” để giúp nhau biết cách sống khỏe, sống vui, sống có ích.

Mỗi khi Thành ủy TPHCM mời gặp gỡ, góp ý, bác thường chuẩn bị kỹ và trình bày mạch lạc, với nhiều điều tâm đắc, thuyết phục. Lần góp ý cho Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bác nói: Cần có cái nhìn chiến lược sử dụng nhân tài, không thể sắp hàng ngang cùng tiến; cần làm gọn bộ máy và đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, đánh giá cán bộ phải xem kết quả công việc và được lòng dân hay không... Trong buổi họp góp ý cho Thành ủy TPHCM, bác chuẩn bị để nói với 6 trang giấy viết tay, chữ lớn về: xây dựng Đảng trong lòng dân theo tư tưởng Bác Hồ; về việc tranh thủ nguồn lực để phát triển thành phố, lắng nghe, tập hợp các ý kiến hiến kế của dân; chú ý công tác cán bộ, bởi chọn lầm cán bộ sẽ gây lãng phí; những giải pháp về trật tự giao thông, xây dựng môi trường sống tốt...

Bác còn là một pho tư liệu sống. Cuộc đời bác hoạt động từ Bắc vào Nam, được giao các trọng trách khác nhau và có những năm tháng trong ngục tù ở Hỏa Lò, Sài Gòn, Côn Đảo. Sinh ra ở Thanh Trì, Hà Nội, sau khi học xong cao đẳng bác tham gia vào nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tham gia các phong trào của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Bác được đi vô sản hóa, thâm nhập vào giai cấp công nhân, rồi tham gia Tỉnh ủy Hà Đông và làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông năm 1942. Năm 1943 về Hà Nội, rồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau đó, bác bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công mới về cùng các đồng chí: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng...

Cuối năm 1946, bác giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1951 bị bắt và được trao trả năm 1954. Trong những năm bị địch bắt, giam cầm, bác tranh thủ học văn hóa, tích lũy kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Vốn giỏi tiếng Pháp, bác dạy ngoại ngữ cho mọi người bằng cách tận dụng những mẩu gạch, ngói làm phấn viết, lấy tường xà lim làm bảng. Bác nghĩ ra các câu có vần điệu để dễ học, dễ thuộc. Nhờ vậy mà không bao lâu, nhiều đồng chí trong tù với bác đã biết chút ít tiếng Pháp.

Đại hội lần thứ III của Đảng, bác được bầu Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, rồi được điều động làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng. Năm 1964, bác làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; từ năm 1967 cho đến năm 1971 làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, kiêm Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển. Sau đó, bác được giao nhiệm vụ làm Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Lao động (1974-1981). Trước khi nghỉ hưu, bác làm Trưởng Ban Thi đua Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua toàn quốc.

Được kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, với tầm nhìn, kiến thức sâu rộng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhiều góp ý của bác thật tinh tế và sâu sắc. Như trong quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt… chẳng hạn. Có lần, bác kể chuyện về đứa cháu nội ở bên Nhật (do bố cháu làm việc bên ấy), thỉnh thoảng về thăm ông và nói rằng “rất yêu Việt Nam, yêu thành phố này nhưng con không thích sự ồn ào, náo nhiệt”… Theo bác, để thành phố văn minh, hiện đại, còn phải làm rất nhiều việc, nhất là kiên trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nhiều yêu cầu công việc dành cho cả nhà quản lý và người dân.

Bác là một cán bộ thanh liêm, giản dị. Công tác ở Hà Nội nhiều năm nhưng bác vẫn ở nhà khách, không có nhà riêng. Về TPHCM, bác ở trong hẻm đường Cao Thắng, quận 3, phía trước có trồng cây xanh, hoa kiểng, vốn là thú vui của bác. Có lần bác nói, bác rất may mắn có thời gian gần gũi Bác Hồ, được nghe và học ở Bác Hồ những đức tính quý báu. Bác kể, Bác Hồ rất ghét thói lười biếng, bởi lười biếng đẻ ra mọi tật xấu, vì vậy mình luôn học tập, rèn luyện suốt đời.

Điều bác luôn nhắc nhở và mong muốn là: Đảng viên phải biết tu dưỡng, chính quyền phải nghiêm minh, mọi người phải sống có văn hóa, sống sao cho phải đạo làm người, làm dân. Bác luôn quan tâm việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất thân từ công nhân và hay lấy thực tiễn để chỉ ra rằng, cán bộ nào có kinh qua thời gian rèn luyện từ công nhân thì khác hẳn. Bác cũng luôn tin tưởng vào tài sức của tuổi trẻ Việt Nam.

Giờ đây, bác Nguyễn Thọ Chân đã về với thế giới người hiền. Xin tiễn biệt bác với tất cả sự quý trọng, thân thương. Sẽ nhớ mãi về bác, về hình ảnh một nhà lãnh đạo, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhân cách đẹp, bình dị, chân phương.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích cống hiến của đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TPHCM quyết định tổ chức Lễ tang đồng chí Nguyễn Thọ Chân với nghi thức Lễ tang cấp cao. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm Trưởng Ban Lễ tang.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân từ trần vì bệnh Covid-19, theo quy định và nguyện vọng gia đình, sau khi hỏa táng vào sáng ngày 10-1, tro cốt được đưa về Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM. Lễ viếng sẽ diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 12-1; Lễ truy điệu diễn ra lúc 11 giờ cùng ngày. Sau đó lưu tro cốt tại Nghĩa trang Thành phố (TP Thủ Đức).

KHÁNH CHÂU

Tin cùng chuyên mục