Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu!

3 cái phải cho thuế...
Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu!

Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân, là nguồn thu để xây dựng và phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Về mặt quản lý, thuế còn là công cụ để điều tiết các hoạt động vĩ mô của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu vào thế giới, công tác thuế đang tiếp tục được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cải tiến, sửa đổi để có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu đó. Tuy nhiên, vì không ít lý do, tình trạng thuế chồng thuế, thuế mỗi nơi mỗi kiểu… vẫn phổ biến ở các địa phương, trong đó có TPHCM, kéo theo hàng loạt tiêu cực của cán bộ thuế, không chỉ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước mà còn tác động xấu đến nhiều mặt xã hội…

Thiếu công bằng, minh bạch

Mặc dù Cục Thuế TP đã thống nhất mức thuế khoán đối với hoạt động kinh doanh cá thể cho các quận - huyện theo từng ngành nghề, từng mức doanh thu, nhưng trên thực tế, việc khoán thuế của các quận lại tùy thuộc vào cán bộ quản lý thuế và tùy vào sự “biết điều” của chủ cửa hàng. Anh T. – người có cửa hàng ở một số quận trung tâm, cho biết, mỗi tháng ngoài khoản thuế phải đóng trên 1 triệu đồng/cửa hàng, anh còn phải “lót tay” cho cán bộ thuế 200.000 – 500.000 đồng/cửa hàng.

Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu! ảnh 1

Chờ đợi đóng thuế (chụp tại Chi cục Thuế Tân Bình).

Có một thực tế, kinh doanh cùng ngành nghề, cửa hàng cùng diện tích, trên cùng tuyến đường nhưng vì mỗi bên thuộc một quận nên mức thuế lại chênh nhau đến… bất hợp lý. Thậm chí, trong cùng một quận, việc áp thuế cũng khác nhau.

Khảo sát của PV cho thấy, Salon uốn tóc khá lớn ở số 291 Cách Mạng Tháng Tám (CMTT) Q10 phải đóng thuế 1,25 triệu đồng/tháng, trong khi phía đối diện là Mỹ viện Săn sóc da số 228 CMTT quận 3 có mức thuế chưa đầy… 350.000 đồng/tháng, chênh nhau đến 3- 4 lần. Rồi cũng là cửa hàng điện thoại di động nhưng cửa hàng số 309 CMTT (Q10) có mức thuế khoán đến 1,4 triệu đồng/tháng, số 303A CMTT (Q10) khoán đến 1,7 triệu đồng/tháng, thế nhưng phía đối diện là cửa hàng số 200 CMTT và cửa hàng 192H CMTT (Q3) chỉ đóng 344.000 đồng/tháng!

Đó là chưa kể, mức thuế được áp ổn định bao lâu cũng tùy từng nơi. Chẳng hạn, thuế khoán ổn định của Q1 là 1 năm, Q3 là 6 tháng và Q10 chỉ 3 tháng… Việc tăng thuế cũng tùy theo chỉ tiêu thuế hàng năm cấp trên giao. Cho nên, theo các hộ kinh doanh, nếu người nào không “làm thân” với cán bộ, thì chắc chắn người đó nằm trong đối tượng bị tăng thuế trước tiên.

Doanh nghiệp với bài học đầu tiên!

Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu! ảnh 2
Nộp thuế trước bạ ở Kho bạc Nhà nước quận 1 TP HCM. Ảnh : Thành Tâm

Chị M. ở Q.Tân Phú kể, chị vừa khai trương một khách sạn quy mô 15 phòng thì ngay hôm sau một cán bộ thuế tên P. đến “hỏi thăm”. Biết chuyện, nên chị nói: “Em mới ra làm ăn, chưa biết lời lỗ thế nào nhưng mỗi tháng em sẽ gởi anh 300.000 đồng… uống cà phê”. Nghe xong, anh cán bộ liền “kỳ kèo”: “300.000 bèo lắm, 500.000 đi!”, khiến chị sửng sốt. “Nhờ chuẩn bị trước, tôi có ghi âm rõ ràng nhưng để yên thân làm ăn, tôi đành im lặng chấp nhận yêu cầu “tăng giá” của cán bộ P.”, chị nói.

Còn tại Q7, cách đây mươi ngày, anh H. vừa từ nước ngoài về đã phải gọi cho PV Báo SGGP tố cáo chuyện cán bộ thuế cứ liên tục gọi điện thoại “mè nheo” (dù anh nói đang ở nước ngoài) trong khi DN của anh mới thành lập. Anh bàn với PV đóng vai kế toán trưởng cùng đi với anh đến điểm hẹn, để… bắt tại trận. Cuộc hẹn đã chốt, nhưng sau đó, các thành viên trong công ty lại cho rằng “làm căng, sau này sẽ gặp khó” nên… thôi và quyết định… nhờ người quen là cán bộ quận “nói giúp một tiếng”.

Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu! ảnh 3

Cửa hàng 128 Bis CMTT bán điện thoại và thuốc tây nhưng được áp thuế “bán lẻ các loại hàng hóa khác” với mức thuế 361.000 đồng.

Mới đây PV được chị Đ., nhà ở Q1, mời dự khai trương showroom. Khi khách về gần hết, PV tận mắt chứng kiến một người đàn ông nồng nặc mùi rượu đến tự xưng là cán bộ thuế, hạch sách đủ thứ. Thật tình, hôm đó ai cũng bực, đòi lên tiếng, nhưng chị Đ. can ngăn vì chuyện… làm ăn lâu dài. Ráng nén cơn giận, sáng hôm sau chị cho nhân viên cầm tất cả hồ sơ giấy tờ đúng như yêu cầu đưa cho anh cán bộ thuế, trong đó không quên kẹp chiếc phong bì 300.000 đồng. Thấy cán bộ xem qua hồ sơ, cô nhân viên hỏi: “Hồ sơ của em có cần bổ sung, điều chỉnh gì không anh?”. Anh này mặt không ngước lên, nói tỉnh bơ: “Điều chỉnh… phong bì đi!”. Sau đó, hàng tháng chị Đ. phải điều chỉnh “nội dung” phong bì lên 500.000 đồng.

Tất cả các DN khi được hỏi đều có cùng câu trả lời: nộp hồ sơ tại quận thì không cần chi, nhưng muốn mua hóa đơn dễ thì phải kẹp vài chục ngàn để khỏi mất công chờ đợi. Còn khoản tiền phải tốn nhiều nhất là “đóng hụi chết” hàng tháng cho cán bộ quản lý thuế trên địa bàn. Số tiền này tùy theo ngành nghề kinh doanh, ít nhất là 200.000- 500.000 đồng/tháng. “Nhưng khi bị kiểm tra thì mỗi phong bì phải vài triệu đồng”, một DN nói.

3 cái phải cho thuế...

“Mình làm ăn chân chính, việc gì phải lót tay, tốn tiền?”- chúng tôi hỏi chị L., chủ một DN đề nghị giấu tên. Thay vì trả lời, chị hỏi ngược: “Thử hỏi đi đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, mà như đi xin như thế này, liệu không tiêu cực có xong việc được không?”. Rồi chị giải thích thêm: “Nếu lót tay, thân thiết với cán bộ thì những sơ suất nhỏ sẽ được cho qua hoặc sửa dùm, còn không sẽ bị “điều đi, chỉnh lại” chán, chưa kể nộp trễ sẽ bị phạt!”. Còn chủ một cửa hàng thì nói thẳng: “Thời buổi này ra làm ăn mà không biết điều thì chỉ có… đóng cửa!”. Để chứng minh, anh chỉ rõ vì sao cửa hàng kinh doanh cùng một quận, cùng ngành nghề, nằm cạnh nhau nhưng mức thuế lại khác nhau: “Đó là do mức độ… biết điều khác nhau!”.

Thuế mỗi nơi, mỗi kiểu! ảnh 4

Cửa hàng 462 CMTT bán quần áo thời trang nhưng được báo cáo thuế là kinh doanh sữa, bánh kẹo...

Trong khi đó, sáng ngày 31-3, tại Chi cục Thuế Q10, chị N. bực bội nói: “Mua hóa đơn thôi cũng khổ. Nộp sổ, chờ cả tiếng mới được gọi tên, song cán bộ ở đây lại bắt tôi về viết giấy giới thiệu của giám đốc mới bán. Khi tôi nói “tôi chính là giám đốc” thì cán bộ thuế yêu cầu tôi phải… tự viết giấy giới thiệu rồi đóng dấu vào! Cuối cùng tôi phải quay về viết giấy giới thiệu… mình, rồi đến xếp hàng lại từ đầu!”.

Cứ theo lời kể của chị, nếu tính cả thời gian báo cáo thuế, nộp báo cáo, mua hóa đơn thì mỗi DN phải thuê hẳn một cán bộ chuyên trách lo việc thuế. Song đó chỉ mới là giai đoạn “đến cửa thuế”. Còn việc kinh doanh, theo phản ánh của nhiều DN, cũng có đến 1.001 lý do để cán bộ thuế bắt bẻ. Bởi vậy, chỉ có 2 cách để DN lựa chọn. Cách thứ nhất là “hợp tác” với cán bộ thuế bằng cách đóng hụi chết hàng tháng. Đây là cách mà nhiều DN thường làm để khai man, khai sai vẫn được cán bộ thuế cho qua hoặc sửa giúp. Cách thứ hai, “cao cơ” hơn, là chuyển trụ sở công ty đến nơi có cán bộ quản lý thuế là người quen biết, thân thích. Khi đó, DN sẽ không bị hạch sách mà ngược lại còn được giúp đỡ nhiệt tình, được tư vấn theo hướng có lợi nhất. Đổi lại, cán bộ thuế cũng được hưởng lợi theo kiểu đặc ân.

Anh Ẩn, một người đã… “chừa” kinh doanh vì không chấp nhận “tiêu cực phí” cho cán bộ thuế, kết luận: “Cần phải có sự đột phá trong cải cách công tác thuế, phải giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm vi phạm trong việc thu thuế tại các địa phương và ngành thuế phải nhanh chóng loại bỏ những “con sâu”. Khi đó, ngành thuế mới thật sự trở thành công cụ cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước”. 

HÀN NI – MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục