Ngày thứ hai thực hiện cơ chế lãi suất mới

Lãi suất bước đầu ổn định mức 14% - 15%/năm

Xác lập đỉnh 15%/năm
Lãi suất bước đầu ổn định mức 14% - 15%/năm

Cho đến chiều qua, 20-5, ngày thứ hai thực hiện cơ chế điều hành lãi suất mới theo lãi suất cơ bản, có vẻ các ngân hàng đã “ngầm” thống nhất được đỉnh của lãi suất huy động VND ở mức 13,5% - 15%/năm. Qua hai ngày vừa tăng lãi suất, vừa thăm dò, một số ngân hàng đã huy động được lượng tiền gửi nhất định của người dân để cải thiện nguồn vốn. Tuy nhiên, đến nay việc vay vốn từ ngân hàng vẫn khá khó khăn.

Xác lập đỉnh 15%/năm

Lãi suất bước đầu ổn định mức 14% - 15%/năm ảnh 1

Khách đến gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng ACB. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Hôm qua, có thêm Ngân hàng Quốc tế (VIBank) công bố tăng lãi suất lên 15%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, ngân hàng này đã đưa ra mức lãi suất thăm dò 14%/năm vào ngày 19-5.

Lãi suất huy động VND cao nhất gần như đã được ấn định ở mức 15%/năm, được nhiều ngân hàng cổ phần áp dụng như Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Nam Việt (Navibank), Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank)... Các ngân hàng cổ phần khác đa số áp dụng lãi suất xoay quanh mức 14% - 14,5%/năm.

Ngân hàng Quân đội sau 2 ngày tính toán, đến hôm qua đã đưa ra biểu lãi suất huy động VND mới với lãi suất cao nhất là 14%/năm. Trong khối ngân hàng quốc doanh, “điểm nhấn” trong ngày 19-5 là một số chi nhánh của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã áp dụng mức lãi suất cao nhất đến 18%/năm, đụng mức tối đa được phép (150% so với lãi suất cơ bản). Tuy nhiên, sau đó các chi nhánh này đã giảm lãi suất xuống mức 15%/năm.

Hôm qua, Agribank cho biết, sau khi nhận được thông tin một số chi nhánh nâng lãi suất huy động lên đến 18%/năm, ông Nguyễn Thế Bình, Tổng giám đốc Agribank đã có công điện nghiêm khắc phê bình giám đốc các chi nhánh Agribank Thăng Long, Đông Anh, Nam Hà Nội, Đông Hà Nội “vì đã quy định lãi suất huy động ngày 19-5-2008 cao hơn mức lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn”. Công điện này cũng nghiêm cấm các chi nhánh áp dụng lãi suất vượt 18%/năm.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) hôm qua cũng đã chính thức phát đi văn bản tuyên bố hết hiệu lực của đồng thuận lãi suất trong tháng 5 mà các thành viên VNBA đã thống nhất. Bên cạnh đó, VNBA kêu gọi các ngân hàng “bình tĩnh và có bước đi thận trọng trong cách ứng xử với tình hình mới”, phù hợp với cơ chế lãi suất mới, nhưng có cái nhìn dài hạn hơn để quyết định mức lãi suất huy động của mình.

Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã cảnh báo những trường hợp có biểu lãi suất huy động quá cao, bất thường mà Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có thể ảnh hưởng tới tính an toàn của ngân hàng đó thì Ngân hàng Nhà nước “sẽ vào cuộc” để xử lý.

Người vay vẫn lo lắng

Trong lúc lãi suất tăng, người gởi đổ xô đi thăm dò, khảo sát, lựa chọn thì người vay vẫn… mếu! Đến thời điểm này, các ngân hàng đều chưa mở cửa cho vay mà chủ yếu là cạnh tranh lãi suất thu hút tiền vào. Mà lãi suất tiền gởi càng cạnh tranh tăng cao càng khiến doanh nghiệp lo lắng. Vì một bài toán cơ bản rằng, “đầu vào” tăng thì “đầu ra” sẽ đội trần 18%/năm. Mà lãi vay đến 18% thì chỉ những doanh nghiệp có lợi nhuận trên 20% mới dám vay. Trong tình hình khó khăn, giá cả tăng cao như hiện nay, việc duy trì sản xuất đã là khó, nói chi đến lãi cao. Anh Nguyễn Bá Lập, Phó Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng rầu rĩ: Dự án đang dở dang, với mức lãi suất này, chúng tôi gần như… nín thở!

Thế nhưng, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM lại có cái nhìn lạc quan: “Lãi suất sẽ phục hồi”. Bởi quy định này đã điều chỉnh lãi suất cơ bản theo cơ chế thị trường, nó sẽ góp phần xóa sự “ức chế” trong thị trường tiền tệ. Hơn nữa, khi đã có lãi suất cơ bản, các ngân hàng không thể đua nhau tăng lãi suất mãi được, vì phải đảm bảo lãi vay trần.

Do vậy, theo tôi, cách mà các ngân hàng cạnh tranh không phải là lãi suất mà chính là chất lượng phục vụ thì mới giữ chân được khách hàng lâu dài. Lãi suất cơ bản ban hành trong thời điểm này là phù hợp với tình hình lạm phát, tăng giá hiện nay, đảm bảo lãi suất tiền gởi cao hơn chỉ số tăng giá. Và khi chỉ số giá xuống thấp, trong biên độ lãi suất cơ bản được phép, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất xuống cho phù hợp.

Hàm Yên – Hàn Ni

Tạo thuận lợi cho các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng

Tại công văn số 757/TTg-KTTH ngày 20-5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện một số biện pháp về điều hành tiền tệ, tín dụng và định kỳ hàng tháng, quý báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh hợp lý các loại lãi suất của NHNN cho sát với thực tế thị trường; đồng thời, nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế xác định và điều hành mới về lãi suất cơ bản thay việc quy định trần lãi suất huy động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. “Phải tạo thuận lợi cho các ngân hàng tham gia thị trường liên ngân hàng và tiếp cận các nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, để các ngân hàng tự đáp ứng nhu cầu về vốn và đáp ứng khả năng thanh khoản; từng bước hình thành lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định và hợp lý, thông qua đó định hướng và ổn định lãi suất trên thị trường tiền tệ. NHNN phải giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, không để tiếp tục tăng trưởng tín dụng nóng và thiếu an toàn”, công văn nhấn mạnh. Về điều hành tỷ giá ngoại tệ, trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ giao dịch; kiểm soát mức tăng giá hoặc mất giá VND trong khoảng ± 2%. Thủ tướng cũng chỉ thị tăng cường kiểm tra, thanh tra, đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại; cần có biện pháp quản lý cả cung và cầu tín dụng; xác định nhu cầu đầu tư tín dụng nào cần khuyến khích và không khuyến khích để có chính sách phù hợp.

Cũng tại công văn này, Thủ tướng cho rằng việc nhập khẩu vàng sẽ bị hạn chế. Các công cụ điều tiết vĩ mô sẽ được áp dụng phù hợp với kinh tế thị trường để góp phần cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế vào khoảng 30% trong năm 2008. Ngoài ra, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và việc chấp hành các tỷ lệ an toàn.

N.Hà

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám sát chặt diễn biến lãi suất

Hôm qua (20-5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp có các văn bản tăng cường hoạt động thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện cơ chế lãi suất mới; cũng như thanh tra những trường hợp tăng lãi suất huy động quá đà.

Tại văn bản số 4426/NHNN-VP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra chặt chẽ tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Trường hợp phát hiện đơn vị huy động vốn và cho vay vi phạm các quyết định về lãi suất cơ bản (vượt quá 150% lãi suất cơ bản), thanh tra Ngân hàng Nhà nước tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật và gửi ngay biên bản xử phạt (bằng fax) về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục