Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước giờ G: Hoàn tất những công đoạn cuối

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác chuẩn bị đón sản phẩm dầu đầu tiên
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước giờ G: Hoàn tất những công đoạn cuối

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, sản phẩm đầu tiên xuất xưởng hôm nay 22-2. Thế nhưng ở một số gói thầu, vẫn còn hàng trăm công nhân đang cần mẫn hoàn thành nốt phần việc của mình. PV Báo SGGP đã có mặt trên công trường ghi lại những thời khắc quan trọng này.

Khoan đá dưới... đáy biển

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước giờ G: Hoàn tất những công đoạn cuối ảnh 1

Những công nhân của Lilama đang hoàn thiện công việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung quất. Ảnh: Ngọc Lâm

Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia nên tụ hội về đây nhiều tên tuổi lớn của ngành xây dựng, cơ khí, lắp máy, chế tạo máy, thi công công trình biển trong nước và nước ngoài, như: Tổng Công ty Công trình giao thông (Cienco 1), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí (PTSC)…

Trong đó, có lẽ lực lượng hùng hậu nhất vẫn thuộc về Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Đây là lực lượng thi công giàu kinh nghiệm nhất trên công trường Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Họ là những người có mặt sớm nhất trên công trường và giờ đây, là những người rời khỏi những hạng mục muộn nhất tại gói thầu 5A (đê chắn sóng), gói thầu 5B (cảng xuất sản phẩm). Đây cũng là gói thầu gian truân nhất trong giai đoạn thi công của dự án nhà máy lọc dầu vì phải thi công hoàn toàn trên biển. Dự toán từ 143 tỷ vọt lên 2.500 tỷ đồng! Thiết kế dự kiến 90 cọc khoan vào đá, cuối cùng tăng lên 820 cọc.

Kỹ sư trưởng Nguyễn Bá Thịnh, phụ trách nhóm công nhân 200 người cuối cùng của Lilama 18 cho biết: “Chúng tôi có mặt tại gói 5B vào tháng 3-2007. Ròng rã gần 2 năm qua, lúc cao nhất lên đến cả ngàn người, lúc nào cũng có người làm, bất kể ngày lễ, tết”.

Xử lý một lượng cọc nhồi rất lớn, lại phải khoan trong điều kiện địa hình phức tạp, vừa phải chạy đua cho kịp thời gian, hàng ngàn công nhân đã liên tục mất ngủ suốt 2 năm qua để hoàn thành phần việc được giao.

Chia tay trong tự hào

200 công nhân của Lilama đang tập trung cao độ hoàn thiện những phần việc cuối cùng như sơn lại cọc nhồi, bắt vít lại một số vị trí trên đường ống dẫn dầu, cho nước vào để súc đường ống trước khi bơm dầu chính thức…

Anh Võ Đăng Chung, quê ở Hải Phòng, đang khoan những mảng thép để bắt vít vào các khúc cua trên hệ thống đường ống, tâm sự với chúng tôi: “Hồi mới bắt tay vào cuộc thì mong cho xong việc để đi, giờ sắp chia tay lại thấy xao xuyến. Đây là công trình mà sự vất vả của người thợ gấp 2-3 lần so với những việc tôi đã làm, song đây cũng là một may mắn cho anh em công nhân vì qua mấy năm gắn bó với công trình, chúng tôi đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm cho công việc sắp tới”.

Kiểm tra những công đoạn cuối cùng tại phân khu công nghệ thuộc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: NGỌC LÂM

Kiểm tra những công đoạn cuối cùng tại phân khu công nghệ thuộc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: NGỌC LÂM

Trong khi đó, anh công nhân tên Thịnh, quê ở Bình Định, gãi đầu bối rối khi chúng tôi hỏi anh có ý định lấy vợ hay chưa. Thịnh đã từng làm việc ở nhiều công trình, nhưng theo anh cho biết, đây là công trình lớn nhất, khó nhất về công nghệ, kỷ luật khắt khe nhất và giúp công nhân trưởng thành nhanh nhất.

“Tự hào lắm anh ạ, vì mình đã đóng góp một phần sức lực cho dự án lọc dầu đầu tiên của đất nước nên chưa xa dự án mà lòng đã thấy bồi hồi, bâng khuâng...” - Thịnh tâm tình với cảm xúc bùi ngùi.

Trên công trường này có lúc cao điểm quy tụ trên 12.000 công nhân. Bây giờ chỉ còn lại 200 người đang quyết tâm hoàn tất những công đoạn cuối để nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Với 200 công nhân cuối cùng ấy, hay với trên 1 vạn người đã từng tham gia trên đại công trường này, chúng tôi vẫn tin rằng, dù có đi bốn phương trời, họ cũng sẽ nhớ về Dung Quất, nhớ về nhà máy lọc dầu đầu tiên của Tổ quốc với những cảm xúc sâu sắc sau nhiều năm tháng dầm mưa dãi nắng, để hôm nay dòng sản phẩm thương mại đầu tiên tuôn chảy.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác chuẩn bị đón sản phẩm dầu đầu tiên

Sáng 21-2, làm việc với lãnh đạo Ban quản lý dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất,  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các nhà thầu, Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn giám sát đã làm việc hết mình để tiến độ của dự án đạt đúng kế hoạch. Phó Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các nhà thầu phụ như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty Dịch vụ dầu khí (PTSC)... đã đào tạo lực lượng cán bộ, kỹ sư, phục vụ đắc lực quá trình xây dựng nhà máy. Lực lượng này sẽ giúp Việt Nam nắm được công nghệ hiện đại trong tương lai.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở mỗi kỹ sư, mỗi đơn vị cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, duy trì kỷ luật, đảm bảo không để xảy ra một sự cố nào vì chủ quan.

HÀ MINH - HÀ NHIÊN

Quảng Ngãi: Lần đầu tiên hết phòng khách sạn

Có mặt tại TP Quảng Ngãi trong những ngày qua, nhóm PV Báo SGGP cảm nhận rõ bầu không khí hân hoan, náo nhiệt chào đón dòng sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.  

Theo Ban tổ chức lễ công bố dòng sản phẩm thương mại đầu tiên, chỉ riêng Ban quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã mời trên 1.200 khách. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài lượng khách mời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều người quê ở Quảng Ngãi đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, TP trong nước và cả ở nước ngoài cũng muốn về quê hương trong dịp này để tận mắt chứng kiến sự kiện trọng đại này.

Do đó, lần đầu tiên ở Quảng Ngãi, tất cả phòng khách sạn từ cao cấp đến bình dân đều kín. Dự kiến, có khoảng trên 5.000 khách từ các nơi đến Quảng Ngãi. Nhưng do yêu cầu đảm bảo an toàn đặc biệt cho nhà máy, chỉ khoảng 1/5 số khách đó được tham gia buổi lễ.

Đến nay, đã có 12 cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đăng ký tham gia đưa tin về sự kiện này như: Kyodo, NHK (Nhật Bản), Reuter… và đông đảo phóng viên các báo, đài trong nước.

H.MINH

Thu hút nhiều dự án đầu tư nhờ Dung Quất

Việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có sự tác động tích cực đến quá trình thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất.

Giai đoạn 2001-2005, KKT Dung Quất chỉ thu hút được 52 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu. Năm 2007, KKT Dung Quất thu hút 126 dự án với tổng vốn đăng ký gần 140.000 tỷ đồng; năm 2008 có 157 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 10,3 tỷ USD. Trong đó có 44 dự án hoàn thành và đang hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Từ vị trí thứ 37, Quảng Ngãi đã vươn lên top 5 trong số 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

M.HÀ - A.VINH

Tin cùng chuyên mục