Dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không - Sẽ hết độc quyền?

Tín hiệu lạc quan
Dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không - Sẽ hết độc quyền?

Tín hiệu lạc quan

Theo đề xuất mới đây của Vinapco, chỉ có máy bay của Vietnam Airlines không trả tiền “tươi” khi tiếp nhiên liệu trước giờ khởi hành? Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đề xuất mới đây của Vinapco, chỉ có máy bay của Vietnam Airlines không trả tiền “tươi” khi tiếp nhiên liệu trước giờ khởi hành? Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội đồng cạnh tranh quốc gia vừa tuyên phạt Vinapco 3 tỷ đồng vì đã đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho Hãng Jetstar Pacific Airlines khiến các chuyến bay của hãng này bị hủy. Mức phạt này được đưa ra khi Hội đồng cạnh tranh quốc gia cho rằng Vinapco đã vi phạm 2 điều khoản trong Luật Cạnh tranh, trong đó có việc lạm dụng vị thế độc quyền trong cung cấp nhiên liệu bay.

Hội đồng cạnh tranh quốc gia cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines và kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ độc quyền. Đồng thời, đề nghị các bộ ngành chức năng nhanh chóng cấp phép cho các doanh nghiệp khác cùng kinh doanh xăng dầu hàng không nhằm xóa bỏ vị thế độc quyền lâu nay của Vinapco.

Theo hồ sơ vụ việc, “sự cố” xăng dầu giữa Vinapco và Pacific Airlines (nay đổi tên là Jetstar Pacific Airlines) xảy ra cách đây hơn 1 năm (14-4-2008).

Trước đó, theo hợp đồng đã ký, Vinapco áp dụng giá bán chung cho cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines là 593 USD/tấn (khi đó giá dầu thế giới ở vào khoảng 76,2 USD/thùng). Tuy nhiên, sau khi giá nhiên liệu thế giới tăng tới hơn 100 USD/thùng thì Vinapco điều chỉnh giá bán lên 750 USD/tấn.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như Vinapco không “ưu ái” mức giá này cho riêng Jetstar Pacific Airlines, mà loại trừ Vietnam Airlines (được xem là công ty “mẹ” của Vinapco). Điều này khiến Jetstar Pacific Airlines bất bình, không chấp nhận. Không đạt được thỏa thuận về giá, Vinapco đơn phương ngừng cung cấp xăng dầu cho Jetstar Pacific Airlines. Vì vậy, khoảng 500 hành khách của các chuyến bay ngày 14-4-2008 bị hủy chuyến bay.

Không dễ, vì sao?

 Manh nha đã từ lâu, thế nhưng cho đến nay Công ty cổ phần Nhiên liệu bay-PJF và một vài doanh nghiệp khác vẫn chưa thể tham gia dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không nhằm xóa bỏ thế độc quyền của Công ty Xăng dầu hàng không-Vinapco. Vì sao?

Phán quyết trên đã tạo được niềm tin trong những doanh nghiệp lâu nay “dòm ngó” thậm chí đã đặt chân vào mảnh đất màu mỡ của hàng không. Nhưng những người am hiểu cho rằng vẫn còn lắm khó khăn.

Bộ Giao thông Vận tải đã và đang chuẩn bị cấp phép cho 2 doanh nghiệp chức năng khai thác dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam, muốn thực hiện dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp khá lớn (khoảng 100 triệu USD) để xây dựng các bồn chứa, hệ thống đường dẫn nạp, thiết bị công nghệ, đồng thời phải có khách hàng và cơ sở hạ tầng (nhà xưởng, đất đai…).

Thế nhưng, đất đai, nhà xưởng ở khu vực sân bay hiện nay không có nhiều. Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này chỉ có thể tìm mua hoặc thuê đất ở các khu vực quanh sân bay, trong khi giá đất ở khu vực này thường không rẻ. Đó có lẽ là lý do chính khiến các doanh nghiệp bên ngoài chưa thể “xâm nhập” để phá thế độc quyền của Vinapco. 

Dù vậy, với những thông tin nêu trên và với những đề nghị được đưa ra từ Hội đồng cạnh tranh quốc gia sau phiên xử vụ Vinapco, các hãng hàng không và người tiêu dùng đã có thể hy vọng trong tương lai gần, dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không sẽ không còn là độc quyền của Vinapco.

NGUYỄN THU TUYẾT


Jetstar Pacific và Indochina Airlines muốn nạp nhiên liệu

Phải “tiền trao cháo múc”? 

Ngày 20-4, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) cho biết, Vinapco đã có công văn gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị, trong thời gian tới, các hãng hàng không Jetstar Pacific và Indochina Airlines phải trả tiền trước khi tra nạp nhiên liệu tại các điểm cung cấp nhiên liệu bay của Vinapco.

Theo công văn này, Vinapco sẽ không bơm xăng theo dạng nợ gối đầu như trước đây mà sẽ áp dụng phương án các hãng bơm xăng lít nào trả tiền lít ấy. Việc áp dụng hình thức thu tiền trước khi tra nạp có thể dẫn đến tình trạng chậm chuyến bay do các hãng hàng không trên không thanh toán kịp thời.

Tuy nhiên, Vinapco xin miễn mọi trách nhiệm phát sinh đối với việc chậm chuyến bay do nguyên nhân trên. Hiện các cơ quan chức năng chưa có ý kiến gì về đề nghị của Vinapco.

M.DUY

Tin cùng chuyên mục