Sau hơn 100 năm hoạt động trong nội thành TPHCM, Cảng Sài Gòn bắt đầu di dời

THÀNH TÂM
Sau hơn 100 năm hoạt động trong nội thành TPHCM, Cảng Sài Gòn bắt đầu di dời

Bốc xếp phân bón cung ứng cho ngành nông nghiệp tại cảng Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TÂM

Bốc xếp phân bón cung ứng cho ngành nông nghiệp tại cảng Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TÂM

Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, UBND TPHCM cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành khác sẽ đến chứng kiến sự kiện này (diễn ra vào ngày 16-5-2009).

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hệ thống cảng biển ở TPHCM và lập lại trật tự an toàn giao thông cho thành phố.

Di dời nhưng vẫn thuộc TPHCM

Theo ông Lê Công Minh, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, Cảng Sài Gòn chỉ di dời (một số hoạt động của cảng vẫn ở trong nội thành, đặc biệt là hoạt động đưa đón tàu khách…) ra khỏi nội thành và đích đến là Hiệp Phước, vẫn thuộc TPHCM.

Tuy nhiên, ra Hiệp Phước, nơi đất đai rộng rãi, có luồng tàu biển Soài Rạp đang được TPHCM nạo vét sâu đến -9,5m và sắp tới là -12m, Cảng Sài Gòn sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển. Hiện tại khu cảng chính của Cảng Sài Gòn là Cảng Nhà Rồng và Khánh Hội ở trong nội thành đã không còn đất để mở rộng trong khi hàng hóa về cảng ngày một tăng.

Luồng tàu biển Lòng Tàu dẫn vào 2 cảng này chỉ sâu khoảng -8,5m, các tàu lớn rất khó ra, vào. Hơn nữa, trục giao thông đường bộ chính lưu thông hàng hóa của cảng là đường Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh luôn trong tình trạng quá tải.

Tại Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn đã được TPHCM giao 100ha đất để xây dựng cảng mới. Hôm nay, Cảng Sài Gòn tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng Sài Gòn Hiệp Phước giai đoạn 1 rộng gần 54ha.

Khu cảng này sẽ có 3 cầu cảng dài khoảng 800m, có khả năng thay thế Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội tiếp nhận hàng hóa với sản lượng hàng hóa thông qua hàng năm ước đạt 8,7 triệu tấn (tương đương lượng hàng đang được Cảng Nhà Rồng và Khánh Hội tiếp nhận).

Cảng Sài Gòn phấn đấu đến cuối năm 2010 sẽ đưa 200m cầu cảng trong 800m cầu này vào hoạt động. Đến lúc đó, việc tiếp nhận hàng hóa ở Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ dần được chuyển ra Hiệp Phước. Giai đoạn 2 của Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước còn đang trong giai đoạn làm thủ tục cấp đất.

Tuy nhiên, Cảng Sài Gòn đã có kế hoạch xây dựng tại đây 1.000m cầu cảng với khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này đã được tính trên cơ sở đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của TPHCM và khu vực phía Nam trong những năm tới.

Không chỉ có Cảng Sài Gòn mới di dời ra khỏi nội thành TPHCM. Theo quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast) lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, sẽ có 5 đơn vị phải di dời trước năm 2010 đó là Cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Cảng Rau Quả, Cảng Tân Thuận Đông và Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Sau đó là các cảng còn lại như Bến Nghé, Bông Sen…

Đến nay, Tân Cảng đã hoàn thành công tác này và cũng giống như Cảng Sài Gòn, Tân Cảng di dời ra Cát Lái vẫn thuộc TPHCM. Chỉ có Nhà máy Đóng tàu Ba Son ra Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng Tân Thuận Đông cũng di dời ra Hiệp Phước còn Cảng Rau Quả sẽ tiến hành chuyển đổi công năng tại chỗ.

Vẫn là Cảng Sài Gòn của hơn 100 năm qua

Không chỉ ra Hiệp Phước mà Cảng Sài Gòn còn liên doanh, liên kết với nhiều tập đoàn cảng biển lớn trong và ngoài nước để xây dựng cảng nước sâu, cảng container lớn ở Cái Mép-Thị Vải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thu hút lượng hàng trung chuyển từ các nước trong khu vực.

Đó là Cảng quốc tế SP-PSA do Cảng Sài Gòn liên doanh với Tập đoàn Cảng biển PSA (Singapore) và Vinalines, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) do Cảng Sài Gòn liên doanh với Vinalines và Tập đoàn Maersk (Đan Mạnh), Cảng container quốc tế Sài Gòn-SSA do Cảng Sài Gòn liên doanh với Tập đoàn SSA (Hoa Kỳ)…

Tuy nhiên, như khẳng định của ông Lê Công Minh, chỉ có phần di dời ra Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn mới đúng là Cảng Sài Gòn của hơn 100 năm qua. Tại Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn vẫn tập trung phát triển các loại hình bốc xếp hàng xá như phân bón, khoai mì sắt lát và nhiều nông sản khác.

Đây là loại hàng bốc xếp không có lợi nhuận cao, rất nhiều cảng khác không muốn tiếp nhận nhưng phục vụ thiết thực cho nhu cầu sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa của người dân, đặc biệt là người dân ĐBSCL.

Cảng Sài Gòn bốc xếp hàng xuất khẩu

Cảng Sài Gòn bốc xếp hàng xuất khẩu

Trong buổi làm việc với đoàn công tác liên bộ Giao thông Vận tải, Tài chính… ngày 14-5-2009, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cũng khẳng định, TPHCM phát triển khu vực Cảng Hiệp Phước không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt trong tình huống luồng tàu biển ở ĐBSCL vẫn chưa thể tiếp nhận tàu lớn thì TPHCM vẫn sẵn sàng nhận trách nhiệm là đầu mối giao thương giao lưu hàng hóa cho miền đất này

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục