Trước buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam

Ông Mai Trọng Tuấn, tác giả dự án “Đường bay vàng”: “Tôi sẵn sàng hợp tác vô điều kiện”

Trong khi chờ đợi cuộc gặp làm việc trực tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giữa Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) với ông Mai Trọng Tuấn - tác giả dự án “Đường bay vàng”, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Mai Trọng Tuấn về quan điểm và ý nguyện của ông xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Quan điểm của ông và Cục HKVN có nhiều điểm khác biệt, nhất là khi nói về lợi ích kinh tế của đường bay mới. Theo ông, vì sao Cục HKVN lại có những quan điểm và phân tích trái ngược với ông như thế?

* Ông MAI TRỌNG TUẤN: Với góc nhìn theo cơ chế thị trường và với điều kiện cung, cầu không chênh lệch nhiều quá, theo tôi, ngành HKVN nói chung và các hãng hàng không có máy bay trên tuyến này nói riêng có lợi không đáng kể. Bởi trên thực tế, nguồn thu chính của ngành hàng không và các hãng hàng không trong nước hiện nay bao gồm các khoản sau: tiền chuyên chở vận chuyển hành khách và hàng hóa, tiền các loại hình dịch vụ mặt đất tại các sân bay đi và đến, phí quản lý điều hành bay và thương quyền bay.

Nếu đường bay ngắn rút lại, các hãng hàng không sẽ giảm bớt được xăng dầu, hao mòn máy móc, thời gian bay trên không. Tuy nhiên, họ cũng phải giảm giá vé, giá cước. Không thể lấy giá vé của chặng bay 1.200km để áp dụng cho cự ly 1.000km và còn cạnh tranh nhau giảm giá, vậy họ có được lợi gì? Anh lái taxi nào chả muốn người khách khi lên xe có nhu cầu đi xa, mặc dù cự ly càng xa giá càng rẻ.

Còn các dịch vụ khác, ví dụ như cung cấp xăng dầu hàng không chẳng hạn. Ai cũng biết trong kinh doanh, việc cung cấp hàng càng ít đi thì nguồn lãi thu được từ kinh doanh xăng dầu cũng sẽ giảm, trong khi bộ máy và trang thiết bị vẫn không giảm.

Chưa nói đến những chi tiết khác như tiền thuê tổ lái, tiền thuê máy bay của nước ngoài… khi khai thác ít thời gian (nếu lượng khách không đổi) người chủ thuê bị thiệt. Trường hợp thu nhập của tổ lái tính theo giờ bay, đường bay càng ngắn, càng ít thời gian thì thu nhập sẽ thấp hơn. Cho nên Cục HKVN trả lời với công luận và báo cáo với Thủ tướng rằng “không có hiệu quả về kinh tế” là cũng có lý của họ.

* Vậy ông có thể phân tích cụ thể hơn những lợi ích mà đường bay này mang lại?

* Trước hết và trên hết là nhân dân có lợi, nhà nước có lợi, nền kinh tế của đất nước có lợi, ta có lợi mà bạn cũng có lợi. Bởi lẽ, ít nhất mỗi một chuyến bay (một chiều) trên tuyến này sẽ giảm được tiền vé và cước hàng hóa, hành lý phụ trội 15%. Ước tính khoảng 60 triệu đồng/chuyến. Mỗi ngày có 100 chuyến x 60 triệu đồng = 6.000.000.000 đồng/ngày (sáu tỷ đồng), vậy mỗi tháng là 180 tỷ đồng.

Ngoài con số tiết kiệm hữu hình cho dân, cho nước còn phải kể đến những giá trị vô hình, tạo ra của cải vật chất cho xã hội là thời gian và sức khỏe của con người. Đặc biệt, những hành khách đi máy bay cũng như hàng hóa gửi bằng máy bay đều là có nhu cầu tiết kiệm thời gian cho làm việc, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Chưa tính đến yếu tố an toàn cao hơn (như ý kiến ông Lê Thành Chơn, ông Lê Trọng Sành - hai con chim đầu đàn trong ngành dẫn đường, quản lý, chỉ huy bay của Không quân Việt Nam đã phát biểu trên Báo SGGP và Thời báo Kinh tế VN).

Và như tôi đã trình bày trong đề án là xét trên toàn thế giới, bầu trời của 3 nước Đông Dương hiện nay có độ an toàn lý tưởng nhất. Bầu trời của chúng ta cần được coi là tài nguyên vô giá (đặc biệt ở phía Nam), hiếm quốc gia nào có được như ta.

* Ông sẽ đề xuất và trình bày nguyện vọng gì trong cuộc gặp trực tiếp với Cục HKVN sắp tới?

* Tôi mong ước Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng với đại diện ngành HKVN sang 2 nước bạn ít ngày, khi trở về với những hiệp định trong cặp là khi đó các điều cần và đủ đã hoàn tất cho việc thực hiện đường bay. Còn việc khởi bay chỉ là phổ biến với các hãng hàng không và thông báo với các cơ quan quản lý bay, cơ quan quản lý không phận, riêng việc vẽ một đường bay, hôm trước, hôm sau là máy bay cất cánh bay. Các dịch vụ đảm bảo mặt đất luôn luôn đã là việc quen thuộc thường ngày, 2 sân bay 2 đầu vẫn ở nguyên vị trí của nó không chuyển đi đâu.

Tôi nghĩ, nếu thời điểm khởi bay vào dịp Quốc khánh 2-9 năm nay là đẹp nhất và thời gian cho việc chuẩn bị từ nay đến lúc đó cũng là quá rộng rãi. Nếu được mời tham gia vào quá trình chuẩn bị, tôi sẵn sàng hợp tác vô điều kiện. Tôi tin rằng Cục HKVN và tôi sẽ cùng nhau hợp tác, có cách nhìn rộng hơn, xa hơn và chính xác hơn, tất cả cũng chỉ là vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines:
Cần thống nhất vì lợi ích chung

Tôi có theo dõi vụ “Đường bay vàng” trên báo chí. Là một phi công, tôi thấy ý tưởng của bác Mai Trọng Tuấn quá hay và rất đúng. Tuy nhiên, ý kiến giải trình của Cục HKVN cũng không phải là không có lý.

Bác Mai Trọng Tuấn là một phi công nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm, những vấn đề bác nêu ra chúng tôi rất quý và rất trân trọng. Thế nhưng, mỗi thời mỗi khác, khi bác nói vùng đó không cấm bay nhưng Cục HKVN bảo đó là vùng cấm bay thì cũng là chuyện bình thường. Vì có thể thời bác còn bay thì khu vực đó không cấm nhưng thời nay thì đã cấm. Quan điểm và thông tin giữa 2 bên đưa ra không giống nhau thì cần phải sớm gặp nhau để làm cho sáng tỏ. Tôi nghĩ cả 2 bên, dù trên quan điểm nào thì cũng là vì lợi ích chung của dân, của nước mà thôi.

Riêng đối với việc thực hiện bay trên đường bay theo kinh tuyến 106° Đông theo tôi rất đơn giản, rất dễ bay. Với thế hệ máy bay và đường bay hiện đại như hiện nay thì vấn đề bay không phụ thuộc nhiều vào mặt đất (không quá cần các đài, trạm định vị, dẫn dắt…), hay nói cách khác, mặt đất không ảnh hưởng lắm đến công tác bay.

Vấn đề quan trọng theo tôi là hiệu quả về kinh tế. Như tôi đã nói ở trên, đường bay mới theo ý tưởng của bác Mai Trọng Tuấn rất hay, rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm được thời gian và nhiều chi phí khác. Thế nhưng tôi cũng được biết, đường bay mới có đoạn ta phải bay ở bầu trời nước bạn, vì vậy ta sẽ phải trả phí thương quyền bay cho bạn… Đây là vấn đề mà tôi nghĩ ngành chức năng cũng cần phải đưa ra để cân nhắc, so sánh và đánh giá xem như thế nào thì có lợi cho cái chung của đất nước.

Điều cuối cùng là tôi cũng như nhiều độc giả quan tâm đến lĩnh vực hàng không rất mong Cục HKVN và bác Mai Trọng Tuấn sớm gặp nhau trao đổi, làm việc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để mọi việc được sáng tỏ, và tôi hy vọng 2 bên sẽ tìm được tiếng nói chung, sẽ thống nhất được một phương án thật hiệu quả, thật hữu ích cho nhân dân và nền kinh tế.

NGUYỄN THU TUYẾT (ghi) 

Thông tin liên quan

Xung quanh vấn đề mở “Đường bay vàng” theo kinh tuyến 106° Đông: “Đường bay vàng” an toàn và hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Cục Hàng không làm việc trực tiếp với tác giả đề án “Đường bay vàng”

- Cục Hàng không giải trình về vấn đề mở “Đường bay vàng”

- “Đường bay vàng” TPHCM - Hà Nội: Vì sao chưa khai thác?

- Đề xuất mở “đường bay vàng” TPHCM - Hà Nội: Rút ngắn 200km

Tin cùng chuyên mục