Du lịch Việt Nam hụt hơi

Bài 1:
Du lịch Việt Nam hụt hơi

Bài 1: Tour rẻ “vẽ... tiền” khách Việt

Du lịch thế giới đã dịch chuyển từ Âu sang Á. Trong hơn 15 năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm đến ưa chuộng của xu thế dịch chuyển này. Đặc biệt, khu vực Đông Á đã nổi lên, đạt tốc độ tăng trưởng du lịch cao, trở thành nơi có sức hút mạnh mẽ nhất đối với du khách toàn cầu. Nắm bắt xu hướng dịch chuyển này, các nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á đã đầu tư mạnh cho phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam cũng tự hào với những bước tiến về phía trước, nhưng so ra vẫn còn chậm hơn nhiều nước trong khu vực.

Từ tháng 6-2011 đến nay, tour du lịch đến Thái Lan luôn kín chỗ, các công ty lữ hành phải từ chối nhận khách vì không còn khả năng phục vụ. Hướng dẫn viên tour Thái bay như con thoi giữa Việt Nam - Thái Lan. Du khách Việt đã và đang đổ xô đến Thái. Du lịch trong nước đang bất lực nhìn dòng tiền đổ ra nước ngoài. Điều gì đã tạo nên sức hút của ngành du lịch Thái Lan?

  • Đụng đầu bên đất Thái
Du khách Việt Nam tham quan vườn thú Safari World (Thái Lan).

Du khách Việt Nam tham quan vườn thú Safari World (Thái Lan).

Trong những ngày này, đến các điểm dừng chân ở Pattaya, Bangkok của Thái Lan như vườn thú Safari World, Hoàng cung, chùa Phật hoàng… du khách Việt có cảm giác như ở quê nhà vì có thể nghe tiếng Việt đủ giọng Nam, Trung, Bắc. Cờ dẫn đoàn của các công ty du lịch Việt Nam dày đặc, từ các công ty tên tuổi đến những công ty mới thấy lần đầu! Người Việt đụng đầu bên đất Thái.

Thái Lan đang trở thành điểm đến khá “nóng” không chỉ của riêng du khách châu Á mà cả thế giới. Hơn 12 giờ đêm, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok - Thái Lan vẫn nhộn nhịp đón khách từ khắp nơi đổ về. Nhìn khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở đây, hầu hết lượng khách đến Thái Lan trên những chuyến bay đêm đều đến từ những thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Những chuyến bay đêm cũng đồng nghĩa với giá rẻ, du lịch Thái Lan đang hút khách vì giá rẻ.

Các sản phẩm du lịch Việt Nam còn đơn điệu.

Các sản phẩm du lịch Việt Nam còn đơn điệu.

Trong suốt mùa du lịch hè từ tháng 6-2011 đến nay, hầu hết tour khởi hành đến Thái đều đầy khách. Hiện nay, trung bình mỗi tuần, một công ty du lịch đưa 35 - 50 khách/đoàn đi Thái. Nhiều công ty du lịch lớn có thể đưa 2 - 3 đoàn/tuần. Ngoài các hãng hàng không quen thuộc khai thác đường bay từ Hà Nội, TPHCM đi Bangkok như Thai Airways, Vietnam Airlines... Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ mới mở đường bay tại thị trường Việt Nam vài tháng nhưng cũng điều chỉnh tăng tần suất chuyến bay giữa TPHCM - Bangkok từ 4 chuyến/tuần lên 7 chuyến/tuần. Các công ty du lịch cho biết, lượng khách đi trong dịp hè là gia đình nên số lượng người đi tour khá nhiều, khách phải đặt trước cả tháng mới hy vọng còn chỗ. Dù có ham khách cỡ nào, các công ty cũng đành từ chối vì không lo được vé máy bay.

Theo ước tính của các chuyên gia du lịch, trong gần 800 doanh nghiệp khai thác lữ hành quốc tế tại Việt Nam hiện nay, ít nhất một nửa doanh nghiệp nói trên có khai thác tour đến Thái. Ở giai đoạn “nóng”, trung bình mỗi tuần có khoảng 14.000 khách Việt đến Thái du lịch.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Truyền thông – đối ngoại của Fiditour cho biết, chuẩn bị đón mùa du lịch hè từ thị trường Việt Nam, ngành du lịch Thái Lan đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tăng thêm nhiều dịch vụ cho tour đi trong 6 ngày 5 đêm nhưng giá trọn gói chỉ khoảng 8 triệu đồng/khách. Do vậy, lịch tour đi Thái luôn kín chỗ trong suốt thời gian từ tháng 6 đến nay, dự kiến lượng khách đến Thái trong hè năm nay tại Fiditour tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Và với sự bùng nổ này, lượng khách từ Việt Nam đến Thái Lan du lịch trong 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt khoảng 245.000 khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2010.

Ngành du lịch Campuchia cũng thành công trong việc thu hút khách du lịch từ Việt Nam trong 3 năm lại đây. Ông So Mara, Quốc vụ khanh Bộ Du lịch Campuchia cho biết, với chính sách không tăng giá trong nhiều năm qua, mục tiêu thu hút khách Việt Nam đến Campuchia đã thành công. Năm 2009, lượng khách Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường khách quốc tế dẫn đầu tại Campuchia. Đến Angkor (Siêm Riệp) ở bất cứ thời điểm nào trong năm, khách Việt cũng chiếm số đông. Và suốt 3 năm qua, khách du lịch Việt Nam luôn dẫn đầu tại thị trường này, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số. Tour du lịch từ TPHCM đi Campuchia đến Siêm Riệp, Phnôm Pênh trong 4 ngày 3 đêm giá không vượt quá 200 USD. Ngoài ra, Singapore, Malaysia cũng là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông lượng khách từ Việt Nam.

  • Tiền “chảy” ra nước ngoài

Dân mình có tiền và xuất ngoại để biết đây biết đó là điều đáng mừng. Và cũng bởi vì đi đây đi đó nên hay so sánh cái được hơn để nhận diện mình rõ hơn. Ngẫm lại thấy xót ruột! Không xót sao được khi ở bất cứ quốc gia nào, bài toán doanh thu du lịch cũng đều tính dựa trên cơ sở của tổng lượng khách đến, số ngày lưu trú, mức chi tiêu của du khách. Nhìn vào 3 tiêu chí trên, du lịch Việt Nam chỉ có thể tự tin về số lượng khách đến dựa trên số liệu báo cáo có tăng trưởng ở hai con số. Còn số ngày lưu trú và mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam, từ lâu nay vẫn đang chờ sự thay đổi của ngành du lịch để có thể giữ chân và “moi” túi tiền du khách. Và đây cũng là vấn đề cốt lõi để du lịch Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Thái Lan, Campuchia chọn chiến lược bán tour giá rẻ và họ đã thành công. Lượng lớn du khách Việt Nam vẫn đổ xô đến Thái, Campuchia, dòng tiền trong nước tiếp tục đổ ra nước ngoài ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, chúng ta vất vả trong việc kiếm từng đồng ngoại tệ từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chúng ta đã từng ca thán, có một lượng lớn tiền của Việt Nam đổ vào 32 sòng bài lớn nhỏ dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Và những sòng bài này ở phía bạn như những vòi hút tiền từ Việt Nam. Vì hiện nay, kinh doanh casino vẫn còn hạn chế tại Việt Nam. Trong khi đó, casino là loại hình dịch vụ giải trí hái ra tiền, đóng góp lớn vào doanh thu du lịch. Malaysia - đất nước Hồi giáo, họ có thế mạnh trong khai thác du lịch sinh thái nhưng họ vẫn có casino. Singapore - được biết đến với thương hiệu xanh, sạch nhưng họ cũng làm cho du lịch phong phú hơn, tìm cách giữ lại nguồn tiền khi lượng khách từ Singapore sang Malaysia chơi casino ngày một tăng. Với việc đưa vào khai thác hệ thống casino mới đây, quốc đảo này hy vọng sẽ có tăng trưởng 60% lượng khách quốc tế trong năm nay.

Số lượng khách đến ít đột phá và chúng ta cũng không có nhiều “thủ thuật” để moi tiền du khách vì các sản phẩm du lịch, dịch vụ, mua sắm vẫn còn thiếu và yếu. Giá điện, xăng dầu ở Campuchia cao hơn Việt Nam gấp nhiều lần, nhưng bao năm qua, giá tour du lịch đến Campuchia vẫn không tăng giá! Giám đốc một công ty du lịch chia sẻ, giá tour du lịch trọn gói 6 ngày 5 đêm đến Thái Lan hiện nay trung bình ở khoảng hơn 350 - 370 USD. Trong đó, riêng tiền vé máy bay khứ hồi và thuế phi trường khoảng hơn 220 - 250 USD, tất cả các dịch vụ còn lại như xe di chuyển, vé tham quan, ăn ở khách sạn trong 5 ngày trên đất Thái chỉ gói gọn trong khoảng 80 - 100 USD còn lại! Chỉ 80 - 100 USD làm sao lo được chừng ấy thứ! Nghe qua đã thấy lỗ, nhưng vì sao họ vẫn làm được và thành công?

Mỹ Hạnh


Bài 2: Như “chim cánh cụt”

Sau khi trừ chi phí giá vé máy bay, thuế phi trường, nhà cung ứng dịch vụ tour tại Thái Lan chỉ còn trong tay khoảng 100 USD/khách để lo tất tật mọi thứ trong hành trình phục vụ khách Việt Nam tại Thái Lan 5 ngày. Tự thân một công ty du lịch Thái Lan không thể làm được nhưng cả ngành du lịch Thái có thể làm được điều đó. Và bù vào khoản chênh này là tiền thu được từ các dịch vụ, mua sắm mà du khách phải “tự nguyện” bỏ ra.

Đền Angkor Wat (Campuchia) thu hút đông khách du lịch VN tham quan.

Đền Angkor Wat (Campuchia) thu hút đông khách du lịch VN tham quan.

  • Phối hợp nhịp nhàng

Trên hành trình tour đến Thái vào cuối tháng 7 vừa qua, anh hướng dẫn viên du lịch vui tính, nói rành tiếng Việt và am hiểu về Việt Nam đã giới thiệu cho khách đi đoàn rằng: Tôi là người ủng hộ phe “áo đỏ”, nhưng xe đang chở các bạn đi là của phe “áo vàng”.

Tại Thái Lan, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, là thuốc thử số 1 được mang ra đong đếm hiệu quả trong chính sách phát triển kinh tế của đảng nắm quyền điều hành đất nước. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ doanh nghiệp 1/3 chi phí tour cho khách quốc tế. Đây là động lực lớn nhất để doanh nghiệp đầu tư, phát triển du lịch.

Và điều này có thể lý giải vì sao chỉ có 100 USD/khách, nhưng các doanh nghiệp (DN) của Thái vẫn đón, phục vụ khách chu đáo. Ở Thái Lan, tất cả các điểm du lịch đều do tư nhân đầu tư, khai thác, kết hợp với ngành du lịch để cùng có lợi.

Qua câu chuyện của anh hướng dẫn viên, chúng tôi ngạc nhiên hơn khi biết rằng, một công ty tư nhân kinh doanh đá quý của Thái có cả ngàn chiếc xe chở khách du lịch, dù họ không phải công ty khai thác tour du lịch! Đơn giản, họ sẽ chở khách cho công ty nào đưa khách vào tham quan, mua sắm ở công ty đá quý của họ! Các DN du lịch Việt Nam thán phục bởi cách phối hợp chặt chẽ của các DN Thái. Mỗi DN được phân công một nhiệm vụ, “trên bảo, dưới nghe” và đó là thế mạnh của ngành du lịch Thái.

Campuchia tự hào với di sản Angkor, cả quần thể Angkor ở Siêm Riệp cũng được giao cho tư nhân khai thác. Những ai đã đến Angkor sẽ không chê vào đâu được khi nhìn thấy cách làm du lịch rất chuyên nghiệp ở đây. Sạch sẽ, thân thiện với môi trường, “ăn xin” cũng lịch sự và ngồi đúng chỗ! Áp dụng tiêu chuẩn quản lý ISO 14001, dù Angkor ở trong rừng nhưng trên đường đi và tại các ngôi đền luôn có người quét lá cây, dọn dẹp sạch sẽ.

Còn ở Việt Nam, trong nhiều năm nay, mỗi lần họp bàn giải quyết khó khăn cho DN, các công ty du lịch đều đề xuất nhà nước không đánh thuế nhập khẩu xe phục vụ cho du lịch. Lãnh đạo Saigontourist đã nhiều lần bức xúc, tiền mua một chiếc xe giá chỉ có 1 tỷ đồng, nhưng DN phải chi 2 tỷ đồng để mua vì mất thêm tiền thuế nhập khẩu 100%. Số tiền đầu tư đội lên cao, vòng quay khấu hao sẽ lâu hơn, dẫn đến việc xe kém chất lượng, kém cạnh tranh.

Hiện tại, chỉ có những DN du lịch lớn mới dám bỏ tiền ra đầu tư mua xe, chủ yếu để làm thương hiệu hơn là kinh doanh. Không có nhiều sự ủng hộ từ chính sách khuyến khích của nhà nước, hầu hết DN du lịch Việt Nam phải tự thân vận động. Với kiểu “mạnh ai nấy làm”, “trên bảo, dưới không nghe” là hệ quả tất yếu của sự phát triển ì ạch, giậm chân tại chỗ của ngành.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, bức xúc, Việt Nam không thua các nước trong khu vực về danh lam thắng cảnh, thậm chí còn đa dạng hơn, nhưng ta không thể chuyển được thành thế mạnh, hấp dẫn. Cách làm du lịch của Việt Nam như du lịch “chim cánh cụt” - chúng ta bất lực nhìn các nước xung quanh tung cánh bay lên. 

  • “Đặc sản” và cách moi tiền du khách

Khi dẫn đoàn đến Pattaya - thành phố vui chơi về đêm ở phía Đông Nam của Thái Lan, anh bạn hướng dẫn viên nói trên so sánh khiêm tốn, biển Pattaya không bằng Nha Trang của Việt Nam, nhưng ở đây có những cái lạ! Đó là sex tour, những màn biểu diễn hoành tráng, sinh động có một không hai của những người chuyển đổi giới tính. Quả thật, không cần nhiều, chỉ bấy nhiêu đó cũng đã tạo nên thương hiệu, “đặc sản” cho ngành du lịch Thái.

Những đặc sản mới nghe qua có gì đó không phù hợp với đất nước có đến 95% dân số theo Phật giáo như Thái Lan. Nhưng Thái Lan đã tách bạch được giữa văn hóa và kinh doanh. Và họ nổi tiếng khắp thế giới với “đặc sản” này, buộc khách khi đến phải khám phá để biết “đặc sản” như thế nào? Đặc sản không có trong chương trình tour. Ngành du lịch Thái đã đưa bạn đến Thái với một cái giá quá rẻ, muốn xem “đặc sản” bạn phải bỏ tiền túi với giá không rẻ, khoảng 50 - 60 USD/khách/show.

Những ai đã đến Thái du lịch đều thừa nhận, các dịch vụ từ nhỏ đến lớn đều biết cách moi tiền du khách. Chương trình tour đưa khách đi tắm biển nhưng khách phải trả tiền thuê ghế để ngồi. Bạn muốn chụp hình với người chuyển giới, với chim, cọp, voi… đều phải trả tiền, với giá khá mềm, khoảng 50 bath/người/lần (35.000 đồng). Du khách bị móc túi, nhưng trên tinh thần tự nguyện!

Shopping là một trong những điểm nhấn để du khách xài tiền, trong chương trình tour có hẳn 1 ngày để du khách tự do mua sắm, khám phá Bangkok. Thái Lan đã thành công với tên gọi “Thiên đường mua sắm” qua những chiến dịch và các tháng bán hàng khuyến mãi giá rẻ trong năm. “Đã đến Thái phải mua - đã mua phải mua nhiều”, du khách đều phấn khởi chi tiền ra mua quần áo, túi xách, quà cáp với số tiền nhiều hơn tiền mua tour.

Chị Kim Tuyến (quận 4, TPHCM) cho biết, vào trung tâm mua sắm MBK, chị như bị bỏ bùa mê, hút vào các gian hàng quần áo, túi xách vì giá khá rẻ so với Việt Nam. Sau hơn nửa ngày lang thang ở MBK, chị đã chi hơn 10 triệu đồng để mua quần áo, túi xách làm quà tặng cho gia đình.

Nếu phát triển tốt du lịch sinh thái, thắng cảnh mà không kèm theo các sản phẩm, dịch vụ, giải trí như mua sắm, casino thì ngành du lịch chưa thể moi tiền của du khách và bài toán doanh thu du lịch sẽ chịu tác động mạnh từ yếu tố này. Du lịch Việt Nam đang thiếu các dịch vụ giải trí, mua sắm hàng tiêu dùng giá rẻ để du khách xài tiền.

Du lịch mua sắm đóng góp rất lớn vào kinh tế Thái Lan. Theo kết quả nghiên cứu của MasterCard Worldwide, du lịch mua sắm ở Bangkok không còn là mua sắm giá rẻ mà nâng lên mức cao hơn. Theo ước tính, trung bình mỗi du khách đến Bangkok chi tiêu 1.250USD. Còn tại Việt Nam hiện nay, mức chi tiêu của du khách nước ngoài ở mức khá thấp, trung bình dưới 700USD cho tour 7 ngày ở Việt Nam.

Mỹ Hạnh


Bài 3: Chờ hạ tầng, hàng không

Đón đầu sự dịch chuyển điểm đến của du lịch thế giới, trong hơn 15 năm qua, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã có chiến lược đầu tư cho hệ thống hạ tầng, hàng không. ASEAN đang sở hữu những cảng hàng không tầm cỡ thế giới. Trong khi, còn lâu nữa du lịch Việt Nam mới có thể cất cánh vì phải chờ đợi… hạ tầng, hàng không.

  • Hạ tầng... rùa bò! 

Các quốc gia trong khu vực ASEAN đã có chiến lược phát triển du lịch và đi cùng với đó là hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại. ASEAN đang sở hữu những cảng hàng không quy mô lớn, tầm cỡ, thuộc hàng tốt và hiện đại nhất thế giới. Ngoài hơn 30 đường cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên không, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok là niềm tự hào, góp phần làm du lịch Thái Lan cất cánh.

Du lịch Việt Nam hụt hơi ảnh 4

Giá tour cao làm du lịch trong nước kém cạnh tranh so với nhiều tour đi nước ngoài. (Ảnh: Du khách mua đặc sản ở Điện Biên). Ảnh: THÁI BẰNG

Sân bay Suvarnabhumi đưa vào hoạt động năm 2006, xếp thứ 18 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất trên thế giới, phục vụ khoảng hơn 45 triệu khách/năm và có khả năng nâng cấp lên hơn gấp đôi. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) cũng là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á, với công suất khai thác 45 triệu khách/năm đã được đưa vào khai thác từ năm 1998. Sân bay Changi của Singapore cũng nằm trong tốp những sân bay hiện đại nhất thế giới.

Việt Nam cũng đã có kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế Long Thành lớn gấp 4 lần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay, với 4 đường băng hạ cất cánh. Công suất khai thác tối đa của sân bay quốc tế Long Thành bằng với sân bay Suvarnabhumi của Thái hiện nay, khoảng 100 triệu khách/năm. Cùng với đó là hệ thống đường bộ cao tốc nối liền TPHCM đến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang… Nhưng phải đợi ít nhất 15-20 năm nữa, các hệ thống này mới có thể hình thành đưa vào hoạt động để TPHCM - trung tâm kinh tế, du lịch của Việt Nam cũng sẽ có được bộ mặt hạ tầng tương tự như Bangkok - Thái Lan hiện nay.

Nhưng liệu đến khi đó, châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt Đông Á, Đông Nam Á có còn là điểm nóng thu hút khách quốc tế hay du lịch thế giới lại bắt đầu guồng quay, thay đổi điểm đến ở châu Phi hay một nơi nào đó không phải Đông Á! Như thế du lịch Việt Nam sẽ lỗi nhịp, chậm chân.

Hiện tại, trong khi các sân bay Suvarnabhumi, KLIA đang hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm thì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất Việt Nam vẫn chưa khai thác hết công suất 20 triệu/khách/năm. Các đoạn đường cao tốc Bắc Nam được làm từng đoạn, không biết bao giờ mới có thể liền tuyến. Nhiều công trình hạ tầng chưa được cải thiện, Mũi Né - Phan Thiết cách TPHCM hơn 200km, nhưng tình hình di chuyển trong nhiều năm gần đây ngày một tệ hơn.

Các công ty du lịch cho biết, trước đây thời gian di chuyển trên đoạn đường này mất khoảng 5 giờ rưỡi, nhưng nay với việc bắn tốc độ, kẹt xe nghiêm trọng ở cửa ngõ TPHCM, khoảng thời gian kéo dài đến 6 giờ. Với đoạn đường 200km phải mất chừng ấy thời gian di chuyển, ngồi trên xe thì quả là nỗi ám ảnh đối với du khách nước ngoài.

  • Du lịch và hàng không chưa... liên thông

Phát triển du lịch không chỉ có hạ tầng. Hàng không giá rẻ cũng góp phần quan trọng vì giá vé máy bay chiếm phần lớn chi phí tour. Đón 23 triệu khách trong năm 2010, Malaysia đã lọt vào tốp 10 nước có lượng khách quốc tế đến cao nhất thế giới. Và hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia đã đóng góp rất lớn trong việc đưa khách quốc tế đến Malaysia.

Một nhóm bạn trẻ ở TPHCM vừa lên kế hoạch đi du lịch “bụi” đến Sri Lanka trong tháng 4-2012, hành trình 4 chặng bằng hàng không giá rẻ AirAsia, tuyến TPHCM - Kualar Lumpur - Sri Lanka - Kualar Lumpur - TPHCM, giá đặt vé toàn bộ chỉ có 7 triệu đồng. Tương tự, Singapore có hãng hàng không giá rẻ Tiger Arways, Thái Lan có Nok Air. Việt Nam vẫn chưa có hàng không giá rẻ thật sự, dù Jetstar Pacific Airlines đang hoạt động với danh nghĩa hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, khi hãng đang trong tình trạng khó khăn. 

Hạ tầng đường bộ tại Việt Nam còn yếu, du khách phải mất nhiều thời gian cho di chuyển. Trong khi đó, đường hàng không lại quá đắt đỏ. Với việc tăng giá trần vé máy bay nội địa của các hãng hàng không trong nước lên gần 25% trong tháng 5-2011, du lịch nội địa như hứng thêm một gáo nước lạnh! Theo giá mới, vé khứ hồi TPHCM - Hà Nội lên gần 5 triệu đồng. Giá vé máy bay vốn đã đắt đỏ nay còn đắt hơn! Hàng không và du lịch Việt Nam vẫn còn lạnh nhạt, chưa có sự đột biến trong quan hệ.

Trong năm 2009 và 2010, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) đã hưởng ứng bán vé giá rẻ cho tour kích cầu nội địa, góp phần làm cho giá tour du lịch trong nước giảm 30%-35% so với giá bình thường. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Phó trưởng nhóm Doanh nghiệp lữ hành tham gia chương trình kích cầu tại TPHCM, đã thừa nhận rằng, việc bán vé máy bay giá rẻ cho tour nội địa đã tạo cơ hội cho người dân trong nước được đi du lịch giá rẻ, góp phần rất lớn vào tăng trưởng 30% của khách nội địa. 

Tuy nhiên, năm 2011, VNA đã rút chân, không tiếp tục làm mạnh thường quân cho ngành du lịch. Không còn tour kích cầu, trước sự gia tăng chi phí đầu vào của mặt bằng giá mới, giá tour nội tăng khoảng 20%-30% so với trước. Điều này đẩy giá tour nội vốn đã cao nay càng cao hơn so với tour đi nước ngoài đến Thái, Campuchia. Tour nội địa mất cạnh tranh và việc du khách Việt Nam đổ xô đi du lịch nước ngoài trong những tháng gần đây là thực tế buồn nhiều hơn vui!

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục