Bộ Xây dựng nên thu hồi văn bản

Bộ Xây dựng nên thu hồi văn bản

Phản hồi bài viết “Tắc gói 30.000 tỷ đồng?”

Làm thế nào để tháo gỡ ách tắc của gói 30.000 tỷ đồng?  Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khẳng định:

Từ khi có Công văn 395 của Bộ Xây dựng thì gần như các ngân hàng thương mại đều lúng túng vì không thể giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ngay cả Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng có văn bản hỏi Bộ Xây dựng, các trường hợp ký hợp đồng giải ngân trước đây cho đối tượng vượt 9 triệu đồng mỗi tháng thì xử lý thế nào, bởi nếu làm sai các ngân hàng sẽ đối mặt với thanh tra, điều tra. Coi như Công văn 395 đã “khóa sổ” gói 30.000 tỷ đồng!

Xét về mặt pháp luật, văn bản của Bộ Xây dựng chỉ là một công văn nhưng lại có ý nghĩa của quy phạm pháp luật khi đưa ra khái niệm người thu nhập thấp. Xét về mặt thứ bậc văn bản pháp quy nhà nước, công văn chỉ đứng vị trí thứ 5 có ý nghĩa là hướng dẫn, nhưng đằng này Công văn 395 lại đưa ra một khái niệm bắt buộc phải thi hành, có dấu hiệu vượt quá vị trí của công văn.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 8 TPHCM

- PV: Tiếp nối công văn 395 của Bộ Xây dựng, Hiệp hội đã có 2 văn bản kiến nghị nhưng sau đó Bộ Xây dựng lại có văn bản phản bác toàn bộ. Vì sao vậy?

- Ông LÊ HOÀNG CHÂU: Công văn phản hồi của Bộ Xây dựng có một số ý chưa đúng với quy định hiện hành. Thứ nhất, Bộ Xây dựng nói rằng gói này không có thời hạn giải ngân là chưa chính xác. Nghị quyết 02 tuy không nói về thời hạn của gói tín dụng nhưng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và NHNN hướng dẫn thực hiện. Trong Thông tư 11/2013 của NHNN đã nói tại Điều 4, thời hạn của gói tín dụng là 36 tháng kể từ ngày 1-6-2013, như vậy gói 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc vào ngày 31-5-2016. Điều này cũng vừa được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN tại TPHCM, trả lời trên báo chí. Mặt khác, Bộ Xây dựng nhận xét “kết quả giải ngân tăng theo từng tháng” cũng chưa phản ánh đúng thực tế. Theo con số của Bộ Xây dựng cung cấp, cho đến ngày 30-4-2015, thực tế giải ngân được 7.155 tỷ đồng, chiếm 23,85% của gói tín dụng sau 2/3 chặng đường, trong khi chỉ còn một năm nữa sẽ hết hạn thì kết quả đó là rất thấp, rất chậm và chưa hỗ trợ tích cực cho người thu nhập thấp tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này như nghị quyết của Chính phủ đề ra.

Thứ hai, về khái niệm thu nhập thấp, Bộ Xây dựng nói đại ý rằng đó là thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Nghị định 71 năm 2010 quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về xác định người thu nhập thấp của địa phương. Điều này phải hiểu như thế này, thu nhập 9 triệu đồng mỗi tháng nhưng tại các tỉnh nghèo có thể có cuộc sống tương đối thoải mái, nhưng ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… sẽ là khó khăn. Như vậy, xác định đối tượng người thu nhập thấp ở các tỉnh lẻ hoặc khu đô thị lớn sẽ khác nhau. Vì lẽ đó UBND cấp tỉnh là cơ quan xác định người thu nhập thấp mới phù hợp hơn hết. Do vậy Bộ Xây dựng cho rằng tự quy định về người thu nhập thấp rồi từ đó làm chuẩn chung là chưa phù hợp.

- Giải pháp để tháo gỡ ách tắc gói 30.000 tỷ đồng như thế nào, thưa ông?

- Nhằm tháo gỡ ách tắc, việc đầu tiên Bộ Xây dựng cần thu hồi Công văn 395 để sự việc quay trở lại điều kiện bình thường như các quy định trước đây, làm cơ sở cho các ngân hàng tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Thứ hai, đề nghị các tỉnh, thành phố nhanh chóng ban hành chuẩn người thu nhập thấp của địa phương mình, theo Nghị định 71.

Tiếp đó, đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã cho phép thế chấp nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hình thành trong tương lai để làm tài sản thế chấp thì ngoài tờ khai chính về cam kết trả nợ của người tiêu dùng, không đòi hỏi chứng minh về thu nhập. Chúng ta phải có lòng tin vào người thu nhập thấp. Ví dụ, những năm đầu 1990, TPHCM đã bán 1.000 căn nhà trả góp cho người thu nhập thấp ở khu Bàu Cát, Tân Bình, chỉ là tín chấp. Tất cả 1.000 người mua nhà thanh toán sòng phẳng đúng hạn. Trên thế giới, Ngân hàng Grameen của Bangladesh chỉ cho người thu nhập thấp vay tiền không thế chấp để làm ăn, nhưng nợ xấu chỉ dưới 1%, tốt hơn các ngân hàng lớn. Chúng tôi cũng đề nghị NHNN gia hạn gói 30.000 tỷ đồng đến ngày 31-5-2018 để có thời gian hình thành thêm nhiều quỹ nhà, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở. Đối với các địa phương, tích cực xét duyệt các dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội; xét duyệt cho phép cơ cấu lại căn hộ, chuyển từ căn hộ lớn sang căn hộ vừa và nhỏ để xử lý hàng tồn kho nợ xấu, tạo sản phẩm cung ứng cho thị trường đáp ứng gói tín dụng ưu đãi.

LƯƠNG THIỆN thực hiện

Tin cùng chuyên mục