Ngày 29-5-1985, Juventus gặp Liverpool trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu tại sân vận động Heysel ở thủ đô Brussels, Bỉ. Một bên là Liverpool của những Dalglish, Rush, Grobbelaar khét tiếng.
Họ đang nhắm đến chiếc Cúp C1 thứ 5, và nhắm đến cả mục tiêu đánh đổ kỷ lục 6 lần đoạt Cúp C1 của Real Madrid. Tóm lại, Liverpool khi ấy là CLB đáng sợ nhất trên sân cỏ châu Âu (lúc bấy giờ, AC Milan mới có vỏn vẹn 2 Cúp C1 chứ không phải 7 chiếc như ngày nay).
Bên kia là Juventus của Platini, Boniek, Rossi, Scirea. Họ chưa bao giờ đăng quang ở Cúp C1 - điều khó chấp nhận đối với đội bóng số 1 trong lịch sử Serie A. Khỏi nói cũng biết các cầu thủ Juventus khao khát chiến thắng đến mức độ nào trong trận đấu này. Kết quả, Juventus thắng 1-0 nhờ quả phạt đền của Platini, và trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử có đủ ngôi vô địch ở đấu trường 3 Cúp châu Âu.

Michel Platini thời còn thi đấu.
Hẳn nhiên, đấy phải là một trong vài trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của Platini. Nhưng hơn 20 năm qua, Platini rất ít khi đả động đến trận đấu đặc biệt này. Đấy là vì Platini giờ đây đã là Chủ tịch UEFA, Phó Chủ tịch LĐBĐ Pháp, Trưởng ban Kỹ thuật và Phát triển của FIFA. Platini nhắc lại trận đấu đáng hổ thẹn ấy làm gì nếu ông không muốn mất điểm trong các cuộc bầu cử?
Chức vô địch trong thời hoàng kim của một cầu thủ, dù có oanh liệt đến mấy, cũng không to bằng chiếc ghế bên phải Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trên khán đài VIP của các sự kiện trọng đại.
Platini biết rõ điều này, kể từ khi ông thường xuyên được ngồi vào chiếc ghế ấy, trong tư cách đồng trưởng ban tổ chức World Cup 1998. Cho nên, Platini đành “hy sinh” trận đấu mà ông ghi bàn duy nhất, và cả chiếc Cúp C1 duy nhất trong sự nghiệp bóng đá của mình. Đừng nhắc đến nó là hơn. Chẳng phải vì Platini khiêm tốn, bởi thành tích 3 lần đoạt “Quả bóng vàng” của ông vẫn được nhắc lại đều đặn cùng cơ man những thành tích khác.
Chính Platini nhấn mạnh: “Không biết có ai đã từng là Trưởng ban tổ chức World Cup ở tuổi 38 như tôi hay không”. Câu nói ấy được Platini đưa ra khi báo chí hỏi đâu là nhân vật mà ông ngưỡng mộ nhất trong bóng đá hiện đại. Vâng, Platini không hề khiêm tốn khi sự khiêm tốn ấy không cần thiết. Ông thậm chí có chút ganh tị với các “celebrity” trong bóng đá hiện đại. “Họ chỉ là sản phẩm lăng xê của báo chí”, Platini bình luận.
Trở lại trận chung kết Cúp C1 năm 1985. Sau khi ghi bàn từ chấm 11m, Platini mừng như điên dại. Sau này, người ta chỉ trích Platini: ông có biết mình đã ăn mừng bàn thắng khi 39 cổ động viên vừa bỏ mạng trên khán đài - gồm 32 người Ý, 4 người Pháp, 2 người Bỉ và 1 người Ireland, chưa kể khoảng 300 khán giả khác bị thương?
Đừng nói chỉ 1 bàn thắng, ngay cả chiếc Cúp C1 trong hoàn cảnh ấy cũng đã trở nên vô nghĩa. (Hãy nhớ lại vụ bạo loạn ở Serie A gần đây: một cổ động viên thiệt mạng trên đường phố đã đủ để người ta hoãn nhiều trận đấu).
Có lần, Platini giải thích: “Lúc đó, tôi không hề biết là trên khán đài có người đã chết”. Nhưng theo cuốn tự truyện của cựu danh thủ Juventus Antonio Cabrini, Platini nói thế là sai sự thật.
Cabrini kể lại thảm cảnh Heysel trước giờ bóng lăn: “Khán giả chạy cả vào phòng cầu thủ. Họ khóc lóc, kêu gào thảm thiết... Có người bị thương. Quần áo họ dính đầy máu… Họ xin bất cứ vật gì hữu dụng để có thể giúp các nạn nhân bên ngoài… Họ thông báo là có nhiều cổ động viên đã chết, đa phần có lẽ là cổ động viên Ý”. Cuối cùng, Cabrini thú nhận: “Với tôi, đấy là chiếc Cúp đã bị vấy máu”.
Có thể chính Cabrini bối rối không biết nên xử sự thế nào giữa cơn sốc ấy - chuyện bình thường. Thực tế, Ban tổ chức cũng đã hội ý trước giờ bóng lăn xem có nên hủy bỏ trận đấu hay không. Cầu thủ đôi bên cũng đã tranh luận, mỗi người mỗi ý.
Giở lại tất cả những lời phát biểu sau thảm họa Heysel, báo chí Ý tìm được phát biểu của Platini trên truyền hình, đại khái là Juventus phải đá và phải thắng “vì các linh hồn đã mất”.
Vấn đề không phải là đúng hay sai khi người ta quyết định đá hay không đá giữa bầu không khí tang thương. Vấn đề là sự kiện Heysel cho thấy Platini đã có khiếu làm chính trị từ khi còn là cầu thủ đến lúc đã thành quan chức. Ông nói “phải thắng vì những người đã chết” khi câu ấy là cần thiết, rồi lại nói “không biết gì về những cái chết” khi câu này cần thiết hơn.
Sự kiện Heysel sau này lan rộng trong giới hâm mộ, trên mặt báo, trong phòng họp, và cả trên chính trường. Người ta kêu gọi Juventus trả lại chiếc Cúp hoặc tái đấu với Liverpool. Có người phân tích: Platini chẳng qua chỉ thừa cơ hưởng lợi.
Trước trận đấu, UEFA và các thành phần liên quan đều đã xác định được rằng Juventus, chứ không phải Liverpool, là nạn nhân của thảm họa. Phải chăng vì thế mà Juventus được đền bù, khi trọng tài người Thụy Sĩ cương quyết chỉ vào chấm 11m dù Boniek ngã khá xa ngoài vùng cấm địa? UEFA phủ nhận suy luận này bằng thái độ giận dữ. Nhưng có lẽ cũng từ đấy, Platini biết rõ sẽ phải làm gì để trở thành quan chức UEFA có hạng.
(còn tiếp)
Tri Kỷ
Kỳ 1: "Tôi không thích dự đám tang"