Khi Bayern đổi mới tư duy

Kỳ 2: Hoeness đem lại thành công cho bayern như thế nào ?

Tin bài liên quan:-

Khi Bayern thống trị Bundesliga với 7 lần vô địch trong khoảng thời gian 1980-1990, có một nét mới hết sức rõ ràng. Người ta không nhắc đến những ngôi sao sáng trong đội như: Beckenbauer, Gerd Muller, Sepp Maier của thập kỷ trước. Thay vào đó, báo chí và giới chuyên môn tỏ ra phục tài… Giám đốc Uli Hoeness. Ông góp công biến Bayern thành một đội bóng khổng lồ dù không có nhiều ngôi sao sáng giá, biến Bayern thành kẻ thống trị dù không có trong tay vũ khí hủy diệt.

Kỳ 2: Hoeness đem lại thành công cho bayern như thế nào ? ảnh 1

Uli Hoeness (giữa) và Chủ tịch Rummenigge (trái) của Bayern hiện nay.

Có một điều lạ: chỉ một thời gian ngắn sau khi bổ nhiệm Uli Hoeness vào ghế Giám đốc kinh doanh, Wilhelm Neudecker từ chức Chủ tịch Bayern Munich. Giới hâm mộ lo ngại cho một tương lai đen tối của Bayern sau thời kỳ rực rỡ giữa thập niên 1970 với 3 chiếc Cúp C1 liên tiếp.

Đội bóng nổi tiếng này sẽ bước vào thời kỳ suy thoái như một chu kỳ tự nhiên, giống Nuremberg hoặc Schalke trước đó? Ít ai nghĩ đến thành công khi một Hoeness “khó ưa” nắm giữ vị trí quan trọng, và người bổ nhiệm ông tự giác ra đi. Hai mùa trước đó, Bayern chỉ đứng thứ 12 và 7 ở Bundesliga. Còn khi Hoeness vừa đến, Bayern thua 0-4 ngay tại sân nhà trước một Bielefeld đang trên đường xuống hạng. Nhưng rồi, “bản lĩnh Đức” lại được Bayern thể hiện hoàn hảo. Họ thắng 7-1 trên sân kình địch Moenchengladbach, với Karl-Heinz Rummenigge lập hat-trick và chỉ thua 1 trong 10 trận cuối cùng ở mùa bóng 1978-1979. Đội vô địch Hamburg cũng bị Bayern đánh bại trong chuỗi trận ấy. Sự gượng dậy muộn mằn tuy không đủ đem về cho Bayern “chiếc đĩa lớn”, nhưng vẫn được xem là tín hiệu lạc quan. Và đúng là Bayern đã có một tương lai hết sức lạc quan trong thập niên 1980.

Khi Bayern thống trị Bundesliga với 7 lần vô địch trong khoảng thời gian 1980-1990, có một nét mới hết sức rõ ràng. Người ta không nhắc đến những ngôi sao sáng trong đội như: Beckenbauer, Gerd Muller, Sepp Maier của thập kỷ trước. Thay vào đó, báo chí và giới chuyên môn tỏ ra phục tài… Giám đốc Uli Hoeness.

Ông góp công quan trọng vào việc biến Bayern thành một đội bóng khổng lồ dù không có nhiều ngôi sao sáng giá, biến Bayern thành kẻ thống trị dù không có trong tay vũ khí hủy diệt. Khi Bayern lọt vào trận chung kết Cúp C1 năm 1982, đối thủ của họ là Aston Villa phải nháo nhào điều nghiên về các cá nhân bí ẩn trong hàng ngũ đối phương. Rummenigge và Paul Breitner coi như miễn bàn. Nhưng 9 cầu thủ Bayern còn lại là ai? Giới hâm mộ trẻ ngày nay có lẽ không biết gì về họ, bởi ngay thuở ấy, họ còn chẳng được biết đến. Đó là những Manfred Muller, Hans Weiner, Wolfgang Kraus, Gunter Guttler, Kurt Niedermayer… Nói chung, toàn những cầu thủ “làng nhàng” ngay trong phạm vi của bóng đá Đức.

Đấy chỉ là một dẫn chứng tiêu biểu, cho triết lý của Hoeness cũng như của cả Bayern nói chung, suốt từ đó cho đến trước mùa bóng này. Bayern không bao giờ chấp nhận giá chuyển nhượng “trên trời”, dù là đối với siêu sao. Thực tế, hầu hết các cột mốc đáng nhớ trên thị trường chuyển nhượng đều không thuộc về Bayern. Cologne là đội bóng Đức đầu tiên chi tiền chuyển nhượng hơn 1 triệu mark cho một cầu thủ (ngôi sao người Bỉ Roger Van Gool năm 1976.

Chủ tịch CLB Fortuna khi ấy châm biếm: “Nếu có 1 triệu, tôi mua được cả… tuyệt tác của Van Gogh, chứ Van Gool thì có là gì”). Hamburg là đội đầu tiên trả tiền chuyển nhượng hơn 2 triệu mark (Kevin Keegan năm 1977). Eintracht Frankfurt là đội đầu tiên chi hơn 3 triệu (Lajos Detari năm 1987). Dortmund là đội đầu tiên chi hơn 10 triệu (Heiko Herrlich năm 1995), Leverkusen là đội đầu tiên chi hơn 15 triệu (Lucio năm 2000)…

Thế còn Bayern? Một trong những “ngôi sao” đầu tiên mà Hoeness rước về có giá chuyển nhượng chỉ là 200.000 mark, và đó chính là… Dieter Hoeness, em ruột ông. Người ta nghi ngờ năng lực của Dieter Hoeness - chuyện khó tránh khỏi trong mọi trường hợp anh tuyển dụng em. Dieter làm sao xứng đáng chơi cặp với Rummenigge, càng không thể kế tục Gerd Muller huyền thoại. Nhưng trong 4 mùa đầu tiên, chân sút này ít nhất cũng đã thể hiện mình không phải là đồ bỏ, với 64 bàn ghi cho Bayern. Không ít bàn thắng của Dieter Hoeness đã đi vào huyền thoại, như thành tích ghi 5 bàn chỉ trong 20 phút ở trận gặp Braunschweig ở Cúp quốc gia năm 1984. Đặc biệt hơn, Dieter đã biến trận chung kết năm 1982 thành một trong những trận đáng nhớ hiếm hoi trong lịch sử Cúp quốc gia Đức. Bayern bị Nuremberg dẫn trước 2 bàn, coi như thua đến nơi khi Dieter Hoeness chấn thương. Dù máu chảy ròng ròng, ông vẫn quyết thi đấu đến cùng với chiếc băng quấn quanh đầu. Cuối cùng, Dieter Hoeness chuyền bóng cho đồng đội ghi 2 bàn trước khi tự mình ấn định chiến thắng 4-2 vào cuối trận, với cả 3 pha bóng đá nhớ đều là những cú… đội đầu!

Gần như trong suốt sự nghiệp làm Giám đốc, Uli Hoeness chỉ mua về cho Bayern những cầu thủ như vậy. Ông rất thích tiền, hiểu rõ giá trị đồng tiền, và biết làm ra tiền. Đấy không chỉ là tài năng, mà có lẽ còn là bản năng. Với Hoeness, giá trị đồng tiền nằm ở những chiến thắng và danh hiệu vô địch, chứ không phải là danh tiếng cầu thủ. Và theo triết lý của Hoeness, cầu thủ xuất sắc là cầu thủ giá rẻ nhưng góp công lấy được nhiều danh hiệu cụ thể.
(còn tiếp)


 TRI KỶ

Tin bài liên quan:
-
Kỳ 1: ULI Hoeness - cha đẻ của “truyền thống” tằn tiện

Tin cùng chuyên mục