Một ngày ở “đại bản doanh” của đoàn thể thao Việt Nam

Kỳ 2: Những món “đặc sản”... đối phó

Từ khi được nâng chế độ ăn từ 60 ngàn lên 100 ngàn đồng/ngày, phải ghi nhận các đầu bếp ở Nhổn đã có những cố gắng đưa các món ăn đặc sản như cua đinh (ba ba), cua biển vào bữa ăn của VĐV. Nghe đâu, sắp tới còn có cả thịt đà điểu, ngựa bạch, mà có khi còn cả thịt rùa nữa. Nhưng theo ghi nhận trực tiếp của chúng tôi và qua phản ảnh của VĐV thì...

MÓN ĐẶC SẢN CHỈ LÀ... CHO CÓ

Kỳ 2: Những món “đặc sản”... đối phó ảnh 1

Món “đặc sản” cua hấp được các tuyển thủ “xử lý” nhiệt tình. Ảnh: MINH GIANG

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà đúng hôm các phóng viên được vào thăm nhà ăn tại Trung tâm HLTTQG 1 thì các VĐV được thưởng thức món cua biển hấp. Phải công nhận nhìn những chú cua luộc đỏ au, thơm phức vào đúng lúc đói bụng cũng thấy thật hấp dẫn. Thế nhưng với sức vóc của các VĐV thể thao mà mỗi người chỉ được nửa con cua be bé thì chẳng thấm vào đâu. Tiếng là ăn đặc sản cua biển, nhưng bữa ăn hôm ấy với một thực đơn thập cẩm với “món nọ đá xọ món kia”, vì kèm theo đó là thịt vịt luộc, cá rán, sườn sào chua ngọt… khiến nhiều phóng viên nhìn vào bữa ăn của VĐV mà không nín được cười.

Một VĐV bày tỏ: “Giá như cho bọn em ăn cả con cua, rồi bớt món thịt vịt, món cá và cả món sườn rán mà chỉ cần thêm chút thịt rang mặn hoặc trứng rán để ăn cơm như thế có phải ngon hơn nhiều không ?”. Vừa nói, VĐV này vừa chỉ vào nhiều mâm của các tuyển thủ khác đã ăn xong thì quả thật còn thừa rất nhiều. Một HLV cho biết thêm: “Với thức ăn ê hề nhưng khá hổ lốn thế này, các VĐV nam ăn khỏe đa số cũng chỉ hết 2/3, trong khi các VĐV nữ chỉ ăn hết khoảng nửa suất, gây tình trạng thừa mứa rất lãng phí”.

Nhìn vào bản thực đơn được xây dựng khá công phu do nhà bếp ở Nhổn cung cấp, người viết thấy hơi là lạ, bởi những ngày nào mà báo chí hay khách được vào Nhổn “tham quan” thì ngày ấy các tuyển thủ được thưởng thức món đặc sản. Chẳng thế mà một HLV kỳ cựu nói nhỏ với người viết: “Nếu mỗi tuần các anh vào đây 4 lần thì có khi các cháu sẽ được ăn đặc sản 4 lần cũng nên ấy chứ ?!”.

Kỳ 2: Những món “đặc sản”... đối phó ảnh 2

Bữa ăn của đội cầu mây. Ảnh: P.H

Hỏi chuyện về bữa ăn “đặc sản” cua đinh của tuần trước, một VĐV đề nghị không nêu tên cho biết: “Tiếng là ăn ba ba chứ mỗi VĐV chỉ được vài miếng thì khó mà gọi là bổ dưỡng cho được”. Xem bản thực đơn hôm 5-10, mỗi VĐV được ăn 2 lạng cua đinh với giá 44.000đ (tức 220 nghìn đồng/kg), đúng là chỉ được vài miếng. Ở đây, chúng tôi không nói chuyện giá 220 nghìn/kg là đắt hay rẻ, vì cua đinh có nhiều giá khác nhau, nhưng với mức giá đắt đỏ so với số tiền được cấp, nếu không có sự tính toán cho phù hợp thì dù ăn loại đặc sản gì cũng chỉ là... cho có mà thôi.

Nên chăng, những bữa ăn đặc sản có thể tăng thêm lượng, nhưng giảm bớt ở những món khác để bù vào. Ở các bữa ăn thông thường, việc tập trung nấu ít món, nhưng ngon và nóng sốt cũng sẽ giúp VĐV ăn ngon miệng hơn.

Tại Côn Minh, nơi nhiều VĐV Việt Nam đến tập huấn thì bữa ăn mỗi ngày cũng chỉ 100 nghìn, nhưng VĐV đã được ăn tự chọn, như thế thường ăn được nhiều và ngon miệng hơn.

GIẢI TRÍ: NGỦ

Nói về đời sống văn hóa của VĐV ở Nhổn thì quả thật còn rất nhiều thiếu thốn. Vì thế hình thức giải trí của các VĐV chỉ là ăn rồi ngủ, hoặc tán phét ở căn tin. Tại khu A Trung tâm 1, nơi có khoảng 400 VĐV nhưng chỉ có 3 chiếc bàn billiards và 2 bàn banh bàn (bi lắc). Phòng máy tính cũng chỉ có vài chiếc, thư viện thì số đầu báo hằng ngày cũng chỉ đáp ứng được cho hơn chục VĐV. Tuy nhiên tất cả những “tụ điểm” để gọi là giải trí như trên tại Nhổn luôn trong tình trạng quá tải, nên VĐV đâm chán và cuối cùng họ chỉ còn mỗi chiếc tivi trong phòng là cầu nối với thế giới bên ngoài.

Ông Phạm Ngọc Viễn - Giám đốc Trung tâm HLTTQG 1 cho biết, Trung tâm đã hoàn thành đề án lắp đặt máy tính nối mạng internet phục vụ tất cả các phòng VĐV theo hình thức trả tiền theo giờ. Nếu điều này sớm thành hiện thực, có lẽ sẽ góp phần cải thiện thêm đời sống văn hóa của tuyển thủ nơi “đại bản doanh” của đoàn thể thao Việt Nam này.

PHƯƠNG HOA

Kỳ 1: Dốc sức vì ngày mai

Tin cùng chuyên mục