Độc đáo những... phố người(!)

Kỳ 2: Phố thầy cô - Viết tiếp những nốt nhạc ngân vang

Xóm người đẹp
Kỳ 2: Phố thầy cô - Viết tiếp những nốt nhạc ngân vang

LTS: Sài Gòn không chỉ được biết đến như một nơi giao thoa rộng mở về kinh tế mà còn là chốn hội tụ nhiều bản sắc địa phương. Sự phong phú về bản sắc đó được thể hiện rõ nét thông qua những phố nghề mà Tuần san SGGP Thứ Bảy đã có dịp phản ánh thông qua loạt bài “Sài Gòn –những nẻo nghề lạ”. Tuy nhiên Sài Gòn không chỉ có những phố nghề lạ mà còn có những... phố người khá độc đáo như phố Việt kiều Campuchia, phố hoa hậu, phố sinh đôi, phố giáo viên... Tất nhiên, sự thú vị không chỉ ở tên gọi, để khám phá sự thú vị đó, xin mời bạn đọc theo dõi loạt phóng sự nhiều kỳ: “Độc đáo những... phố người”…

Nằm giữa lòng phố thị tấp nập có một dãy phố thầy cô yên tĩnh với những câu chuyện xoay quanh cuộc đời bình dị của những người thầy tuổi đã ngoài 70. Chân thành và nhiệt tình, các thầy cô luôn vui vẻ trò chuyện ngay với cả những người khách lần đầu ghé thăm.

Những nụ cười không tuổi

Kỳ 2: Phố thầy cô - Viết tiếp những nốt nhạc ngân vang ảnh 1
Một góc phố thầy cô, đường Bà Hom, P13, Q6, TPHCM. Ảnh: NGỌC TRÂM

“Cháu tìm đúng nơi rồi! Đây là phố thầy cô. Vùng Phú Lâm này ai cũng biết”, tiếng người xe ôm khiến tôi an tâm khi đã đến được nơi cần đến. Dạo một vòng quanh dãy phố, tôi ghé nhà số 8/6, đường Bà Hom (P13, Q.6) gặp cô Mã Thị Quỳnh Anh, 74 tuổi. Cô vừa vượt qua một cơn bệnh nặng, sức khỏe yếu đi nhiều, phải ngồi xe lăn nhưng khi tôi đến, cô rất vui vẻ trò chuyện dù đó là lần đầu tiên cô gặp tôi. Nhà cô khá cũ nhưng cách bố trí ngăn nắp. Trên bức tường là tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng.

Ba mẹ cô đều làm nghề dạy học. Ba cô - ông giáo Mã Hoài Sơn - một người thầy tận tâm, hết lòng với học trò, từng xây dựng một căn nhà ở Cần Thơ cho những học trò nghèo hiếu học trọ học miễn phí. Từ năm mười mấy tuổi, cô bé Quỳnh Anh đã được ba gởi lên học ở Trường Gia Long (Sài Gòn). Cô học trò thông minh và xinh đẹp này sớm bén duyên với các phong trào yêu nước của trí thức trẻ Sài Gòn ngày ấy. Rời mái trường Gia Long, cô vào học sư phạm để tiếp tục nghề nghiệp của ba mẹ. Năm 1951, cô về dạy ở Trường tiểu học Trương Minh Ký (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, Q1), rồi dạy ở Trường Tiểu học Phú Lâm, Trường Đoàn Kết (Q.6)… Năm 1955 cô kết hôn và cũng năm đó, cô là một trong số những giáo viên đầu tiên được về sống ở dãy phố này. Các anh chị em của cô cũng có nhiều người gắn bó cả đời mình với viên phấn trắng. Người con gái thứ tư của cô hiện nay cũng là một giáo viên dạy Anh văn.

Rời nhà cô Quỳnh Anh, tôi qua nhà số 8/4 gặp cô Đặng Kim Lang. Đó là ngôi nhà duy nhất ở dãy phố này vẫn còn giữ được kiến trúc từ năm 1958. Nghỉ hưu từ năm 1992, cô Kim Lang và chồng từng dạy ở trường tiểu học Phú Lâm (Q6). Chị em ruột của cô cũng có đến 2 người theo nghề giáo viên.

Lịch sử một khu phố

Đi thẳng đường Hồng Bàng đến bùng binh Phú Lâm, bạn sẽ đến siêu thị Co.opMart Phú Lâm (Q.6). Vòng qua phía sau siêu thị, một dãy phố thật im ắng hiện ra. Đó là dãy phố thầy cô với 15 căn nhà có số thứ tự từ 8/1- 8/15. Con phố này cắt ngang đường Bà Hom và đường Tân Hòa Đông (Q.6). Dãy nhà này đã có từ trước năm 1955 do Tòa đô chính Sài Gòn quản lý, dành cho giáo viên ở miễn phí. Sau năm 1975, dãy nhà được nhà nước thu hồi và bán lại cho người dân với giá rẻ. Theo lời kể của cô Quỳnh Anh, ngày xưa, phía trước dãy nhà là một con đường đất nhỏ nằm kề chợ Phú Lâm cũ. Cô cũng cho biết, những ngôi nhà này ngày xưa được xây cho giáo viên ở nên căn nào cũng có diện tích như nhau, khá rộng rãi. Sau hơn 50 năm, nhiều thầy cô đã qua đời, vài ngôi nhà đã đổi chủ mới nhưng hiện vẫn còn khoảng 7 nhà là nhà của các thầy cô đã ở đây từ những năm đầu dãy phố mới thành lập cho đến nay như cô Quỳnh Anh, cô Kim Lang, cô Ngọc Sơn, cô Lan, cô Cúc…  Nhiều người con, người cháu của các thầy cô nay cũng là những giáo viên.

Những người thầy tâm huyết

Mái tóc dài trắng xóa một màu nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh của cô Kim Lang khiến tôi rất ngạc nhiên khi biết cô vừa mừng thọ 70 tuổi. Hỏi cô bí quyết để giữ được sức khỏe tốt, cô bảo đó chính là sự lạc quan. “Trong đời người ai cũng vài lần gặp trắc trở nhưng điều quan trọng nhất là giữ được sự thanh thản, lạc quan cho tâm hồn. Hãy làm hết sức mình, dù kết quả ra sao cũng không nên đặt nặng hay lo âu”, cô nói. Có lẽ từ suy nghĩ này mà trong cuộc đời dạy học của mình, cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc định hướng giáo dục nhân cách sống cho học sinh, không đặt nặng vấn đề thành tích. Cô tâm sự, điều làm cô hạnh phúc nhất là khi đã uốn nắn thành công những học trò ham chơi, lười học trở thành những học sinh chăm ngoan.

Cô Quỳnh Anh thì không ngớt lời kể về kỷ niệm của những năm đầu đi dạy. Nghỉ hưu hơn 20 năm nhưng mỗi dịp lễ, Tết, cô đều nhận được những lời chúc mừng từ những học trò cũ. Nhiều người đang sống ở các tỉnh hay ở nước ngoài nhưng có dịp ghé TPHCM, họ đều đến thăm cô. Những học trò nhỏ của cô ngày xưa giờ tóc cũng đã điểm sương. Trong đó, có những người giờ đã trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thanh Tòng, NSƯT Bảo Quốc… Những câu chuyện của 40-50 năm trước qua lời kể của cô, tôi cứ ngỡ là những câu chuyện của ngày hôm qua.

Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng các thầy cô vẫn không quên nhiệm vụ của mình, vẫn đang ngày ngày tiếp tục có những đóng góp mới cho sự nghiệp giáo dục. Cô Quỳnh Anh, cô Kim Lang… đều là những thành viên nhiều tâm huyết của Hội Khuyến học phường 13, quận 6.

Tạm biệt phố thầy cô giữa tiếng dương cầm du dương của thầy Tấn Thức (chồng cô Quỳnh Anh), ngoảnh lại phía sau thấy dáng thầy và cô bên chiếc đàn cũ kỹ, những câu chuyện xoay quanh cuộc đời dạy học của thầy cô ở khu phố này như ngân vang mãi. Và trong đó, mỗi thầy cô là những nốt nhạc đã và đang viết nên cho đời bao bản nhạc đẹp của cuộc đời.

NGỌC TRÂM 

Xóm người đẹp

Không hiểu vì lý do gì, thổ nhưỡng hay là trời cho mà hẻm 351 đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, lại sản sinh ra lắm người đẹp đến vậy? Có những người đẹp đã đăng quang hoa hậu vang bóng một thời, có những cô hiện là diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Hẻm này, trước và sau giải phóng một thời gian, mọi người vẫn quen gọi là hẻm Photo Lưu Luyến vì trước hẻm có một hiệu ảnh tên là Lưu Luyến, chụp hình rất đẹp có trưng hình các cô diễn viên điện ảnh trong khung kính. Hiệu ảnh này lại nằm cách rạp chiếu bóng Minh Châu không xa, chỉ vài chục mét nên người qua lại rất đông, và cái con hẻm này đã “chết tên” với mọi người không biết tự khi nào. Hiện nay con hẻm này một đầu là đường Lê Văn Sỹ, đầu kia thông ra đường bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Trước đây, đường bờ kè này là ao rau muống mênh mông, nhà cửa lụp xụp với hình ảnh “cầu ván đóng đinh” bên kênh nước đen một thời gắn bó với người dân Sài Gòn. Khu ao rau muống nổi tiếng với cái tên dân gian là vùng Phù sa đen. Nói chung đây là con hẻm “nổi tiếng” về nhiều mặt.

Người đầu tiên mang danh tiếng về cho hẻm này là hoa hậu Lý Thu Thảo. Căn nhà cô ở trong hẻm này không mang địa chỉ 351 mà lại là 339/36 Lê Văn Sỹ vì đây còn có một con hẻm nhỏ thông ra hẻm 351. Căn biệt thự xinh xắn mang địa chỉ trên là nơi hoa hậu Lý Thu Thảo sinh ra và lớn lên. Sau khi Lý Thu Thảo trở thành hoa hậu, hẻm 351 bỗng nhiên nhộn nhịp hẳn với rất nhiều giới. Người hâm mộ cũng có, kẻ si tình cũng không ít, cánh nhà báo, phóng viên ảnh cũng luôn chực chờ. Làm người mẫu, diễn viên điện ảnh rồi nhảy qua lĩnh vực thời trang, sau cùng Lý Thu Thảo theo chồng định cư tại Mỹ. Cách đây một vài tuần, cô hoa hậu này vừa về VN thăm nhà nhưng rất kín tiếng và rất khó tiếp cận. Người nhà của cô cho biết, chủ nhân căn nhà hiện nay là người chị của Lý Thu Thảo và “cô chẳng muốn tiếp bất cứ ai”.

Sau Lý Thu Thảo, hẻm 351 này lại vang danh khắp cả nước với hoa hậu Kiều Khanh. Cô sinh ra và lớn lên tại căn nhà số 351/28B, một ngôi nhà phố bình thường. Những tưởng vinh quang (và cả tiền bạc) sẽ khiến cô đổi đời, xây nhà to đùng nhưng ngôi nhà từ mấy chục năm nay vẫn khiêm tốn như vốn nó. Ngôi nhà này hiện nay đã sang tên chủ khác từ năm 1993, khi cô cùng gia đình sang định cư tại Mỹ. Chị Lê, chủ sạp báo đối diện với nhà cựu hoa hậu Kiều Khanh, tuổi đã ngoài 40 nhưng vẫn… rất đẹp, cho biết: “Tôi sống ở hẻm này từ trước giải phóng, lớn lên cũng đã tự biết cái hẻm mình ở rất nhiều thiếu nữ đẹp, con trai khắp nơi suốt ngày lượn lờ. Tôi không biết lý giải làm sao nhưng có lẽ từ bé, chúng tôi ở đây đã ăn… rau muống nhiều nên đẹp (?)”. Chị đùa tếu rằng, không hiểu tại sao mình càng già càng… đẹp.

Cách nhà của hoa hậu Kiều Khanh vài căn là địa chỉ 351/26, nhà của diễn viên điện ảnh Mộng Vân nổi tiếng một thời.

Không chỉ nổi tiếng với các vai diễn, cô còn nổi tiếng hơn với buổi sinh nhật được dư luận cách đây khoảng chục năm đánh giá là “thác loạn” của chàng Việt kiều Piere Tân cùng nhiều ca sĩ và người mẫu khác. Con hẻm 351 từ đó càng nổi tiếng thêm với dòng người hiếu kỳ đổ về để nhìn tận mắt cô diễn viên điện ảnh này. Hiện nay, cô gần như không còn hoạt động nghệ thuật nữa mà chuyển sang kinh doanh với nhóm lồng tiếng phim, cũng mang tên mình. Sạp báo của chị Lê cũng là nơi lui tới thường xuyên của diễn viên điện ảnh La Kim Phụng dù cô hiện đang ở hẻm 339, cách nhà của hoa hậu Lý Thu Thảo không xa. Chị Lê cho biết, Kim Phụng hay đến đây để mua các loại báo về điện ảnh, thời trang có đăng hình của Kim Phụng. Nay con hẻm này là một khu dân cư yên ả, ít bụi bặm, không buôn bán ồn ào. Đa số cư dân đều là công chức và cũng theo chị Lê, dù là người mới đến vài ba năm hay là dân định cư ba bốn chục năm, con gái ở hẻm này vẫn tiếp tục… đẹp.

QUỐC ĐỊNH 

Phố Miên giữa... Sài Gòn

Tin cùng chuyên mục