US Open 2007 đã kết thúc. Nhưng những dư âm của Grand Slam sôi động cuối năm này vẫn còn vương vấn mãi đâu đây. Lần đầu tiên kể từ năm 1996, hai tay vợt số 1 thế giới nam và nữ cùng một lúc đăng quang. Lần đầu tiên trong lịch sử, có quá nhiều điệu vũ về thời trang (theo đúng nghĩa đen) được mang ra trình diễn. Rất nhiều khán giả - bao gồm cả những người bình thường lẫn nổi tiếng - đã nô nức tề tựu về Flushing Meadows để thưởng thức những khoảnh khắc của sự sôi động và vinh quang…
Mệt mỏi những trận đấu đêm

Vẻ mặt đầy mệt mỏi của Rafael Nadal trong trận đấu “khuya lơ khuya lắc”mà anh thua Ferrer.
Chẳng phải tự nhiên mà Ban tổ chức US Open và Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) dự định sẽ áp dụng biện pháp mở giải từ ngày Chủ nhật (thay vì vào ngày thứ Hai như mọi khi) trong giải đấu năm sau. Có quá nhiều trận đấu khuya lơ, khuya lắc (vì thời lượng các trận đấu kịch tính tăng đột biến) trong giải năm nay khiến cả khán giả lẫn các tay vợt tỏ ra rất mệt mỏi.
Hôm thứ Ba tuần rồi, khán giả hiện diện trên sân Arthur Ashe đã phải chứng kiến các tay vợt lăn lộn gần 15 giờ đồng hồ đầy mệt mỏi. Lịch đấu ngày hôm đó bắt đầu bằng một trận đánh đôi lúc 11 giờ trưa và đã “được” kết thúc lúc... 1 giờ 15 sáng ngày thứ Tư (giờ địa phương) sau trận David Ferrer đánh bại Rafael Nadal. Các khán giả muốn xem những trận đấu đầu tiên vào buổi tối (bắt đầu lúc 19 giờ 30) vốn rất hấp dẫn - như kiểu trận tứ kết giữa Justine Henin với Serena Williams - đã phải ngồi chầu chực ngay trước cửa sân trước hàng chục phút đồng hồ.
James Blake cũng từng là một “nạn nhân” của trận đấu nửa khuya. Anh đã phải chờ Shahar Peer và Nicole Vaidisova “cù cưa” trong suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ mới có thể được ra sân đánh với Fabrice Santoro (trong ngày thứ năm của tuần đầu tiên) và anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi đồng hồ chỉ sang con số 1 của ngày mới. Jankovic cũng từng phải trải qua những giờ phút cật lực khi đánh thắng Sybille Bammer trong trận đấu được xác định theo lịch là không diễn ra trước 3 giờ chiều nhưng lại kết thúc vào mãi tận 11 giờ 1 phút tối. Jankovic phải chờ mệt mỏi vì trước cô, có đến 2 trận đấu marathon dài kéo dài suốt 5 ván đấu.
Henin thống trị ở giải nữ

Henin và chiếc cúp vô địch chứng tỏ sự thống trị ở giải nữ.
Có thể những lời biện minh rằng “hai chị em nhà Williams đang không có được thể lực tốt nhất” là hoàn toàn chính xác. Tuy vậy, không ai dám phủ nhận chặng hành trình đầy kiên cường của Henin cho đến tận trận chung kết cuối cùng. Nên nhớ, cô vừa trải qua một cú sốc tâm lý do việc ly dị nhưng vẫn tỏ ra rất vững vàng nhờ sự hòa giải với gia đình, người thân. Kể từ đó, Henin bé nhỏ đã tạo ra một khả năng hủy diệt tối hậu và cô chỉ một lần không thành công - tại mặt sân cỏ Wimbledon vốn không phải sở trường.
Thống trị nhánh đấu khó khăn nhất (gồm Serena Williams, Venus Williams, Ana Ivanovic, Jelena Jankovic), Henin vẫn dễ dàng vượt qua từng đối thủ với những trận đấu chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 ván đấu. Các quả trái tay của cô vẫn tỏ ra rất sừng sỏ trên sân đấu. Sự đeo bám bền bỉ đến khó tin của tay vợt có vóc dáng không quá to cao này lại là một ngạc nhiên khác đáng để chú ý.
Trong khi các tay vợt khác thi đấu rất thất thường (cụ thể như Maria Sharapova chẳng hạn), Henin đang ở phong độ cao và cô xứng đáng với cái tên gọi “bà Hoàng” của thế giới WTA. Sau trận chung kết, Henin đã từng nói thế này: “Tôi thật sự tự hào, không phải là vì mình cao, mà là vì mình có thể thi đấu như một tay vợt mạnh nhất trên thế giới. Không có mấy người thật sự tin rằng tôi có thể làm được chuyện này”.
Giờ đây, ai dám tuyên bố Henin… nói sai? Nhất là sau khi cô đã thống trị hầu hết các Grand Slam kể từ khi quay trở lại thi đấu hồi tháng 2 (giành 2 ngôi vô địch, lọt vào vòng bán kết một giải đấu). Ở độ tuổi 25, Henin đang có 7 Grand Slam cho mình và một phong độ không có giới hạn. Ngôi vô địch tại US Open hẳn còn giúp cô giành được nhiều thứ hơn.
Federer thống trị ở giải nam

Sau ngôi vô địch tại Australia Open, Roger Federer có dấu hiệu mệt mỏi và quá tải. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã để thua đến 5 trận (một con số mà ở các năm trước, nó có giá trị bằng cả nguyên một mùa). Anh đã đăng quang ngôi vô địch Wimbledon khá nhọc nhằn trong một trận đấu có những giây phút tưởng chừng như anh đã sụp đổ trước kình địch Rafael Nadal.
Trước khi US Open khai cuộc, Federer không vội vàng khi chỉ chọn những giải đấu cần thiết. Anh thành á quân ở một giải và đăng quang ở một giải. Nghĩa là địa vị “bất khả xâm phạm” của Federer xét trên một mức độ nào đó vẫn đang bị lung lay. Nhưng từng bước, từng bước một, tay vợt người Thụy Sĩ đã “nắn lại” sự kiên định của mình. Anh tiến bước từ từ, nghiền bẹp những vật cản cứng chắc nhất (dù có trận phải trải qua đến 4 ván đấu). Cùng với việc Nadal tiếp tục kém duyên tại mặt sân cứng ở Flushing Meadows, Federer cuối cùng chỉ còn cách đích đúng một trận thắng trước một đối thủ mà anh không quá ngán ngại như Nadal, dù rằng anh cũng đã từng thua khi giáp mặt đối thủ này: Novak Djokovic. Bản lĩnh và kinh nghiệm của Federer đã khuất phục tuổi trẻ bồng bột Djokovic trong trận đấu dài 3 ván.
Với “một tá” Grand Slam bên mình, Federer chắc chắn sẽ quay trở lại mảnh đất thân thuộc tại Flushing Meadows - nơi anh đã 4 lần đăng quang - vào năm sau với cái tham vọng biến đây trở thành “kiểu” sân nhà như tại Wimbledon huyễn hoặc và kinh điển. US Open là một minh chứng chứng minh cho cái mệnh đề “Triều đại của Vua vẫn sẽ còn tồn tại”!
ĐỖ HOÀNG