Nhìn những hợp đồng chuyển nhượng tiền tỷ hiện nay của các đàn em, đàn cháu, nhiều cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" như: Hồng Sơn, Đức Thắng, Công Minh, Huỳnh Đức... và cả những danh thủ trước đó, đều tiếc cho cái quãng thời gian mà họ còn thi đấu, bởi khi ấy, bóng đá Việt Nam chưa vận hành vào quỹ đạo chuyên nghiệp, nếu không thì…
TỪ CÚ ĐỘT PHÁ CỦA HOÀNG ANH GIA LAI
Xuất hiện trên bản đồ V-League từ mùa bóng 2003, HA.GL đã thực hiện ngay kế hoạch trải thảm đón nhân tài, và đội bóng này nhanh chóng trở thành một "dream team" bởi một dàn cầu thủ hùng hậu đã làm cho những đối thủ chính không kịp trở tay. Nhưng "bầu" Đức cũng có một phi vụ không được thuận buồm là trường hợp của Quang Trải được rút từ Đồng Tháp. Chính sự dùng dằng ấy đã hé lộ cái giá chuyển nhượng của cầu thủ này lên đến 250 triệu đồng, một con số thuộc loại tốp ở thời điểm ấy, và cũng khởi động cho thị trường cầu thủ trong nước sôi động hẳn lên.

Cũng trong thời điểm ấy, ĐT.LA đã đưa được Minh Phương từ CSG về Long An với giá chuyển nhượng gấp đôi con số của Quang Trãi là 399 triệu đồng. Việc rút Minh Phương về Long An bị "phá giá" giờ chót bởi NHĐÁ chen ngang đã buộc ĐT.LA phải bỏ ra giá cao hơn dự kiến ban đầu. Đó là phi vụ chuyển nhượng đầu tiên của "Gạch", nhưng vì không có sự kín đáo và nhanh tay như lãnh đạo HA.GL nên chi phí đã cao hơn ngoài dự kiến.
Việc chi mạnh tay của 2 "đại gia" HA.GL và ĐT.LA đã làm cho bóng đá Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cụ thể là chi phí để tham dự V-League được nâng lên theo từng mùa, đặc biệt là lương và tiền chuyển nhượng cầu thủ. Một năm sau, khi Becamex Bình Dương xuất hiện tại V-League và ngay mùa đầu, họ đã có bộ ba tiền vệ ĐTQG lúc ấy là Trường Giang - Xuân Thành - Hữu Thắng. Trong đó chỉ riêng Trường Giang, con số chuyển nhượng từ Tiền Giang về đã tròm trèm 1 tỷ đồng - lập kỷ lục mới về tiền chuyển nhượng.
"ĐƯỜNG ĐI" CỦA NHỮNG BẢN HỢP ĐỒNG
Theo quy chế chuyên nghiệp, muốn "gắp" cầu thủ về với mình, CLB có nhu cầu phải liên hệ với CLB đang sở hữu cầu thủ ấy, nếu anh ta còn hạn hợp đồng. Tuy nhiên, trình tự ấy khá lòng vòng và dễ "bể độ" nửa chừng. Bởi thế mà hầu hết các vụ chuyển nhượng hiện nay khi đến tai CLB chủ quản thì mọi chuyện giữa cầu thủ và "kẻ thứ ba" đều đã đâu vào đấy. Sau khi tiếp xúc với cầu thủ, đạt được thỏa thuận xong thì họ mới tiếp xúc với CLB chủ quản (nếu còn hợp đồng), khi ấy chỉ hoàn tất phần còn lại là phí chuyển nhượng theo thỏa thuận đôi bên.
Tuy nhiên, đi theo hướng này, chi phí mà nơi cần "hàng" phải bỏ ra khá cao cho tiền chuyển nhượng, nên những cầu thủ hết hạn hợp đồng hoặc "kiếm chuyện" để được cắt hợp đồng trước thời hạn luôn là ưu tiên hàng đầu. Khi ấy, số tiền chuyển nhượng giữa hai CLB bằng 0 và dĩ nhiên và tiền "lót tay" dành cho cầu thủ sẽ nhiều hơn. Những việc chuyển nhượng "ngoài luồng" như vậy khá phổ biến ở thời điểm hiện nay, vì đôi bên đều có lợi, mà những phi vụ chuyển nhượng tiền tỷ giữa Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn... vừa qua là một điển hình.
LÀM KINH TẾ TỪ NHỮNG "LÒ" ĐÀO TẠO
SLNA, Nam Định được xem là những "lò" cung cấp cầu thủ sang các đội bóng khác nhiều nhất trong thời gian qua, nhất là ở SLNA. Từ các đội bóng phía Bắc, đến Huế, Đà Nẵng, HA.GL, Khánh Hòa, Bình Định, TPHCM, Bình Dương… đều có dấu chân của cầu thủ xứ Nghệ. Không chỉ thành công ở việc xuất cầu thủ, Nghệ An còn cung cấp cả HLV cho nhiều đội bóng trong nước. Có những hợp đồng theo dạng chuyển nhượng hẳn, nhưng cũng có những hợp đồng mà SLNA chỉ cho mượn theo mùa để các cầu thủ trẻ trui rèn kinh nghiệm, vì ở đội nhà, họ không có cơ hội để cạnh tranh.
Từ mô hình của SLNA, nhiều đội khác cũng đã làm theo nhưng không nhân rộng như họ. Trường hợp của Bình Dương là minh chứng. Ở đội lớn khi đã thu hút cầu thủ giỏi từ nhiều nơi về, các cầu thủ trẻ khó có điều kiện cạnh tranh đã được cho các đội hạng Nhất mượn, và dĩ nhiên, họ thu được nhiều hơn từ tiền chuyển nhượng mỗi mùa bóng lẫn việc cầu thủ trẻ ấy có cơ hội duy trì và trưởng thành hơn. Anh Đức là trường hợp điển hình, khi đã thi đấu cho 3 đội bóng ở TPHCM 3 mùa liền nên lúc về lại Bình Dương, Anh Đức trưởng thành hơn rất nhiều.
Không chỉ phân phối cho thị trường TPHCM, Bình Dương còn được nhiều đội khác như: Tiền Giang, Đồng Nai mượn cầu thủ, và sau này đã chuyển nhượng hẳn cho Đồng Nai 3 cầu thủ Trí Trọng, Đinh Cường và Nguyên Quân ở mùa rồi.
GIÁ ẢO VÌ CẦU VƯỢT CUNG
Đã qua rồi giai đoạn "ép giá" từ những CLB chủ quản, kết thúc mùa bóng 2007 cũng là thời điểm nhiều đội đau đầu trong việc giữ quân, nhất là những cầu thủ trụ cột. SLNA đã lo ngay ngáy khi một loại cầu thủ ở đội hình chính hết hạn hợp đồng. Để giữa chân được Huy Hoàng, nghe đâu đội bóng xứ Nghệ đã chi ra 1,2 tỷ đồng để có được chữ ký của anh trước sự "rù quến" của các CLB khác. Ở phía Nam, ĐT.LA vừa chi số tiền tròm trèm 1 tỷ đồng để giữ chân Minh Phương khi cầu thủ này hết hạn hợp đồng. Bình Định đang chờ giờ "G", họp đội bóng vào đầu mùa để xác định ai đi, ai ở. TMN.CSG cũng đang gặp những khó khăn từ những bản hợp đồng sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Nhu cầu cần cầu thủ luôn có mỗi đầu mùa bóng, nhưng hiện nay đang có nhiều yếu tố khiến cho thị trường này trở nên khan hiếm. Đầu tiên là việc HA.GL và ĐT.LA đang chỉnh đốn lại lực lượng để đẩy chỉ tiêu vô địch mùa sau. Tiếp đến là ở hạng Nhất, hai đội Ninh Bình và T&T đã khuấy động thị trường cầu thủ phía Bắc bằng những kế hoạch gom quân thật rầm rộ. Đội bóng Xi măng Hải Phòng cũng vừa nhập cuộc thị trường này để tuyển quân. Có cầu thì phải có cung, nhưng trên mặt bằng chung hiện nay, việc "bói" cầu thủ trong nước có chất lượng không phải là điều dễ dàng, cũng như các đội bóng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc giữ cầu thủ bằng những bản hợp đồng khó mà dứt ra được.
Khi cầu vượt cung và thị trường lại quá ít hàng chất lượng, vì thế đã tạo nên những cuộc phá giá lên cỡ bạc tỷ. Có kinh nghiệm với chuyện này nên những "lão làng" như Bình Dương, HA.GL và ĐT.LA lại khá kín tiếng để nhường "sân chơi" lại cho những "tân đại gia" vừa xuất hiện ở phía Bắc. Sự im lặng của bộ ba "trưởng lão" này không có nghĩa là họ đang đứng ngoài cuộc, họ vẫn đang ráo riết tìm quân, nhưng vừa kín đáo, vừa mạnh tay hơn. Thông thường, khi đã đạt hợp đồng rồi thì phi vụ ấy mới đến tai giới truyền thông. Đó cũng là kinh nghiệm để tránh những việc bị phá giá vô tội vạ.
Trong giai đoạn "nước chảy về chỗ trũng" như hiện nay, chỉ tội cho những đội đang còn quanh quẩn trong cơ chế bao cấp, đã phải gồng mình để giữ quân bằng mọi giá mỗi đầu mùa bóng. Quả bóng chuyên nghiệp quả là đang đem lại nhiều nỗi lo cho họ, nhưng không thể làm khác được…
QUỐC CƯỜNG
NHỮNG CON SỐ ĐÁNG CHÚ Ý 0 - Lê Huỳnh Đức đã tự do rời NHĐÁ vào năm 2004 và ngay sau đó, Đà Nẵng đã vượt qua được những đối thủ Bình Định, ĐT.LA và Bình Dương để nhận chân sút này về mà không phải tốn phí chuyển nhượng cho NHĐÁ. Huỳnh Đức sau đó trở thành trụ cột của đội bóng sông Hàn, và hiện đang làm HLV phó của đội bóng này.
250 triệu đồng - là số tiền mà HA.GL bỏ ra để có được chữ ký của trung vệ Quang Trãi trong năm 2004. Để có chữ ký của cầu thủ này, "bầu" Đức có lúc cương với VFF trước sự nhùng nhằng của VFF, thậm chí còn hăm he giải tán đội bóng.
399 triệu đồng - ĐT.LA đã chi số tiền trên cho NHĐÁ và CSG để có được Nguyễn Minh Phương vào năm 2004.
1 tỷ đồng - Là số tiền mà Bình Dương chi ra (gồm tiền mặt và quảng cáo) để có được Trường Giang từ đội Tiền Giang vào năm 2004.
1 tỷ đồng - Tiền vệ Nguyễn Trung Kiên từ Nam Định vào TMN.CSG ở mùa bóng 2006. Dù được xem là cầu thủ tiền tỷ, nhưng kể từ ngày rời Nam Định, Trung Kiên tỏ ra khá lận đận, thậm chí, có mùa anh không chơi cho đội nào.
1,2 tỷ đồng - Là số tiền mà đội bóng xứ Nghệ nghe đâu vừa chi ra để giữ chân cầu thủ Huy Hoàng.
1,5 tỷ đồng - Đội bóng hạng Nhất T&T Hà Nội vừa phải bỏ ra số tiền này để lấy được chữ ký của thủ môn Dương Hồng Sơn trong bản hợp đồng kéo dài 3 năm.
N.HG
Thông tin liên quan |
- Kỳ 1: Các ngoại binh đến Việt Nam bằng cách nào ? |