Kỳ I: Đông Thượng Hải ngày ấy...

Kỳ I: Đông Thượng Hải ngày ấy...

LTS: Nếu như TPHCM của chúng ta có một “Phố Đông” tiềm năng nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn, đó là Thủ Thiêm, thì Thượng Hải có phố Đông Tân Khu sầm uất và phát triển nằm ở bờ Đông sông Hoàng Phố. Từ một vùng sình lầy hoang sơ 17 năm trước, vùng đất phía Đông sông Hoàng Phố đã chuyển mình mạnh mẽ thành “đầu rồng” vực dậy cả vùng châu thổ Trường Giang rộng lớn của Trung Quốc nhờ chính sách hỗ trợ tối đa và sự đầu tư quyết liệt của TQ. Vì vậy, cùng với phóng sự nhiều kỳ về Thủ Thiêm, Tuần san SGGP Thứ Bảy khởi đăng loạt hồ sơ tư liệu về quá trình phát triển phố Đông Tân Khu, Thượng Hải, hầu giúp bạn đọc có thêm cái nhìn so sánh đối chứng.

Nhắc đến Phố Đông-Thượng Hải, Trung Quốc (TQ), ngày nay, người ta hình dung ra ngay những khu nhà chọc trời và cuộc sống đô thị sôi động - biểu tượng cho sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế TQ. Sẽ càng trân trọng những thành quả hôm nay nếu biết rằng, nơi đây từng là một vùng đầm lầy và là hang ổ của bọn tội phạm...

Hoang sơ bờ Đông sông Hoàng Phố

Kỳ I: Đông Thượng Hải ngày ấy... ảnh 1

Chân dung vị “Tổng công trình sư của TQ” - Đặng Tiểu Bình.

Thượng Hải hồi thế kỷ 19 còn là hang ổ của tội phạm Tam hoàng. Cuối thế kỷ 19, khi chiếm đóng Trung Quốc, Nhật đã xây dựng những nhà máy đầu tiên của họ tại Thượng Hải và tiếp theo là một số nhà đầu tư phương Tây. Thời Thế chiến thứ hai, Thượng Hải trở thành trung tâm của dân tỵ nạn chiến tranh từ châu Âu và là thành phố duy nhất trên thế giới vào thời điểm đó mở cửa vô điều kiện cho người Do Thái. Những nền móng đầu tiên cho Thượng Hải hoa lệ bắt đầu hình thành từ đây. Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính lớn nhất Viễn Đông vào giai đoạn này. Năm 1932, Nhật dội bom tan nát Thượng Hải... Đến năm 1949, Thượng Hải được giải phóng và tiếp tục đóng vai trò đầu tàu kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên vai trò này kéo dài được khoảng 30 năm, đến đầu thập niên 80, Thượng Hải ì ạch, lạc hậu trở lại. Vì khai thác quá mức ngành công nghiệp mà xem nhẹ các công năng khác của một thành phố lớn, “người khổng lồ” Thượng Hải phải trả giá bằng sự tụt dốc kinh tế, nhường chỗ cho sự phát triển chóng mặt của 4 đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn.

Tuy cũng thuộc Thượng Hải nhưng so với khu trung tâm nằm ở bờ Tây sông Hoàng Phố thì khu bờ Đông sông Hoàng Phố còn nghèo nàn, lạc hậu hơn nhiều lần. Khu vực này khi đó là một vùng đầm lầy, sông nước. Những ngôi nhà ở đây đa số là nhà cổ lỗ được làm từ cây rui, xà ngang, cột gỗ, kiến trúc hình chữ “khẩu” hoặc chữ “nhật” với gian chính, chái nhà, một hoặc hai bức tường phía trước làm cửa ngõ, trong nhà có giếng trời, sau nhà thường có sông chảy qua. Những năm 60 khu vực bờ đông sông Hoàng Phố có rất nhiều xưởng đóng thuyền, bến đò, nhà kho, trạm gửi hàng tạm…- cảnh sống đặc trưng của vùng sông nước. Những nơi này tập trung khá nhiều dân lao động nghèo hoặc lao động phá sản từ An Huy, Giang Tô, Sơn Đông, Triết Giang đến tụ tập sống qua ngày.

Thập niên 70, cuộc sống nơi này vẫn chưa thoát khỏi sự nghèo nàn, hoang sơ. Tháng 9-1972, nơi đây mới xây dựng 2 “đảo phẫn trạm” (trạm bỏ phân) đầu tiên thay thế cho “mã thổng xa” (xe chở phân người) ô nhiễm mất vệ sinh - vốn sử dụng một thời gian dài trước đó. Người dân nơi này khi đó hân hoan ca ngợi “đảo phẫn trạm” đã thực hiện được “4 không, 1 mất, 2 sạch sẽ” (tứ vô, nhất thiểu, lưỡng chính khiết) nghĩa là “không dòi bọ-ruồi nhặng-bẩn thỉu-bụi bặm; mất uế khí; nhà cửa-đất đai sạch sẽ”. Trước năm 1972, ở khu vực bờ Đông sông Hoàng Phố, người ta chủ yếu ra những bến đò làm bằng gỗ để đi đại tiện…

Đến thập niên 80, kinh tế Phố Đông chủ yếu vẫn trông cậy vào nền nông nghiệp lạc hậu và ngành tiểu công nghiệp truyền thống đặc trưng bởi những xưởng lúa gạo, hãng ép dầu… Con sông Hoàng Phố như bức tường cách ly đẩy khu vực bờ Đông ra khỏi cuộc sống phồn hoa của Thượng Hải. “Sợi dây” nối hai bờ Đông-Tây Hoàng Phố bấy giờ là những chuyến thuyền, phà qua lại, tuy nhiên khi đó thị dân Thượng Hải rất hiếm khi sang Phố Đông và họ gọi việc băng qua sông là “xuất thành”.

Những nhân vật “thổi còi” xây dựng Phố Đông

Cuối thập niên 80, Thượng Hải mới bước vào thời kỳ mới. Năm 1985, Quốc vụ Viện TQ đã định vị Thượng Hải là con đường tiên phong thực hiện hiện đại hóa, tạo đà thúc đẩy TQ. Trong đó Phố Đông (nghĩa là phía Đông sông Hoàng Phố) được xem là trọng điểm cần phát triển để “khởi động” lại Thượng Hải.

Phố Đông có diện tích 522,75km2, được sông Hoàng Phố bao bọc ở phía Tây, cửa sông Dương Tử phía Đông-Bắc, vịnh Hàng Châu ở phía Nam và biển Đông ở phía Đông - vị trí địa lý tuyệt vời để xây dựng cảng vận chuyển.

Trong một dịp Tết Nguyên đán thăm Thượng Hải, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, dù khi đó đã về hưu, đã bày tỏ ý tưởng phát triển vùng đất bờ Đông sông Hoàng Phố. Ông cho rằng, nếu xem Trường Giang như 1 con rồng thì Phố Đông nằm ở vị trí cửa sông sẽ là “đầu rồng”. Không lâu sau, khi trở lại Trung ương, Đặng Tiểu Bình đã đề đạt ý tưởng đó với các vị lãnh đạo Trung ương. Có thể nói, từ đây ông là người đã thôi thúc và thổi hồi còi kêu gọi việc xây dựng, phát triển Phố Đông bắt đầu vào vài năm sau đó.
Tháng 11-1989, đồng chí Giang Trạch Dân - khi đó đang giữ chức Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản TQ, trước đó là Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng Thượng Hải - đến Thượng Hải truyền đạt chỉ thị “Phát triển Phố Đông”. Biết được chỉ thị này xuất phát từ ý tưởng của Đặng Tiểu Bình và Trung ương nên Chu Dung Cơ, Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng TP Thượng Hải, người hiểu rõ hơn ai hết giá trị to lớn của việc phát triển khu Đông của sông Hoàng Phố, đã trình “Thỉnh thị về việc phát triển Phố Đông” lên đồng chí Đặng Tiểu Bình, người mà ông biết mặc dù đã về hưu nhưng vẫn có sức ảnh hưởng lớn tới đường lối phát triển TQ. Báo cáo sau đó được gửi lên Thủ tướng Quốc vụ Viện Lý Bằng.

Kỳ I: Đông Thượng Hải ngày ấy... ảnh 2

Hai bờ Đông-Tây sông Hoàng Phố trước khi khai phá Phố Đông.

Từ ngày 28-3 đến ngày 8-4-1990, Phó Thủ tưởng Quốc vụ Viện TQ Diêu Y Lâm được sự ủy nhiệm của Trung ương Đảng và Quốc vụ Viện đã dẫn đầu đoàn đại biểu đến Thượng Hải nghiên cứu chuyên đề phát triển Phố Đông, “Đề cương hồi báo mấy vấn đề về phát triển Phố Đông-Thượng Hải” ngay sau đó được gửi lên Quốc vụ Viện TQ. Ngày 12-4, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân chủ trì hội nghị bộ chính trị, thông qua phương án phát triển Phố Đông.

Người trực tiếp đứng ra chỉ đạo đại công trình Phố Đông lúc này không ai khác hơn là Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng TP Thượng Hải Chu Dung Cơ- người được đánh giá là “gây sốc” trong chốn quan trường TQ vốn luôn phải giữ cái “đại mục đích” là “tròn trịa”. Ông cũng là người không lâu trước đó, tháng 9-1984, đã đóng góp rất nhiều ý tưởng trong “Đề cương báo cáo chiến lược phát triển kinh tế Thượng Hải” của tổ điều tra nghiên cứu Thượng Hải - mà ông là thành viên- trình Quốc vụ Viện.

Trong quá trình xây dựng Phố Đông (sau khi đã có quyết định của Quốc vụ Viện về việc phát triển Phố Đông vào ngày 18-4-1990), Chu Dung Cơ còn dùng hình thức truyền đạt không chính thức suy nghĩ của ĐặngTiểu Bình thông qua nhóm cây viết lấy bút danh Hoàng Phố Bình (bình luận ở sông Hoàng Phố) nhằm ủng hộ, đẩy mạnh việc cải cách, mở cửa đất nước, kết hợp việc phát triển Phố Đông. Những suy nghĩ mới về vấn đề cải cách của ông tuy gặp nhiều sự phản đối, phê phán nhưng dưới sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình đã đạt được thành công.

Ngày 18 tháng 4-1990, một bước ngoặt to lớn đã mở ra, tại Thượng Hải, Thủ tướng Quốc vụ Viện TQ Lý Bằng chính thức tuyên bố: phát triển Phố Đông Tân Khu. 

MẠNH KIM - HỒNG VÂN

Kỳ II: “Giải những bài toán khó”

Tin cùng chuyên mục