Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang)

Cách đây tròn 40 năm, huyện đảo Kiên Hải được thành lập trên cơ sở chia tách từ một số xã của huyện Hà Tiên và huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang). Qua nhiều lần điều chỉnh, chia tách, đến nay huyện Kiên Hải có 4 xã là: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với 13 ấp, 23 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên 27,85km², dân số trên 22.000 người.
Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện đảo Kiên Hải. Ảnh: CTV

Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện đảo Kiên Hải. Ảnh: CTV

Ngày 12-4, tại xã đảo Hòn Tre, UBND huyện Kiên Hải, UBND tỉnh Kiên Giang trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, từ một huyện đảo còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như không có, qua 40 năm, Kiên Hải đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-11%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 20,5 lần so với khi mới thành lập.

Hiện Kiên Hải có 4/4 xã được đầu tư xây dựng đường quanh đảo, 2 xã Hòn Tre và xã Lại Sơn được đầu tư điện lưới quốc gia từ đất liền kéo ra, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 98%; có 3/4 xã có trạm cung cấp nước sinh hoạt; 100% trường học được xây dựng kiên cố; 03/04 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có hơn 1.000 tàu cá được đầu tư hiện đại, đạt sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 50.000 tấn, tăng hơn 7,2 lần so với năm 1983.

Giao thông đi lại từ đất liền ra đảo được thuận lợi khi toàn huyện có 6 phương tiện vận tải hành khách cao tốc chạy từ Rạch Giá ra các đảo, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân trên đảo, góp phần thu hút khách du lịch đến với huyện đảo Kiên Hải ngày càng nhiều. Hàng năm, Kiên Hải đón khoảng 430.000 lượt khách du lịch.

“Kiên Hải là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trước những yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội đối với biển đảo, gắn với nhiệm vụ đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh, UBND tỉnh yêu cầu huyện đảo phải bám sát quy hoạch tỉnh để xây dựng, triển khai quy hoạch huyện đảo cho phù hợp, khả thi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng trọng yếu như đường cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã còn lại là An Sơn, Nam Du”, ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, huyện Kiên Hải còn phải tăng cường quản lý đất, nước, rừng, biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân về môi trường; nhất là, phải thay đổi tập quán xử lý rác thải, chất thải... để bảo vệ môi trường biển, phát triển du lịch bền vững. Tập trung xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Phấn đấu đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Như vậy, trong số 15 đơn vị hành chính của tỉnh Kiên Giang, có 1 huyện, 1 thành phố đảo là Kiên Hải, Phú Quốc. Ngoài ra, còn có các địa phương là bán đảo gồm: TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (có quần đảo Hải Tặc – xã Tiên Hải trực thuộc); Kiên Lương (có xã đảo Hòn Nghệ) và 2 huyện An Biên, An Minh.

Tin cùng chuyên mục