Kỷ niệm ngày sinh của Hoàng thân Xuphanuvông (13-7): “Những dòng sông huyền thoại”

Nhà văn Trần Công Tấn vốn là chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam giúp Lào từ kháng chiến chống Pháp từ lúc mới 13 tuổi. Chính anh đã vượt qua bao nguy hiểm trận mạc đem bức mật lệnh giải vây đến tận tay Hoàng thân Xuphanuvông. Từ đó đến nay đã hơn 60 năm, qua bao công tác, anh vẫn trung thành với đất nước Lào bằng ngòi bút nhà văn.

Cuốn mới nhất của anh được nhiều người tìm đọc là viết về cuộc đời một vị lãnh tụ cách mạng nổi tiếng của Lào: “Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại” (NXB Công an nhân dân). Cuốn sách có cả những hình ảnh quí có tuổi đời gần cả thế kỷ: Hoàng thân lúc 12 tuổi học ở Trường Albert Sarraut tại Hà Nội, nhiều hình ảnh với Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc thật thắm tình hữu nghị và gợi không khí cả một thời.

Hoàng thân Xuphanuvông,  dòng dõi hoàng tộc, đi du học ở Hà Nội, sang Pháp, từ cuộc đời một kỹ sư, ông đã trở thành lãnh tụ cách mạng. Ông đã từ bỏ mối tình đẹp ở Pháp để về lại xứ sở, tham gia cứu nước. Số phận đưa đẩy chàng kỹ sư đến Nha Trang và kết hôn với cô học sinh Trường Đồng Khánh về nghỉ với cha mẹ, vốn là chủ khách sạn ở Nha Trang, nơi chàng thuê phòng. Nguyễn Thị Kỳ Nam lúc đó đi xem cuộc thi chọn Hoa khôi xứ Trung kỳ và tình cờ lọt vào mắt Ban giám khảo. Cô trở thành người đoạt vương miện hoa khôi của xứ An Nam Trung kỳ năm đó.

Đọc cuốn tiểu sử chân dung Hoàng thân Xuphanuvông, ta không chỉ hiểu truyền thống phát triển của Cách mạng Lào, mà còn thấy cuộc đời một trí thức trẻ, từ một sinh viên du học, trở thành kỹ sư tham gia xây dựng nhiều công trình trên đất nước Việt Nam. Ông gắn bó với đất nước, cũng vào tù, vượt ngục, chiến đấu giữa đạn bom, trở thành người lãnh tụ giành độc lập và xây dựng nước Lào mới. Cuộc đời Hoàng thân cũng nặng ân tình, gắn bó với quê vợ Việt Nam, nơi ông được đón nhận tình cảm cách mạng và tình anh em Việt - Lào qua người lãnh tụ xuất sắc của Cách mạng Việt Nam: Bác Hồ.

Vì sao tên sách về cuộc đời ông Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn lại chọn “Hoàng thân và những dòng sông huyền thoại”? Là bởi vì khi nhận chức trưởng phòng kỹ thuật của Sở Công chánh An Nam Trung kỳ, người kỹ sư trẻ chăm sóc, tu bổ các công trình cầu đường, đập nước toàn xứ Trung kỳ. Ông Hoàng đã đi hưởng tuần trăng mật bằng chuyến đi khảo sát, rong ruổi trên những dòng sông. Ông cũng là tác giả đề án xây dựng đài chứa nước ở Phan Thiết, tham gia xây dựng cầu Yên Xuân trên sông Cả, hệ thống dẫn nước ở các đập Đô Lương, Thanh Chương, đập Bái Thượng…

Kỷ niệm nào giữa nhà văn Trần Công Tấn và Hoàng thân Xuphanuvông khiến anh nhớ nhất? Nhà văn cho biết, một lần Đại sứ Việt Nam đến thăm Chủ tịch Xuphanuvông tại nhà riêng, gặp Tấn ở đó, được ông Viney Thoong, Văn phòng Chủ tịch nước, giới thiệu: Tấn là con nuôi của Chủ tịch, nhận từ dạo anh 13 tuổi đưa kịp mật lệnh giải vây thời kháng chiến. Ông đại sứ nói: Chà, anh là người vinh dự nhất. Chủ tịch nói: “Tôi mới là người vinh dự vì được là người nhà của nhà văn. Chủ tịch nước thôi chức thì thành dân thường, ai còn nhớ, còn biết. Còn nhà văn thì được cả thế giới nhớ và biết”.

Yêu cầu Trần Công Tấn nêu một câu đánh giá ngắn về Hoàng thân, anh nói: “Oai nghiêm mà bình dị. Hiểu biết rộng mà khiêm tốn. Mục đích cả đời là vì nước, vì dân”

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Tin cùng chuyên mục