Kỹ sư chế biến thịt... cừu

Kỹ sư chế biến thịt... cừu

Từ người chủ trang trại chăn nuôi cừu nổi tiếng, ông chuyển sang kinh doanh thịt cừu gắn với các mặt hàng đặc sản Ninh Thuận theo mô hình “4 trong 1”.

  • Tiên phong nuôi cừu theo hướng bán thâm canh
Kỹ sư chế biến thịt... cừu ảnh 1

Kỹ sư Lương Xuân Ân (đứng giữa) tại trang trại nuôi cừu trên vùng núi đá Cà Sơn.

Ba năm trước, chúng tôi đã từng vượt gần 15 cây số đường rừng đến trang trại Lương Xuân Ân trên đỉnh Cà Sơn thuộc địa bàn xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Lúc ấy, ông Ân là người tiên phong trong kỹ thuật chăn nuôi cừu theo hướng bán thâm canh.

Ngoài chăn thả tự nhiên, ông còn trồng cỏ voi và đưa thức ăn tinh vào vỗ béo cừu thịt, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Với số lượng bầy đàn có lúc lên đến cả ngàn con, kỹ sư Ân được giới chủ trang trại chăn nuôi phong danh tặng danh hiệu “Vua cừu” trên vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió. Trong vòng 10 năm (1996-2006), trang trại của ông đã xuất ra thị trường hàng trăm con cừu nái giống và trên 150 tấn thịt cừu.

Năm 2007, kỹ sư Ân bước sang tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Trò chuyện với chúng tôi tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt cừu qua chế biến tại số nhà 279 đường Thống Nhất (Phan Rang), ông chậm rãi giãi bày: “Trong hai năm 2003-2004, do nhiều người cần mua dê, cừu giống nhiều hơn người cần bán nên đã tạo cơn sốt về giá. Thời điểm đó, giá một con dê, cừu giống từ 2 - 2,5 triệu đồng đã “nhảy” lên đến 6-7 triệu đồng; giá thịt dê, cừu hơi từ 19.000-20.000 đồng tăng lên 27.000-28.000 đồng/kg.

 Đến đầu năm 2005, thị trường dê, cừu bão hòa về nhu cầu nái giống. Nhiều người phải bán dê, cừu để thanh toán nợ vay ngân hàng. Người cần bán nhiều hơn người mua đã dẫn đến hệ quả giá dê, cừu giống giảm xuống chỉ còn 600.000-700.000 đồng/con vào thời điểm cuối năm 2006. Giá dê, cừu thịt cũng giảm 30%-40% so với trước đây nhưng cũng rất khó tiêu thụ. Vì vậy, tôi quyết định mở cửa hàng chế biến thịt cừu”.

Kỹ sư Lương Xuân Ân tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Thời trai trẻ, ông từng giảng dạy tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thuận Hải (cũ). Sau đó, ông chuyển sang làm công tác bảo vệ thực vật rồi xin nghỉ biên chế Nhà nước về nhà làm kinh tế trang trại.

Bây giờ, ông lại bước chân sang lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tuy nghề chăn nuôi gia súc đang trải qua cơn “sóng gió” về giá nhưng bầy cừu của gia đình ông vẫn duy trì ở mức 700 con, trong đó có 400 con nái sinh sản, 150 nái hậu bị và 150 đực giống chăn thả trên vùng rừng núi Cà Sơn. Ông quyết định mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt cừu qua chế biến tại thị xã Phan Rang để giới thiệu với du khách gần xa một sản vật mang nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận.

  • Gợi hướng kinh doanh mới

Đến cửa hàng đặc sản cừu Phan Rang, chúng tôi gặp ông Huỳnh Minh Tâm, 60 tuổi, là một tay đầu bếp nổi tiếng trong nghề chế biến thịt cừu. Ông Tâm đã từng đi khắp các tỉnh thành phía Nam làm nghề đầu bếp, nay trở về Phan Rang làm trợ lý kỹ thuật chế biến thịt cừu cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lai.

Thịt cừu nguyên liệu được đầu bếp Huỳnh Minh Tâm chế biến thành 100 món cừu với các tên gọi ít nhiều còn xa lạ đối với các nhà hàng truyền thống Việt Nam. Chỉ tính riêng thịt cừu khô đã có tới 4 loại: khô nghệ, khô cam thảo, khô xá xíu, khô sa kê. Hoặc như thịt cừu nướng có nướng mè, nướng tảo Nhật. Đặc biệt món thịt cừu hầm thuốc Bắc có giá trị bổ dưỡng vào hàng bậc nhất trong danh mục “món ngon Ninh Thuận”.

Điểm mới trong chuyện làm ăn của kỹ sư Lương Xuân Ân là ông đưa cửa hàng này hoạt động theo mô hình liên kết “4 trong 1” hội tụ những sản phẩm mang tính đặc trưng của Ninh Thuận. Có lẽ do đã ở độ tuổi “biết được mệnh trời” nên kỹ sư Lương Xuân Ân tinh tế chọn được những thương hiệu tên tuổi ở địa phương để gắn kết cùng ông mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Du khách đến với cửa hàng của doanh nghiệp Hoàng Lai, sau khi thưởng thức các món ăn đặc sắc được chế biến từ thịt cừu, có thể lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận như rượu vang nho Ba Mọi; gốm Bàu Trúc của nghệ nhân Đàng Thị Phan; thổ cẩm Mỹ Nghiệp của nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Phước để làm quà cho bè bạn. Có thể nói doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lai là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận thực hiện được mô hình liên kết kinh doanh. Đây cũng là kế sách “kết bè ra biển lớn” của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO.

Kỹ sư Lương Xuân Ân đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt cừu Phan Rang đưa vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia siêu thị. “Nhà sản xuất phải đưa ra những cái thị trường đang cần chứ không phải cái mình đang có. Sản xuất gắn với chế biến và liên kết với các nhà sản xuất khác tham gia kinh doanh cũng là điều tất yếu của quá trình hợp tác mở rộng thị trường hiện nay”, ông thận trọng nói.

THÁI SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục