Ký sự Sài Gòn - Dậy mà đi

Nhà báo Lê Văn Nuôi, vốn là Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn thời chống Mỹ giai đoạn 1970-1971. Anh tham gia phong trào sinh viên học sinh, là một trong những ngọn cờ đầu đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và tay sai rất quyết liệt. Những chi tiết lịch sử trong quá trình đấu tranh đó đã được anh ghi chép lại chi tiết và đầy đủ trong cuốn ký sự Sài Gòn - Dậy mà đi do NXB Trẻ vừa ấn hành.
Ký sự Sài Gòn - Dậy mà đi

Nhà báo Lê Văn Nuôi, vốn là Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn thời chống Mỹ giai đoạn 1970-1971. Anh tham gia phong trào sinh viên học sinh, là một trong những ngọn cờ đầu đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và tay sai rất quyết liệt. Những chi tiết lịch sử trong quá trình đấu tranh đó đã được anh ghi chép lại chi tiết và đầy đủ trong cuốn ký sự Sài Gòn - Dậy mà đi do NXB Trẻ vừa ấn hành.

Thật ra, đây không phải lần đầu tác phẩm này ra mắt bạn đọc. Năm 2000, tác phẩm đã ra mắt bạn đọc lần đầu tiên. Tuy nhiên, tác phẩm lần này ra mắt bạn đọc lại không phải tái bản mà gần như một tác phẩm mới hoàn toàn. Tác giả đã bổ sung rất nhiều chi tiết, từ sự kiện, con người đến cả những dấu ấn cá nhân như phần “Những bài thơ tôi viết trên đường phố - trong nhà tù” tập hợp những tác phẩm thơ, kịch thơ…

Tác phẩm mới xuất bản còn bổ sung thêm phần phụ lục về những sự kiện lịch sử của phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên học sinh từ 1965 đến 1975 cùng nhiều hình ảnh tư liệu. Được thể hiện dưới dạng ký sự, tập sách được chia làm 5 chương. Chương I: Áo trắng xuống đường, chương II: Chốn lao tù, chương III: Tuổi trẻ Sài Gòn sau ngày 30-4-1975, chương IV: Những bài thơ tôi viết trên đường phố - trong nhà tù từ 1968 – 1975 (ký sự bằng thơ) và chương V: Chứng từ và phụ lục. Trong đó, điểm nhấn quan trong nhất là 21 bài ký sự, phản ánh phong trào đấu tranh giành tự do, dân chủ và độc lập dân tộc của thanh niên, sinh viên và học sinh Sài Gòn thời kỳ 1965 đến 1975.

Là một nhà báo xuất thân từ phong trào thanh niên, có thể nói tác giả Lê Văn Nuôi đã thể hiện rất rõ cả hai yếu tố nhà báo và am hiểu bạn đọc trẻ trong tác phẩm của mình. Cách kể chuyện của anh đầy lôi cuốn ví như trong ký sự “Áo trắng xuống đường” miêu tả đầy sinh động cuộc đấu tranh chống Nguyễn Khánh. Đặc biệt, bạn đọc hẳn khó lòng rời khỏi trang sách phần kể về việc làm sao lợi dụng mâu thuẫn Thiệu – Kỳ để có được cả một trụ sở trong dinh Phó tổng thống, có cả lính bảo vệ, kiếm được cả lựu đạn tập dùng để phá các điểm bầu cử…

Có thể nói, với lối kể chuyện nhuần nhuyễn, tác giả đã biến những chi tiết lịch sử vốn dễ khô khan trở nên hấp dẫn bạn đọc hơn, nhất là bạn đọc trẻ. Điều này đã góp phần biến một tác phẩm mang chất ký lịch sử trở thành một tài liệu tham khảo hay cho bạn đọc trẻ về một thời kỳ lịch sử đầy sôi động của học sinh, sinh viên TP.

Chính vì thế, cố nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã từng nhận xét khi đọc bản thảo của tác phẩm: “Ghi chép của Lê Văn Nuôi, do chân thật rất xúc động. Ưu điểm của tập nhật ký là tác giả không đóng vai “ông cố đạo” giảng giáo lý mà tường trình sự việc đã xảy ra với thái độ thừa nhận đó là lẽ phải, phải làm. Thật đáng quý thái độ sòng phẳng như vậy”. 

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục