Cách đây 2 năm, khi Việt Nam đăng cai giải vô địch futsal châu Á 2014, trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP, Trưởng ban bóng đá futsal, ông Trần Anh Tú đã không hề ngần ngại nhắc đến “giấc mơ World Cup”. Đấy là lý do mà ông đã mạnh dạn đề xuất với VFF xin đăng cai giải châu lục trên sân nhà dù môn chơi này chỉ mới phổ biến tại Việt Nam chừng 5 năm, hoàn toàn chưa có danh hiệu quốc tế nào. Sự quyết liệt của ngày đó chính là tiền đề của kỳ tích giành vé dự World Cup hôm 17-2 vừa qua.
Nói như vậy để thấy, dự World Cup không phải là một câu chuyện cổ tích mà là một khát vọng đã ấp ủ từ 2 năm trước. Nhưng tại sao một mục tiêu gần như không tưởng như vậy vẫn có thể xuất hiện và trở thành hiện thực khi mà Việt Nam thuộc nhóm “vùng trũng” của bóng đá thế giới? Đây là câu trả lời của ông Trần Anh Tú với chúng tôi 2 năm trước: “Người Thái đã làm được, tại sao Việt Nam lại không? Chỉ cần nỗ lực đạt bằng trình độ Thái Lan thì việc dự World Cup là hoàn toàn có thể”.
Công bằng mà nói, đến thời điểm này, futsal Việt Nam hiện vẫn chưa thể ngang bằng với Thái Lan, nhưng giấc mơ World Cup thì đã thành hiện thực. Điều này chứng minh, nếu chúng ta dám mơ ước thì chuyện gì cũng có thể cho dù điều đó chưa thể đưa trình độ của futsal Việt Nam lên đến một tầm cao thế giới một cách thực chất. Nhưng nếu không mơ ước lớn như vậy, không có khát khao tột cùng như vậy, liệu có động lực để đầu tư đội tuyển futsal đi sang châu Âu, đi Mỹ để tham gia các giải hàng đầu thế giới mà rèn luyện bản lĩnh? Nếu không có những sự chuẩn bị âm thầm, tốn kém, quyết tâm như vậy thì liệu có chuyện chúng ta bị nhà vô địch châu Á Nhật Bản 3 lần dẫn trước mà vẫn bình tĩnh để gỡ hòa, trước khi vượt qua sức ép thắng luôn họ ở những loạt sút luân lưu cân não? Không mơ ước thì lấy cái gì bù đắp cho khoảng cách về trình độ cũng như sự thiệt thòi về truyền thống giữa 2 nền bóng đá? Nói cách khác, dự World Cup là một giấc mơ có thật và đó là thành quả của một quá trình nỗ lực, hy sinh của những người làm bóng đá futsal.
Không vội ảo tưởng rằng chiếc vé World Cup của futsal sẽ giúp bóng đá Việt Nam “đổi đời”, nhưng kỳ tích của futsal lại cho thấy quyền năng vô tận của lòng đam mê và khao khát muốn biến giấc mơ thành hiện thực. Đây rõ ràng là một bài học vừa gần gũi, vừa có tính chiến lược cho những người làm bóng đá Việt Nam nói chung. Không thể tiến ra biển lớn bằng những tầm nhìn ngắn hạn và sự thỏa mãn của căn bệnh thành tích. Đành rằng, muốn tiến xa thì phải đi từng bước, nhưng nếu không đặt cho mình những tham vọng lớn thì làm sao có thể xây dựng được kế hoạch mang tính dài hạn. Đơn cử, hiện nay các nhà quản lý của bóng đá Việt Nam vẫn đang nhắm đến chiếc HCV SEA Games 2017 như một mục tiêu bắt buộc.
Điều đó không có gì sai, nhưng chuyện có huy chương hay không đâu quan trọng bằng việc bắt tay vào cải tổ công tác đào tạo, thi đấu và tìm cách thu hút đầu tư vào những giải đấu nội địa. Thay vì cố gắng đoạt HCV SEA Games bằng một nhóm cầu thủ trẻ tài năng nhưng mang tính chất cá biệt thì tại sao không lấy chính bài học của futsal về chuyện xây dựng tính chuyên nghiệp ngay từ đầu, mạnh dạn đột phá trong đầu tư cho các CLB và đội tuyển, tăng tính cọ xát, nâng dần đẳng cấp cho các cầu thủ để nhắm đến các mục tiêu xa hơn ở cấp châu lục. Nếu cần một động lực để phát triển, tại sao phải đợi đến khi đoạt HCV SEA Games trong khi nguồn cảm hứng từ kỳ tích World Cup của futsal đã quá to lớn cho một làng cầu còn bé nhỏ như Việt Nam.
Vui và tự hào với kỳ tích World Cup của futsal Việt Nam, nhưng chỉ tung hô, khen ngợi, tặng thưởng mà các nhà quản lý bóng đá không xem đấy là bài học để phát huy thì những gì mà các cầu thủ futsal làm được sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
VIỆT QUANG