Kỳ tích ở xóm Chín Chủ

Làng Đông Hồ (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có một xóm nhỏ nằm doi ra giữa cánh đồng, chạy dọc ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò, được bao bọc bởi lũy tre làng, gọi là xóm Chín Chủ. Đây là xóm có 9 nóc nhà, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 người bị địch bắt tù đày và 100% gia đình có công cách mạng...
Kỳ tích ở xóm Chín Chủ

Làng Đông Hồ (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có một xóm nhỏ nằm doi ra giữa cánh đồng, chạy dọc ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò, được bao bọc bởi lũy tre làng, gọi là xóm Chín Chủ. Đây là xóm có 9 nóc nhà, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 người bị địch bắt tù đày và 100% gia đình có công cách mạng...

Kỳ tích ở xóm Chín Chủ ảnh 1

Tượng đài khu di tich xóm Chín Chủ

9 nóc nhà, 1 pháo đài kiên cố

Xóm Chín Chủ ở vùng thấp trũng, chỉ rộng khoảng 0,5km², với 9 nóc nhà, lúc đông nhất chỉ có 60 nhân khẩu. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã trở thành pháo đài kiên cố, là “căn cứ vùng địch hậu”, là đầu mối giao liên, vận chuyển vũ khí, đưa đón cán bộ, cơ sở tự vệ… ra vào nội thành Đà Nẵng hoạt động.

Bà Phan Thị Mai (người có công cách mạng và là thương binh) có chồng là ông Lê Văn Ba (liệt sĩ), người bắn rơi máy bay trực thăng HU1A của Mỹ tại xóm Chín Chủ, có mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Cúc và bà nội Nguyễn Thị Hoài là 2 mẹ Việt Nam anh hùng. Trong ký ức của bà Mai vẫn không quên những ngày tháng gian khổ trong kháng chiến, nhất là sau năm 1969, khi Mỹ tiến hành bao vây xóm Chín Chủ, bắt dẫn dân đi khắp làng và nhốt tại Cẩm Hà, nhiều người trong làng chịu đói, chịu khát. “Nhiều lúc địch bắn phá liên tục, không có cơm ăn, không còn nồi để nấu. Chín nóc nhà phải tổ chức ăn chung, nồi xoong giấu dưới hố bom, đến bữa đem lên nấu, lấy lá mít làm muỗng, lá khoai môn làm chén… Về đêm mới ngủ riêng để tránh tổn thất về người khi Mỹ thả bom, bắn pháo”, bà Mai kể.

Tại xóm Chín Chủ này đã lập 5 bến đò vượt sông. Các mẹ, các chị đưa cơm, chở bộ đội, du kích làm nhiệm vụ; dân Chín Chủ còn đốn tre giấu dưới sông, khi cần vớt lên làm cầu qua sông để bộ đội hành quân trong đêm.

Tháng 9-2016, xóm Chín Chủ được công nhận là Khu Di tích cách mạng cấp tỉnh, xóm duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 100% gia đình có công cách mạng, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ, 19 người bị địch bắt tù đày, 7 thương binh.

Phát huy truyền thống anh hùng

Trải qua hơn 40 năm hòa bình, xóm Chín Chủ đã chuyển về nơi ở mới, khang trang hơn. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, cho biết: “Xóm Chín Chủ là vùng thấp trũng, mưa đến bị ngập lụt, cô lập, 9 nóc nhà chủ yếu là người già neo đơn. Do vậy, xóm đã được di dời lên hợp với làng Đông Hồ thành cụm dân cư với hơn 200 hộ dân”.  Những thế hệ kế tiếp nhau đã phát huy truyền thống anh hùng, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Anh Lê Nguyên Vũ (thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, có ông nội và bác ruột là liệt sĩ) đã vượt gian truân, xây dựng mô hình nuôi chim cút cách đây 1 năm. Hiện gia trại của anh có hơn 3.200 con chim cút, hơn 40 con heo, vườn rau màu... sau khi trừ hết chi phí, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.  Anh Vũ tâm sự: “Thế hệ chúng tôi phải cố gắng xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới, làm giàu trên mảnh đất cách mạng, xứng đáng là con em của vùng đất anh hùng”.

Hay trường hợp của ông Thái Giỏi (57 tuổi, thôn Đông Hồ) có hơn 7.500m² đất lúa, sản xuất 2 vụ/năm, hơn 5.000m² đất màu trồng bắp, dưa, rau, đậu… mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, Nguyễn Văn Hải, tự hào: “Nếu so với những vùng khác trong thị xã thì dân Đông Hồ chúng tôi có thu nhập thuộc loại cao nhất, nhì. Tất cả đều biết vượt lên khó khăn và từng bước làm giàu. Tinh thần cách mạng luôn hiện hữu ở vùng đất này”.

Nguyễn Trang

Tin cùng chuyên mục