Theo dấu chân những người anh hùng

Ký ức còn mãi

17 tuổi, anh xin tham gia hoạt động cách mạng. Sau một thời gian công tác tại cơ quan Nông vận và Ban Hoa vận - Trung ương Cục miền Nam, năm 1965, anh xung phong gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (TNXP GPMN). 5 tuổi quân, 3 tuổi Đảng và mới 24 tuổi đời, anh đã hy sinh nhưng những cống hiến của anh mãi là ấn tượng đẹp trong lòng các thế hệ TNXP GPMN. Đó là tâm sự, ký ức của các cựu TNXP kể về đồng đội của họ - liệt sĩ Trương Chính Thanh, nguyên Đại đội trưởng Đội 198 TNXP - Tổng đội TNXP GPMN.
Ký ức còn mãi

17 tuổi, anh xin tham gia hoạt động cách mạng. Sau một thời gian công tác tại cơ quan Nông vận và Ban Hoa vận - Trung ương Cục miền Nam, năm 1965, anh xung phong gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (TNXP GPMN). 5 tuổi quân, 3 tuổi Đảng và mới 24 tuổi đời, anh đã hy sinh nhưng những cống hiến của anh mãi là ấn tượng đẹp trong lòng các thế hệ TNXP GPMN. Đó là tâm sự, ký ức của các cựu TNXP kể về đồng đội của họ - liệt sĩ Trương Chính Thanh, nguyên Đại đội trưởng Đội 198 TNXP - Tổng đội TNXP GPMN.

Kiên cường

Trong trận đánh “cứ điểm Đồng Xoài” (chiến dịch Phước Long - Sông Bé, năm 1965), địch dựa vào hầm ngầm kiên cố chống trả quyết liệt khiến bộ đội ta bị thương vong nhiều. Với tinh thần “còn thương binh, tử sĩ, TNXP quyết chưa rời trận địa”, Trương Chính Thanh đã vượt qua làn đạn như mưa bão của kẻ thù, lao vào sát hầm ngầm của địch cõng từng thương binh, tử sĩ thoát ra ngoài. Sau khi cùng đồng đội cõng được 45 thương binh, tử sĩ ra khỏi trận địa, tưởng như kiệt sức nhưng bộ đội cho biết còn một đồng chí bị thương kẹt trong đó, Thanh lập tức bò trở lại, áp sát ngực xuống đất, trườn vào trong, khi đưa được đồng đội ra ngoài thì quần áo đã rách tươm, đầu gối, ngực, bụng bầm tím, tứa máu.

“Tôi còn nhớ như in, sau trận đó, Chính Thanh trở về gặp tôi với bộ dạng te tua, mặt mũi, thân thể rướm máu nhưng đầu vẫn ngẩng cao, nói dõng dạc: “Báo cáo thủ trưởng, em đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Thanh khiến tôi rất xúc động, khâm phục về sự mưu trí, kiên cường và lòng dũng cảm”, ông Phan Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP GPMN nay là Chủ tịch Hội cựu TNXP TPHCM, nhớ lại.

Trận Bù Đốp (mùa hè năm 1966), trong lúc đang lao vào lô cốt của địch để cõng thương binh, Thanh nhận được lệnh phải rút nhanh để tránh phi pháo địch hủy diệt trận địa. Phát hiện còn bộ đội bị trọng thương không bò ra được, Thanh xua tay ra hiệu cho đồng đội rút ra ngoài, còn mình thì bất chấp hiểm nguy, xông trở vào cõng thương binh. Chưa kịp chạy ra khỏi trận địa thì một quả pháo nổ tung, Chính Thanh lấy thân mình che cho đồng đội đang bị thương nặng, miệng không ngớt động viên: “Anh cứ yên tâm, không sao đâu, tụi em sẽ băng bó cho anh và đưa anh về bệnh xá…”, mà không biết rằng một bên mắt phải của mình đã dính miểng đạn, máu chảy đầm đìa.

Trong các trận Trà Phí (Tây Ninh), Bàu Bàng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Phú Cường, Suối Bà Chiêm, Đồng Pal, Đồng Rùm…, Trương Chính Thanh luôn đi đầu trong các chuyến tiếp đạn, chuyển thương và trực tiếp chiến đấu để bảo vệ thương binh. Trong những tình thế căng thẳng, địch phản kích quyết liệt, Chính Thanh luôn là người ở vị trí tiên phong, bắn kiềm chế địch để đồng đội cõng thương binh ra ngoài một cách an toàn.

Hy sinh

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Đội 198 bị thương vong nhiều, chỉ còn lại 24 cán bộ, đội viên. Tham gia phục vụ chiến đấu từ đợt 1 cho đến kết thúc chiến dịch nên Trương Chính Thanh bị thương khá nặng. Nhưng khi có lệnh chuyển anh về tuyến dưới điều trị, Chính Thanh đã báo cáo cấp trên xin ở lại đơn vị để vừa điều trị vết thương vừa phục vụ chiến đấu. Cảm động trước tinh thần dũng cảm ấy, nhiều cán bộ, đội viên đang bị thương cũng tình nguyện ở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu như Chính Thanh.

Tháng 2-1970, Đội 198 được giao nhiệm vụ tiếp viện lương thực, đạn dược cho bộ đội đặc công đang ém quân trong hang núi Bà Đen (Tây Ninh). Chính Thanh (lúc bấy giờ là Đại đội trưởng) và đồng chí Trần Bảy Liện (Đại đội phó) được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị ngay trong đêm 7-2 phải đến được nơi cần chi viện. Nhận thấy đường hành quân nguy hiểm, khó khăn, khắp nơi đầy rẫy đồn bót địch, trên đầu là máy bay địch vần vũ, Chính Thanh động viên anh em không được nao núng, dù bị rơi vào tình thế khó khăn, bất ngờ nhất. Tất cả lên đường với một tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thấy giặc là đánh.

Tờ mờ sáng ngày 8-2, nhiệm vụ chi viện đã được hoàn thành. Đơn vị chuẩn bị rút quân. Trương Chính Thanh tính toán 6 giờ sáng là có thể thoát qua mé rừng của ta. Nhưng trên đường trở ra thì đơn vị anh bị địch phát hiện. Chúng cho một tiểu đoàn xe tăng bao vây, nổ súng, dồn anh em vào thế bị đánh úp. Chính Thanh đề nghị cắt một nửa quân số thoát ra ngoài chỉ để lại một tiểu đội gồm 12 người ở lại trực tiếp chiến đấu với anh. Anh xông lên trước, dùng B40 bắn cháy một xe tăng, chặn đứng luồng phản công của địch, đồng thời để đồng đội rút lui một cách an toàn. Thừa thắng, anh chỉ huy anh em tiếp tục bắn cháy một xe tăng nữa.

Địch phản công liên tiếp, trong trận chiến không cân sức ấy Chính Thanh đã hy sinh. Anh ngã xuống nhưng đổi lại, 2 xe tăng và một số lính Mỹ bị tiêu diệt. Đội quân của ta lần ấy với gần 100 người tham gia hành quân đã có 7 người hy sinh, 1 người bị bắt.

“Sau trận đánh ấy, Trần Bảy Liện trở về, đứng trước mặt tôi báo cáo mà không cầm được nước mắt. Anh khóc 7 đồng đội đã ngã xuống, trong đó có liệt sĩ Chính Thanh”, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TPHCM, ông Phan Văn Mãnh xúc động nói.

Ký ức

“Đêm mùng 2 Tết, Chính Thanh trở lại thăm đơn vị sau một trận sốt rét kinh hoàng. Đó cũng là đêm cuối cùng, chúng tôi được gặp nhau. Anh ấy cầm lấy tay tôi, nhắn nhủ: “Anh đi lần này không biết có về được không, chuyến đi nào cũng có người mất, người còn. Nếu anh hy sinh, không thể cùng em tiếp tục chiến đấu thì em cũng đừng bao giờ gục ngã trước kẻ thù. Em phải kiên cường để đi hết quãng đường còn lại, để khi chiến tranh kết thúc, chân em sẽ chạm đất Sài Gòn – Gia Định”. Không hiểu sao, tôi cứ thấp thỏm lo âu, giống như đây sẽ là đêm định mệnh. Anh gửi lại cho tôi tấm ảnh chân dung của mình và dòng địa chỉ với lời nhắn gửi: Hòa bình lập lại, em hãy tìm mẹ anh và nói với bà rằng, anh đã chết một cách kiên cường!

Hôm sau anh lên đường, cả đơn vị ngóng tin anh và đồng đội. Súng nổ quá chừng, bỗng nhận được tin báo: đơn vị hy sinh hết rồi. Người tôi như có hòn đá nặng đè lên tim mình và không tin đó là sự thật. Hôm đó anh cứ can ngăn không cho tôi đi cùng, cũng chỉ vì mong muốn tôi được sống. Con người và sự hy sinh của anh, với tôi như một ký ức đẹp nhưng nhiều đau xót”, đó là những ký ức của bà Nguyễn Thị Thu Xuân, cựu TNXP Đội 198, về mối tình trong sáng với liệt sĩ Trương Chính Thanh, khi bà mới 18 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Thu Xuân (phải) cùng đồng đội xem lại những kỷ vật của liệt sĩ Trương Chính Thanh
Bà Nguyễn Thị Thu Xuân (phải) cùng đồng đội xem lại những kỷ vật của liệt sĩ Trương Chính Thanh

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nay, nhưng đến tháng 11-2009, hài cốt của anh mới được xác định chính xác (sau hơn 20 năm thất lạc) và được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên (Tây Ninh). Sau khi tìm được phần mộ của liệt sĩ Chính Thanh, các cựu TNXP đã liên lạc được với người em út của liệt sĩ là cô Trương Điều Ngó đang sống ở Bạc Liêu hiện là người thân duy nhất của liệt sĩ Chính Thanh còn sống. Anh em cựu binh của Đội 198 đã đề nghị và được tỉnh Bạc Liêu cấp cho gia đình anh một mảnh đất tại thành phố Bạc Liêu. Hội Cựu TNXP cũng đã xin được công đoàn Sở Giao thông Vận tải TPHCM tài trợ để xây tặng cho gia đình anh một căn nhà tình nghĩa.

“Tuổi thơ của Chính Thanh rất cơ cực. Sinh ra trong một gia đình nghèo (gốc Hoa) tại Bạc Liêu, từ lúc 5 tuổi, anh đã phải lên Sài Gòn tự bươn chải kiếm sống. Có lẽ xuất thân từ nghèo đói nên anh sống rất tình nghĩa, bao dung. Ở trong đơn vị, cứ có tiêu chuẩn đường sữa là anh lại nhường cho thương binh, những lúc rảnh rỗi, anh vào tận bệnh xá chăm sóc đồng đội bị sốt rét. Nhà nghèo, mới học hết lớp 4 đã phải nghỉ, thậm chí không biết nói tiếng Việt nhưng chỉ trong một thời gian tham gia hoạt động cách mạng, anh đã có thể tự đọc, tự viết bằng tiếng Việt. Ý chí vượt lên khó khăn, gian khổ, nghị lực kiên cường và đức tính hiền lành của anh đã trở thành điểm tựa cho chúng tôi noi theo. Anh đã hy sinh nhưng ký ức về anh vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi”, lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Thu Xuân có lẽ cũng là gửi gắm của đồng đội anh dành cho người anh hùng đã ngã xuống một cách vinh quang.

HOÀNG HOA


Liệt sĩ Trương Chính Thanh, Anh hùng LLVT ND, Lực lượng TNXP GPMN

Liệt sĩ Trương Chính Thanh, Anh hùng LLVT ND, Lực lượng TNXP GPMN

Tin cùng chuyên mục