Kỳ vọng một kỳ thi nhẹ nhàng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tuy trở bộ hơi lúng túng, thậm chí là cập rập do Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn chậm, sát ngày thi, nhưng nhìn chung công tác chuẩn bị ứng phó với những thay đổi về việc ra đề, rút ngắn thời gian làm bài, tổ chức thi cử… đều ổn thỏa. Bằng nỗ lực và trách nhiệm cao, các địa phương đã sẵn sàng cho một kỳ thi quốc gia quan trọng và hy vọng tín hiệu cải cách thi cử sẽ tạo tiền đề cho mục tiêu đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà.

Với số môn thi giảm từ 6 xuống 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), thí sinh không chỉ có lợi, mà còn kết hợp 2 trong 1 khi chọn môn tự chọn theo môn thi đại học. Nhìn tổng thể, áp lực thi cử ở kỳ thi này đã giảm và học sinh có điều kiện phát huy năng lực của mình nhiều hơn là học lệch.

Tuy vẫn còn nhiều trường chưa thoát khỏi tư duy điểm số, nặng bệnh thành tích nên bắt học trò ôn luyện nhiều, còn lại phải ghi nhận luồng gió đổi mới thi tốt nghiệp đã tạo sự hứng khởi, giảm bớt âu lo cho cả thí sinh lẫn thầy cô.

Hơn nữa, chủ trương mới - xét tốt nghiệp theo “trong số 50/50” dựa trên điểm bình quân điểm học lực lớp 12 và tổng điểm 4 môn thi khiến nhiều thí sinh tự tin, cầm chắc kết quả đậu tốt nghiệp. Với cách đánh giá mới này, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định rằng kết quả thi tốt nghiệp năm nay sẽ chạm ngưỡng 99,9%. Trừ những học sinh có học lực yếu và thi bị điểm liệt (1 điểm) mới rớt đài. Như thế có cần phải lo lắng, bận tâm và phải đầu tư quá tốn kém cho kỳ thi quốc gia này? Phải chăng còn có điều gì chưa yên tâm về khâu tổ chức, giám sát chất lượng thi cử?

Để “rung chuông” - nhấn mạnh yêu cầu phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng thực chất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra và nhắc nhở các địa phương “tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm quy chế của các tổ chức, cá nhân”. Điều này cho thấy sự lo lắng của bộ và nỗi hoài nghi của dư luận về nguy cơ tiềm ẩn sự gian dối, tiêu cực trong thi cử vẫn chực chờ. Dù không muốn nhắc lại “vết đen” của các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây mà điển hình là vụ tiêu cực ở hội đồng thi Đồi Ngô - Bắc Giang, nhưng chúng ta không thể không nhấn mạnh tính minh bạch - yêu cầu về kỳ thi sạch, kết quả sạch.

Việc dung túng hoặc để lọt lưới những sai phạm, tiêu cực trong kỳ thi sẽ làm méo mó kết quả, tạo ra sản phẩm giáo dục kém chất lượng và đáng sợ hơn là nó tiếp tục làm xói mòn niềm tin vào giáo dục. Vì sự công bằng, chúng ta không thể chấp nhận một học sinh có học lực yếu, trung bình, lười biếng học tập lại có kết quả điểm số thi bằng hoặc cao hơn những thí sinh có năng lực, học thật, thi thật.

Dư luận đang kỳ vọng vào tính nghiêm túc, trung thực của kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này, cũng như kết quả của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương phải thể hiện đúng chất lượng đào tạo, đo lường đúng trình độ, năng lực của học sinh. Tất nhiên, để đánh giá đúng năng lực của từng học sinh thì việc ra đề thi với nội dung, cấu trúc, cách chấm thi cũng phải khoa học, tránh đánh đố thí sinh.

Từ bước đệm đổi mới thi cử lần này, việc dạy thật, học thật mới thật sự lan tỏa. Và từ kết quả thi tốt nghiệp THPT “sạch”, chúng ta mới có cơ sở để phân luồng học sinh, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp cho các em.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục