Món ngon quê nhà

Lá bần xào

Lá bần xào

Bần là loại cây hoang dại thường mọc ven sông rạch (ảnh). Ở đồng bằng Nam bộ và ngoại thành TPHCM có nhiều giống bần mọc hoang, nhiều nhất là bần chua và bần ổi. Bần chua cao từ 5m đến 12m; vỏ dày; lá cứng, dai, đầu tà; hoa ở chót nhánh; quả mập xanh; phần nạc chua. Bần ổi cao từ 4m đến 10m; vỏ mảnh như vỏ ổi; phiến lá gần như tròn, đáy hình tim; trái mập nhưng nhỏ hơn bần chua; phần nạc ngọt chát.

Lá bần xào ảnh 1

Cây bần có nhiều công dụng, ngoài việc giữ cho đất không bị sạt lở còn cung cấp gỗ làm củi. Trung bình một hộ trồng 40 - 50 gốc bần có đủ củi sử dụng quanh năm. Một số hộ trồng nhiều hơn, đốn tỉa cưa thành đoạn 3 - 4 tấc chất thành từng thước vuông bán cho các vựa củi, kiếm vài triệu đồng mỗi năm.

Đặc biệt, cập bần (rễ phụ) vừa mềm, vừa dẻo, có tính đàn hồi cao được dùng làm nguyên liệu trong chế biến nắp vỏ chai rượu cao cấp có giá trị kinh tế cao. Riêng trái bần, nông dân chỉ hái để ăn chơi với mắm sống (cá linh, cá sặc, có lóc…), còn lá bần, từ lâu, một số nông dân đã biết dùng để xào với thịt chuột đồng tạo thành món ăn khoái khẩu.

Chuột đồng bắt về làm sạch lông, chặt từng miếng theo ý muốn (tốt nhất chặt vuông cỡ ô cờ tướng) để vào rổ cho ráo nước. Chảo đặt sẵn trên bếp chờ cho nóng đổ dầu ăn hoặc mỡ vào, bỏ thêm vài tép tỏi hoặc củ hành tím đập dập cho thơm. Lá bần chua hái về rửa sạch, chọn những lá không già, không non cho vào chảo xào (miền Bắc gọi là khìa) vừa tái, đổ thịt chuột vào, để nguội ướp gia vị (đường, tỏi, nước tương hoặc nước mắm) là có thể “nhấm” được.

Nước chấm tùy sở thích của mỗi thực khách, nhưng ngon nhất là nước tương hoặc nước mắm y (nguyên chất) có thêm vài lát ớt. Xưa nay các đầu bếp thường chế biến thịt chuột với nhiều loại lá, rau, củ khác nhau, nhưng có lẽ chỉ xào với lá bần chua là “hấp dẫn” nhất, vì vị chát của lá bần đã khử mùi tanh của thịt chuột.

Hiện nay bần ở ngoại thành không còn nhiều nên món ăn này đã mai một dần. Dẫu vậy, nếu khách có dịp về miệt Hưng Thái (Tân Kiên), Chợ Đệm (Tân Túc), Láng Le - Bàu Cò (Tân Nhựt) thuộc huyện Bình Chánh hoặc một số xã ven sông Cần Giuộc thuộc huyện Nhà Bè (TPHCM) muốn thưởng thức lại món ăn này, một số lão nông sẵn sàng chế biến theo nhu cầu của thực khách, đảm bảo “ăn một lần sẽ nhớ mãi”.

TRẦN CÔNG TẠO
 

Tin cùng chuyên mục