Trong khi tranh luận về chuyện đặt tên đường hai giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina ở TP Đà Nẵng đang nóng trong dư luận mấy ngày qua thì tại TPHCM, hiện vẫn có đến hai con đường mang tên Trần Hưng Đạo A và B nằm nối dài nhau; hai đường mang tên Phan Văn Trị ở quận 5, Gò Vấp; hai đường mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở quận 1, Phú Nhuận; hay đường Nguyễn Huệ ở quận 1 và đường Quang Trung ở Gò Vấp; đường Đề Thám ở quận 1 và đường Hoàng Hoa Thám ở quận Bình Thạnh; đường Đinh Tiên Hoàng và đường Đinh Bộ Lĩnh ở quận Bình Thạnh cùng vô số những tên đường trùng nhau ở nhiều quận, huyện.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, TPHCM hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa. Những con đường tên số không chỉ nằm trùng trên một quận, thậm chí là cùng nằm trên một phường, xã có đến mấy con đường đánh số giống nhau. Người dân nói vui: “Ông Google Map” cũng bất lực, không thể tìm ra nổi các con đường đánh số ở TPHCM, nhất là cùng một quận hay một phường. Rồi còn có kiểu tên đường theo địa danh cũ - mới và theo kiểu thấy gì thì đặt đó như Kênh Nước Đen, Bờ Bao Tân Thắng, Tên Lửa…
Đó là chưa kể những tên đường “lạ” đặt theo chủ đầu tư, mà dễ thấy ở đây là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có tên đường tây - ta đủ kiểu, thậm chí nửa tây nửa ta mà người không rành khu này dễ lạc vào mê hồn trận khi đi tìm nhà.
Bên cạnh đó, còn là cách gọi tên được cho không thuần Việt như Bà Triệu (Triệu Thị Trinh), Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) hay Huyền Trân Công Chúa (đúng ra phải là Công chúa Huyền Trân)… Câu chuyện đặt tên đường ở TPHCM nêu trên thực ra không có gì mới.
Lâu nay TPHCM đã thành lập hẳn một Hội đồng đặt - đổi tên đường, mà cơ quan thường trực ở đây là Sở Văn hóa - Thể thao. Cách đây vài năm, TPHCM đã giao Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao TP thực hiện đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”.
Đề án đã quy tụ hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín cùng tham gia khảo sát và nghiên cứu công phu. Kinh phí để thực hiện đề án được rót bằng ngân sách của thành phố. Đến năm 2016, đề án hoàn thành và báo cáo đến UBND TPHCM. Nhưng 3 năm sau, đề án trên vẫn “đắp chiếu”, chưa triển khai thực hiện.
Nếu nói quỹ tên đường của TPHCM không nhiều, là thiếu thực tế. Từ năm 2014, UBND TPHCM đã có quyết định về bổ sung quỹ tên đường tại TP, với 1.070 tên đường. Trong đó có 101 tên các nhân vật lịch sử và địa danh, 969 Mẹ Việt Nam anh hùng; một số tên đường là những nhân vật lịch sử xuất hiện từ sau thế kỷ 20 được chọn như Văn Tiến Dũng, Trần Bạch Đằng, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Chí Diểu, Đoàn Khuê… Ngoài ra còn có các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Phùng Há (Trương Phụng Hảo), Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành), Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền… Theo quy định, việc đặt - đổi tên đường đối với những đường chưa có tên (hoặc tạm thời) tại TPHCM đều phải lấy tên từ quỹ tên đường.
Nhưng đất nước Việt có truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, còn nhiều danh nhân nhà Trần, nhà Lê, nhà Tây Sơn… liệu có bị bỏ quên? Rồi những vị tiến sĩ mà tên tuổi được khắc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bao nhiêu người được đặt tên đường? Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của quân và dân ta, có hàng ngàn bậc danh nhân, vị tướng được người dân suy tôn, thờ cúng nhưng vẫn chưa được đặt tên đường; trong khi những cái tên đường: Tên Lửa, Bờ Bao Tân Thắng, hay đường số 5, đường số 7, D1, D2... vẫn cứ tồn tại ở nhiều quận, huyện. Và còn nữa, những danh nhân văn hóa, khoa học thế giới, có những phát minh, cống hiến đặc biệt cho nhân loại, cũng cần được xem xét đưa vào quỹ tên đường, thay vì những tranh cãi. Làm được điều đó, về lâu dài, chỉ được chứ không mất!
Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần: TPHCM thiếu quỹ tên nhân vật lịch sử và danh nhân để đặt là phi lý, thậm chí phủ nhận lịch sử của cha ông. Từ năm 1930 tới nay, cách mạng đã đem đến cho thành phố mấy trăm tên đường, lẽ nào lịch sử hàng ngàn năm của nước Việt lại không có nổi một danh sách danh nhân để đặt tên đường?