
Gần đây tại TPHCM tình trạng kẹt xe lại tái diễn do sự xuất hiện của các “lô cốt” mới. Tình trạng này còn tiếp diễn do việc đào đường phải dừng thi công do vướng hệ thống ngầm. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông cũng như kinh doanh của người dân thành phố.

Khu vực cầu Bông (Bình Thạnh) thường xảy ra kẹt xe do “lô cốt” chắn ngay đầu cầu.
Đường chính, đường hẻm đều tắc nghẽn
Đã hơn nửa tháng nay, người đi đường mỗi khi lưu thông trên tuyến đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) luôn phải đánh vật với tình trạng kẹt xe trên đường do các “lô cốt” đào đường gây ra. Tuyến đường Phan Đình Phùng (đoạn từ cầu Kiệu đến giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu) dài khoảng 1km nhưng có đến 6 “lô cốt” nằm liền kề nhau chiếm dụng phần lớn diện tích mặt đường khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn. Cứ vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ. Cách đó không xa, đường Nguyễn Trọng Tuyển (nối đường Phan Đình Phùng với Nguyễn Văn Trỗi) cũng luôn rơi vào tình trạng kẹt xe trầm trọng do một “lô cốt” ngay ngã ba giao với đường Nguyễn Đình Chính làm thu hẹp làn đường lưu thông của các phương tiện.
Không chỉ có các tuyến đường nói trên, hiện nay tại khu vực cầu Bông, cầu Thị Nghè 1 (Bình Thạnh)… tình trạng kẹt xe còn xảy ra nghiêm trọng hơn và trở thành nỗi ám ảnh hằng ngày đối với người đi đường. Tương tự, tại các tuyến đường Lê Văn Sỹ (Phú Nhuận), Trần Khắc Chân (đoạn giao với Trần Khánh Dư đến chân cầu Trần Khánh Dư, quận 1), 3 Tháng 2 (đoạn giao với Thành Thái và Nguyễn Tri Phương)… việc một số “lô cốt” xuất hiện trên đường cũng khiến cho tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa.
Cô Lưu Thị Hương, nhà số 142 đường Phan Đình Phùng buôn bán cá cảnh, than vãn: “Cả năm qua, hệ thống “lô cốt” đào đường nằm ở khu vực giữa đường, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã đình trệ. Nay khi “lô cốt” chuyển dịch vào sát nhà thì ngay cả lối dắt xe ra vào nhà cũng không có. Từ ngày có “lô cốt” này mọc lên, lượng khách hàng đến mua bán giảm đi một nửa”.
Thi công cầm chừng
Những ảnh hưởng của hệ thống “lô cốt” đào đường đối với giao thông và hoạt động kinh doanh là rất lớn. Thế nhưng, hiện nay tiến độ thi công của các dự án này diễn ra hết sức ì ạch và có một số vướng mắc khiến tiến độ thi công có thể kéo dài thêm. Chẳng hạn như hệ thống “lô cốt” đào đường trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận) được rào chắn mặt đường từ ngày 2-8, khi tiến hành thi công lại vướng phải công trình ngầm nên đành phải tạm ngưng thi công từ đó tới nay. Nhưng đơn vị thi công vẫn không tháo dỡ rào chắn khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bác Huỳnh Văn Bảo, nhà số 62 đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) bức xúc: “Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với việc thành phố đào đường. Tuy nhiên, khi công trình thi công gặp sự cố không thể thi công tiếp thì phải tháo dỡ rào chắn trả lại mặt đường cho người dân đi lại. Nhưng hệ thống “lô cốt” vẫn không được tháo dỡ trả lại mặt đường khiến cho tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên”.
Trong khi đó, tại các “lô cốt” thi công hạng mục mở rộng và thay thế cống cấp 2 và 3 khu vực trung tâm thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần cầu Bông) và Trần Khắc Chân (quận 1), dù thời hạn thi công đã hết nhưng hệ thống rào chắn vẫn chưa được tháo dỡ và công trình thi công vẫn còn hết sức ngổn ngang, bừa bộn. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay công trình chủ yếu thi công vào ban đêm, còn ban ngày lại “án binh bất động”. Với tiến độ như vậy, chắc chắn thời hạn thi công của những công trình này còn có thể kéo dài thêm hàng tháng trời. Điều này đồng nghĩa với việc người dân thành phố còn phải chịu đựng với cảnh kẹt xe thường xuyên do “lô cốt”.
Trước tình trạng “lô cốt” đào đường thi công ì ạch gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại của người dân, Sở GTVT TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng nói trên như: Tăng cường công tác kiểm tra đào và tái lập mặt đường để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Các đơn vị thi công phải thực hiện chế độ làm việc 3 ca để đẩy nhanh tiến độ thi công trả lại mặt đường. Đối với các trường hợp công trình thi công đào đường bị vướng công trình ngầm, bắt buộc phải tháo dỡ rào chắn trả lại mặt đường trong thời gian chờ xử lý hệ thống công trình ngầm…
Tuy nhiên, xem ra các giải pháp này vẫn chưa được các đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án tuân thủ tốt. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tham mưu cho UBND TPHCM có mức xử phạt thật nặng, bằng tiền và các hình thức khác, đủ sức răng đe để các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định vốn đã có từ lâu.
Đình Lý