Mới vào đầu mùa mưa nhưng nhiều con đường của TPHCM đã bị ngập. Điều này khiến người dân phải thêm nỗi lo kẹt xe do ngập nước...
Đường phố bị ngập nước khi mưa xuống hay triều lên là vấn đề không mới ở TPHCM. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, trong đó có những nguyên nhân có thể “thông cảm” được như hệ thống thoát nước đã cũ kỹ nhưng khả năng tài chính của TP chưa đủ thay mới... Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân không thể chấp nhận.
Tổng hợp mới nhất hồi đầu tháng 6 của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (TTCN) cho thấy hiện có ít nhất 97 vị trí nằm trong hệ thống tiêu thoát nước của TP bị ảnh hưởng do quá trình thi công các công trình đào đường thuộc ba dự án lớn: Đại lộ Đông Tây và môi trường nước, Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm.
Chỉ sau một cơn mưa vào chiều 3-6, khu vực chân cầu Rạch Chiếc đã trở thành “dòng sông uốn quanh” vì bị ngập nặng, cả tuyến Xa lộ Hà Nội xảy ra kẹt xe trầm trọng. Nguyên nhân “trận lụt” ấy được xác định: Hệ thống thoát nước khu vực này bị đơn vị thi công cầu Rạch Chiếc chặn dòng, nên nước không có lối thoát. |
Đứng đầu bảng “phong thần” về thi công làm hỏng công trình thoát nước vẫn là Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước với 55 vị trí trên hệ thống thoát nước bị xâm hại. Thứ nhì là Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè với 36 vị trí. Điều khó hiểu, sau nhiều lần TTCN nhắc nhở, khuyến cáo, số vị trí hệ thống tiêu thoát nước bị xâm hại không những không giảm mà càng tăng thêm.
Trung tuần tháng 4-2010, có 39 vị trí bị xâm hại, đến ngày 19-5, cơ quan chức năng phát hiện 35 vị trí bị ảnh hưởng! Đến đầu tháng 6, số vị trí bị xâm hại giảm nhờ có sự can thiệp từ UBND TPHCM, nhưng theo đánh giá của TTCN, các đơn vị thi công, chủ đầu tư chỉ làm cho có, tỷ lệ khắc phục rất thấp! Nói cách khác, số vị trí được khắc phục không đáng kể so với số địa điểm bị xâm hại hoặc các địa điểm hư hỏng phát sinh mới.
Các hình thức xâm hại vào hệ thống thoát nước rất đa dạng: thi công bờ kè tấn bao cát bít cống hoặc để đất sạt lở che lấp miệng cửa xả; thi công đóng cừ chặn ngang cống vòm mà không có biện pháp dẫn dòng; để đất cát rớt xuống lòng cống quá dày làm bít dòng chảy; nhà thầu “hồn nhiên” đục cống để bơm xả nước lẫn bùn đất xuống cống, lâu ngày gây tắc nghẽn; tráng nhựa mặt đường lấp luôn hố ga; tình trạng rơi vãi đất, cát, bùn… xuống lòng cống rất phổ biến, thậm chí nhiều miệng cống, hố ga có lớp đất cát dày tới 1,5m. Can dự vào những hành vi xâm hại hệ thống thoát nước này không chỉ có các nhà thầu thi công trong nước mà còn có cả những công ty nước ngoài.
Hiện tượng các công trình đào đường phá hỏng hệ thống thoát nước không phải chuyện quá mới mẻ, vì đã xảy ra vài năm nay. TTCN đã liên tục cảnh báo, yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị thi công chấn chỉnh, khắc phục, tuy nhiên những cảnh báo này không được các bên liên quan quan tâm .
Mùa mưa đã bắt đầu. Nếu các vị trí tiêu thoát nước bị xâm hại không được khắc phục, số điểm ngập nước cục bộ trên địa bàn TPHCM tăng thêm, khiến giao thông đô thị càng thêm hỗn độn.
TRUNG KHANH