Lại lo lũ chồng lũ

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, năm nay do nhiều nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, bão lũ xuất hiện muộn nên sẽ dồn dập và rất khốc liệt. Sau bão sẽ có các đợt mưa lớn, gây sạt lở trên diện rộng và lũ quét. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.* PV:
Lại lo lũ chồng lũ

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, năm nay do nhiều nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, bão lũ xuất hiện muộn nên sẽ dồn dập và rất khốc liệt. Sau bão sẽ có các đợt mưa lớn, gây sạt lở trên diện rộng và lũ quét. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

* PV:
Hiện nay ở nhiều nơi thuộc Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên đã có mưa, một vài nơi cũng đã xuất hiện lũ nhỏ. Vậy các hồ thủy điện đã có nước để phát điện chưa, thưa bà?

* Bà NGUYỄN LAN CHÂU: Tình hình vẫn còn rất khó khăn. Gần như ngày nào Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng điện thoại hỏi chúng tôi lượng nước về đã đủ chưa, mực nước ở các hồ chứa thế nào… nhưng thực sự là lượng nước về các hồ thủy điện vẫn chưa bao nhiêu.

Các hồ ở miền Bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, mặc dù những ngày qua lũ đã về nhưng mực nước chỉ cao hơn mực nước chết khoảng 0,5-1m, phát điện một ngày là trở lại mực nước chết. Trên sông Đà, hiện nay lưu lượng nước về chỉ đạt 1.000m³/giây, không đáng kể. Thủy điện A Vương và các hồ thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên cũng vậy nên các nhà máy vẫn đang phải “dè dặt” về nguồn nước.

* Dự báo tới khi nào sẽ có lũ và lượng mưa có đủ cho các hồ thủy điện hồi phục?

* Theo nhận định của chúng tôi, có thể phải cuối tháng 6, đầu tháng 7-2010 mới có lũ lớn. Đặc thù của năm nay là bão lũ xuất hiện muộn.

“Lũ” thủy điện chồng lên lũ tự nhiên cuối năm 2009 đã nhấn chìm nhiều huyện của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

“Lũ” thủy điện chồng lên lũ tự nhiên cuối năm 2009 đã nhấn chìm nhiều huyện của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

* Trong một hội nghị mới đây, các chuyên gia khí tượng nhận định, do năm nay bão và lũ xuất hiện muộn nên sẽ có xu hướng dồn dập và dịch chuyển về miền Trung và miền Nam. Lúc đó, các hồ thủy điện dày đặc - đặc biệt là ở miền Trung, Tây Nguyên - lại phải đối mặt với nỗi lo lớn: xả lũ như thế nào để bảo đảm an toàn cho đập và không gây ngập lụt cho hạ du?

* Đây là chuyện khiến Bộ TN-MT đang rất lo lắng. Theo nhận định, năm nay có khoảng 5-7 cơn bão, không nhiều hơn năm 2009, nhưng cường độ lại dữ dội hơn, đặc biệt là mưa sau bão sẽ tăng, gây lũ lớn trên diện rộng.

Để không lặp lại tình trạng vận hành các hồ chứa nước gây bức xúc trong nhân dân như năm trước cần ban hành các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện để các nhà máy thủy điện có căn cứ áp dụng.

Đối với cụm liên hồ chứa miền Bắc gồm hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, cả hồ thủy điện Sơn La, việc xây dựng quy trình vận hành và điều tiết lũ được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng.

Hiện tại, quy trình đã xong, đã trình Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đang nóng lòng chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm áp dụng, vì theo thông lệ ở miền Bắc thường từ ngày 15-6 trở đi là có lũ sớm.

Còn đối với hệ thống liên hồ chứa ở miền Trung và Tây Nguyên, được áp dụng cho cả hệ thống các sông Thu Bồn, Vu Gia, sông Ba, Sê-rê-pok và Sê-san, trên mỗi lưu vực sông lại có cả chuỗi hồ chứa thủy điện, thủy lợi… thì việc xây dựng quy trình xả lũ được giao cho Bộ TN-MT, mà cụ thể là do chúng tôi đảm nhận. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên quy trình vẫn đang trong trong quá trình xây dựng, trong khi theo quy định đầu tháng 7 phải có.

* Theo bà, sau khi đã có quy trình vận hành các liên hồ chứa, tình hình xả lũ ở miền Trung có thể cải thiện và không lặp lại các nguy cơ như năm 2009?

* Khi đã có quy trình và các nhà máy thủy điện cũng như chính quyền địa phương đều thực hiện nghiêm các quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa, việc xả lũ, tích trữ nước để phát điện một cách nhịp nhàng, hợp lý, chắc chắn sẽ không gây ra những hệ lụy cho vùng hạ du, thậm chí còn giúp cắt lũ cho vùng này.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai: Chậm nhất tháng 7-2010 phải có quy trình

Có một thực tế là ở địa phương nào xây dựng nhiều nhà máy thủy điện thì ở địa phương đó, người dân vùng hạ du đang phải gánh chịu các hậu quả lũ lụt trong mùa mưa bão và hạn hán trong mùa khô. Trong khi theo quy trình vận hành hiện nay, các nhà máy thủy điện chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn đập và phát điện, chứ không có nhiệm vụ chống lũ và cung cấp nước cho vùng hạ du. Do đó, phải sớm hoàn thành ngay các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm các mục tiêu về an toàn hồ đập, phát điện, đảm bảo chống lũ và chống hạn để các nhà máy thủy điện áp dụng.

Chậm nhất là vào tháng 7-2010, Bộ TN-MT sẽ hoàn thành quy trình vận hành liên hồ chứa để trình Chính phủ phê duyệt.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục