Hãng Reuters đưa tin, cảnh sát Hy Lạp đã phải dùng hơi cay để đẩy lùi hàng trăm người di cư hung hãn dùng gạch đá tấn công cảnh sát nhằm tìm cách vượt qua biên giới từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Ankara nới lỏng kiểm soát người di cư.
Đụng độ
Ngày 1-3 là ngày thứ 2 các vụ xô xát giữa cảnh sát chống bạo động của Hy Lạp và người di cư bất hợp pháp diễn ra ở khu vực gần thị trấn Kastanies, Đông Bắc Hy Lạp, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nguồn tin cảnh sát Hy Lạp, ít nhất 600 người đã đến các đảo Lesbos, Chios và Samos của Hy Lạp bằng đường biển chỉ trong vài giờ vào sáng 1-3. Còn dọc biên giới trên bộ phía Đông Bắc, nhiều người di cư đã vượt qua đoạn nước cạn của sông Evro để tiến vào Hy Lạp. Một số nguồn tin từ Chính phủ Hy Lạp cho biết, khoảng 3.000 người di cư đã tập trung ở phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-3. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho hay con số này là 13.000. Các vụ đụng độ đã diễn ra sau đó khi cảnh sát chống bạo động được điều động để đảm bảo an ninh.
Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết, tình hình hiện nay cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia. Theo Reuters, cuộc khủng hoảng này đặt ra thách thức lớn nhất cho Hy Lạp kể từ năm 2015, thời điểm Hy Lạp “ngấp nghé” cánh cửa rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
“Lá bài” người di cư
Theo ông Stelios Petsas, diễn biến mới nhất này xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng người di cư để gây áp lực ngoại giao lên Liên minh châu Âu (EU). Hôm 27-2 vừa qua, Ankara tuyên bố sẽ cho phép người di cư vượt biên sang châu Âu bất chấp thỏa thuận năm 2016 với EU về việc cam kết giữ người di cư trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters, tuyên bố được đưa ra sau vụ không kích tại Syria làm 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng dường như nhằm gây sức ép lên EU để nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của khối này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư từ vùng chiến sự Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lấy lý do nước này không còn đủ sức đối phó với làn sóng người di cư tràn sang từ Syria.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng “lá bài” người di cư để mặc cả với EU song lần này tình hình đang trở nên khẩn cấp hơn. EU đang trong giai đoạn khá nhạy cảm khi liên minh 27 nước vừa chính thức chia tay Anh sau hơn 40 năm gắn bó, vì vậy nhiệm vụ chấn hưng nội bộ để khẳng định sức mạnh của EU trở thành ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là bài toán hàn gắn sự chia rẽ, cân bằng lợi ích trong các vấn đề cốt lõi, chưa kể những vấn đề kinh tế và ngân sách ngày càng trở nên thách thức. Ngoài ra, dịch Covid-19 lan rộng chưa thể kiểm soát tại lục địa già khiến vấn đề người di cư từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang càng khiến EU đau đầu.
Lâu nay, EU hầu như không có vai trò đáng kể trong vấn đề Syria, kể cả trong các cuộc đối đầu quân sự lẫn trong tiến trình đàm phán hòa bình. Những rủi ro thực sự trước làn sóng di cư lớn và sự dịch chuyển của các chiến binh thánh chiến sang châu Âu có thể buộc EU phải từ bỏ vai trò “khán giả” trong cuộc đối đầu lợi ích tại Syria.