Ngoài khả năng trả nợ
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 cho kéo dài thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 7-9-2021, được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sau gần 3 tuần kể từ khi Thông tư 14/2021 có hiệu lực, nhiều khách hàng cho biết việc hỗ trợ này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Chị Ngọc T. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), chủ một DN tư nhân kinh doanh ngành nghề ăn uống, đang có dư nợ tại ngân hàng V. hơn 10 tỷ đồng. Chị được ngân hàng cho biết sẽ giảm lãi suất 1%/năm hoặc được hoãn trả tiền lãi 6 tháng, và số lãi này được chia đều ra trả trong vòng 1 năm sau đó. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7-2021, do thực hiện Chỉ thị 16 nên 3 nhà hàng ăn uống tại TPHCM của chị đều đóng cửa, DN rơi vào trạng thái không có doanh thu nên việc giảm lãi suất 1%/năm vẫn ngoài khả năng trả nợ của chị.
Anh Dũng N. (ngụ quận 4), chủ DN kinh doanh dầu nhớt, cho biết DN đang có dư nợ 10 tỷ đồng tại 2 ngân hàng H. và B. Ngân hàng H. thông tin sẽ giảm lãi suất 1%/năm, nhưng phải ký quỹ 120 triệu đồng mới được giảm. Trong khi đó, ngân hàng B. chỉ giảm lãi suất từ 7,2%/năm xuống còn 6,8%/năm. “Mức giảm 0,4%/năm không bõ bèn gì so với việc mất nguồn thu. Mức lãi suất trên vẫn ngoài khả năng chịu đựng của DN”, anh N. bày tỏ. Anh N. cũng cho rằng, ngoài giảm lãi suất, ngân hàng cần có chính sách xem xét tăng hạn mức tín dụng để DN có thêm vốn trang trải chi phí và kinh doanh.
Chậm hỗ trợ
Không chỉ DN, các khách hàng cá nhân cũng đang chịu áp lực trả tiền vay rất lớn. Trong đó, không ít trường hợp vay mua nhà vẫn bị tăng lãi suất vì hết thời hạn được vay ưu đãi. Chị Hương K. (ngụ quận 11) kể, sau khi hết hạn vay lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên ở mức 7,6%/năm tại ngân hàng S., cuối tháng 8-2021, ngân hàng thông báo tăng lãi suất vay lên 10,5%/năm. “Tôi có gọi lên ngân hàng xin giảm hoặc hoãn trả lãi suất để giảm áp lực trả nợ vay, gửi kèm theo bảng lương nhận qua tài khoản 3 tháng gần nhất để chứng minh thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng vẫn chưa thấy phản hồi”, chị K. cho biết. Tương tự, anh Đức D. (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ, anh đang có khoản vay 400 triệu đồng tại ngân hàng V. để mua ô tô chạy taxi công nghệ vào cuối năm 2019, hiện anh phải trả khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng khi anh D. đề nghị ngân hàng giảm, giãn trả nợ vì đã phải ngưng hoạt động 3 tháng nay do dịch Covid-19 thì không được chấp thuận vì ngân hàng cho rằng đây là khoản vay tiêu dùng.
Thông tư 14/2021 quy định khách hàng vùng phong tỏa được cơ cấu nợ cho cả dư nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021, và nợ quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh chưa được các ngân hàng thông báo thực hiện việc cơ cấu này. Chị Hồng K. (ngụ quận Bình Tân) thông tin, trong 4 tuần qua, khu vực nhà chị bị phong tỏa do có F0, chị không thể đến ngân hàng trả tiền vay mua nhà nên phát sinh nợ quá hạn. Chị gọi cán bộ tín dụng để được cơ cấu nợ hoặc giảm lãi suất theo quy định thì ngân hàng cho biết đang xem xét.
Trong khi nhiều NHTM vẫn chưa xem xét cơ cấu nợ thì một số công ty tài chính như Fe Credit cho biết sẽ hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng từ tháng 9-2021, và gia hạn thời hạn vay 4 tháng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, để được giảm lãi và cơ cấu nợ, khách hàng phải chứng minh mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng do bị dịch Covid-19 ảnh hưởng. Đồng thời, phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng sẽ đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ gốc, lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại hay không… Thủ tục không đơn giản nên không phải trường hợp nào cũng được giảm, giãn nợ từ các công ty tài chính.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, người dân, DN vay ngân hàng thuộc diện được giảm, giãn, hoãn lãi suất theo quy định của Thông tư 14/2021 có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Trường hợp bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến NHNN để phản ảnh. Tuy nhiên, theo không ít DN, việc gửi đơn phản ánh sẽ gây khó khăn cho mối quan hệ tín dụng của DN và NHTM nên đa số không làm. |