
Sáng 5-10, tiền sảnh Cung văn hoá Hữu nghị (Hà Nội) tràn ngập cờ hoa và thảm đỏ. Những cô gái sinh viên Đại học ngoại thương duyên dáng trong tà áo dài dân tộc đón chào từng đại biểu tham dự đại hội một cách trọng thị nhất.
Đúng 7 giờ 30, đoàn xe chở các đại biểu được hộ tống bởi xe cảnh sát tiến vào Cung Hữu nghị Việt - Xô. Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn Gia Lai... với những sắc màu trang phục dân tộc khác nhau đã nói lên qui mô tổ chức đại hội thi đua yêu nước lần này.

Quang cảnh sinh động buổi giao lưu sáng nay. Ảnh: VTV
Từng tốp đại biểu tranh thủ trước giờ khai mạc chụp ảnh giao lưu kỷ niệm với nhau. Đoàn Hà Tây còn "hoành tráng" hơn khi in hẳn một tập "Hoa thơm quê lụa" - tổng kết phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Hà Tây trong năm năm qua làm quà tặng cho các đoàn bạn. Hàng trăm cuốn sách đã được phát hết trong vòng năm phút, ai cũng cùng chung một niềm vui đã đóng góp sức mình cho sự đổi mới và đi lên của đất nước.
Trao đổi với phóng viên VTV web trước giờ khai mạc, Anh Nguyễn Văn Bình, thường vụ đảng uỷ Tổng công ty Sông Đà, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công đoàn đã bồi hồi nhớ lại lần tham gia đại hội chiến sĩ thi đua yêu nước cách đây 20 năm.
Khi đó chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bình - đội trưởng đội sản xuất đã được phong anh hùng lao động khi mới 30 tuổi: "So với cách đây 20 năm thì lần Đại hội thi đua yêu nước đã được tổ chức với qui mô lớn hơn rất nhiều. Số lượng hơn một nghìn đại biểu chứng tỏ phong trào thi đua yêu nước đã lớn mạnh trong cả nước đến thế nào. Tổng công ty Sông đà rất tự hào vì lần này đi dự đại hội, cả 5 đại biểu đều là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới".
Sự xuất hiện của Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm tiền sảnh Cung văn hoá trở nên nhộn nhịp hơn. Chủ tịch nước đã chụp ảnh lưu niệm và hỏi chuyện các đại biểu trước giờ giao lưu.
1270 đại biểu, mỗi người là một câu chuyện đầy mô hôi và nước mắt người nhưng không thiếu niềm vui cần đợc chia sẻ. Tất cả đã sẵn sàng cho một buổi giao lưu hứa hẹn nhiều bất ngờ với những câu chuyện hấp dẫn.
Nhân vật đầu tiên xuất hiện trong chương trình giao lưu là Giám đốc công ty TNHH Sông Tiền - Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Ánh. Tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam quả cảm trong chiến đấu, bà tham gia kháng chiến từ nhỏ. Trong thời bình bà về làm Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Tiền Giang. Xin về hưu sớm 3 năm so với quy định, bà quyết tâm tự tách ra làm ăn độc lập để chứng tỏ rằng, với một người không được học hành đến nơi đến chốn bà vẫn có thể làm nên sự nghiệp...
Câu chuyện bà Ánh đem đến cho khán giả truyền hình là câu chuyện của sự đổi đời của bà và của chính những con nghêu của mảnh đất Tiền Giang.
Từ 5 cây vàng góp vốn ban đầu, đến nay bà đã có hàng chục tỷ đồng trong tay. Những sản phẩm bà giám đốc giới thiệu với khán giả truyền hình cũng là những sản phẩm đã và đang có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Màn múa Những cô gái Việt nam được biểu diễn bởi Đoàn ca múa nhạc nhẹ Việt Nam đã kết thúc chương trình giao lưu với anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ánh.
Câu chuyện thứ hai trong chương trình giao lưu, đó là câu chuyện của ông Giám đốc Trần Quang Vũ và những cộng sự tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng).
Từ nhà máy đóng tàu Nam Triệu, có một sản phẩm Made in Việt Nam được bạn bè quốc tế tin tưởng đón nhận. Từ một nhà máy xập xệ, chỉ có thể đóng được xà lan và mang trên vai mình gánh nặng của món nợ hơn 30 tỷ đồng. Những người nông dân từng bị "xốc" khi nhìn thấy cần cẩu to như cả một tòa nhà, thế mà hiện nay đã trở thành những người công nhân lành nghề, tạo ra những sản phẩm ngang hàng so với các nước có nền công nghiệp phát triển.
Đến nay, cũng chính từ nhà máy đó đã có những con tàu trọng tải lớn được sản xuất bởi những công nhân Việt Nam, bởi những vật liệu do chính người Việt Nam sản xuất ra với giá rẻ hơn nhiều so với những con tàu cùng trọng tải, cùng chất lượng trên thế giới.
"Cay" vì lúc đặt mua que hàn, đối tác bắt phải mua nguyên cả container, và thời gian chờ đợi ít nhất cũng phải 2 tháng. Vay tiền của gia đình vợ, liều mình đầu tư nghiên cứu vào một lĩnh vực mới. Từ sự "dám nghĩ, dám làm đó" kỹ sư, giám đốc Trần Quang Vũ và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu hàn chất lượng cao dùng cho đóng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Công trình "Hoàn thiện công nghệ sản xuất vật liệu hàn chất lượng cao dùng cho đóng tàu" do kỹ sư Trần Quang Vũ làm chủ đề tài đã được trao giải nhất trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới của Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC.
Gần 9 giờ, nhà báo Tạ Bích Loan làm không khí hội trường trở lên sôi động bằng những câu hỏi. Những thông tin thú vị về các đại biểu tham gia trong chương trình dần được "bật mí": Đại biểu cao tuổi nhất tham dự đại hội lần này là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mè, 85 tuổi đến từ TP.HCM. Nhỏ tuổi nhất cũng lại là một đại biểu đến từ TP.HCM, em Nguyễn Nhật Hoàng, 14 tuổi hiện đang là học sinh của trường PTTH Trần Đại Nghĩa. Đến từ đảo Trường Sa, anh hùng Nguyễn Viết Xuân chính là đại biểu đến từ nơi xa nhất.
Sau ca khúc Hoa Nắng do ca sĩ Mỹ Dung thể hiện, không khí của Đại hội lại càng sôi nổi. Chương trình lại tiếp tục với phần giao lưu với nhân vật thứ 3 tham gia, đó chính là nữ chủ tịch xã Hbliak – Nie đến từ xã Ea tiêu, huyện Krông Ana ĐakLak.
8 năm trước, người dân xã Ea Tiêu còn triền miên trong đói nghèo với những hủ tục lạc hậu. 8 năm trước phần lớn những người dân ở đây còn mù chữ. Cũng 8 năm trước, bệnh tật từ sự mất vệ sinh, từ nguồn nước bẩn đeo đẳng người dân địa phương này. Nhận trọng trách của một chủ tịch xã chị Hbliak – Nie quyết tâm tuyên chiến với cái nghèo nơi đây.
Câu chuyện chị mang đến chương trình khiến những người trong hội trường Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị ồ lên. Sau khi thuyết mục được chị em, chị thuê máy cày đưa chị em đi triệt sản, nhưng lại nói dối gia đình là đi mổ ruột thừa. Sự việc "bị lộ", chị bị mọi người chửi rủa, oán trách.
Dần dần, nhận ra việc sinh đẻ có kế hoạch tạo điều kiện cho gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, họ đã hiểu chị. Từ oán giận họ chuyển sang khâm phục và yêu mến nữ chủ tịch xã của mình.
Với quyết tâm xoá đói giảm nghèo cho bà con dân tộc, miệng nói, tay làm và vận động mọi người cùng làm với mình, đến nay xã Ea tiêu chỉ còn 10% số hộ nghèo. Chị Ea Tiêu cũng tiết lộ với mọi người, sẽ không lâu nữa những hộ nghèo này sẽ có đất sản xuất và cái nghèo sẽ rời xa mảnh đất Ea tiêu này.
Điệu múa xoang và dàn cồng chiêng của Êđê đem đến không khí của núi rừng Tây Nguyên đã kết thúc chương trình giao lưu với nữ anh hùng lao động đại biểu Hbliak – Nie. Chính chị cũng là người góp phần gìn giữ những chiếc chiêng, sản phẩm vô giá của núi rừng Tây Nguyên này.

Phóng viên VTV web đang trao đổi với chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Bình.
Trước khi xuống sân khấu, chị Hbliak – Nie, từ kinh nghiệm và sự phấn đấu của bản thân mình đã gửi gắm mong muốn của mọi người dân: hãy gần dân hơn. Câu chuyện của chị khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về nhiều cán bộ xã phường ở nhiều nơi còn chưa gương mẫu, làm mất lòng tin của nhân dân. Và theo chị, chỉ có cái tâm mới có thể làm tốt công việc của mình.
Không khí trong hội trường lắng xuống, các đại biểu không khỏi xúc động trước ca khúc: Em là bông hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nếu không được giới thiệu thì không ai có thể ngờ các diễn viên nhí đến từ một nhà trẻ đặc biệt, nhà trẻ của những trẻ em bị nhiễm HVV. Người đã đem lại cho các em nụ cười, kiến thức cũng là nhân vật thứ 4 xuất hiện trong chương trình giao lưu là chị Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động số 2, Sở lao động thương binh xã hội Hà Nội.
Nơi ấy tiếp nhận Nơi ấy tiếp nhận những thành phần được coi là "bất hảo" của xã hội như những con nghiện ma tuý, những cô gái giang hồ nghiện ma tuý, nhiễm HIV.. và cả những thân phận bé bỏng bất hạnh: trẻ mồ côi nhiễm HIV. Nơi ấy là Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số II đóng trên địa bàn xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Tây.
Các em thiếu nhi ở Trung tâm này có hoàn cảnh khác nhau, có cháu có tên và có cháu chưa được đặt tên. Có cháu được vào trung tâm từ khi mới lọt lòng và có cháu đã trưởng thành hơn, biết gọi tên cha, tên mẹ. Những người cha, người mẹ có tên nhưng các cháu không bao giờ thấy lại nữa. Và các cán bộ tại trung tâm cũng không bao giờ biết bố mẹ thực sự của các cháu là ai. Có cháu vào Trung tâm một thời gian, xét nghiệm lại cho kết quả âm tính, các cháu được chuyển đi nơi khác như cháu Ngô (tên do chị Phương đặt). Và có cháu không may mắn, sớm phải rời xa cuộc đời khi còn thơ bé.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động số II-Hà Nội từng là nhân vật trong tác phẩm đạt giải ba Triển lãm ảnh báo chí "Việt Nam trên đường đổi mới" của tác giả Phùng Triệu. Bà giám đốc nhân hậu và tâm huyết với công việc "hồi sinh những con người lầm lỡ và nâng niu những sinh linh bé nhỏ tội nghiệp này tâm sự: "Chúng tôi luôn tự nhủ sự nỗ lực của mình đã giúp cho hàng ngàn lượt người lầm lỡ được trở về với cuộc sống đời thường, góp phần làm đẹp cho đời, làm đẹp cho xã hội".
Những kết quả chị Phương và Trung tâm lao động xã hội số 2 đã làm được không hề nhỏ nhưng những trăn trở của chị vẫn rất nhiều. Nhìn những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, sản phẩm của chính cha mẹ chúng chị không khỏi đau lòng.
Nhiều phụ nữ đã được hoàn lương nhờ tấm lòng nhân ái của chị, đó là một phần thưởng lớn nhất với chị. Và trong ngày vui hôm nay, chị cũng được đón nhận một món quà khác nữa: đó là bó hoa tươi thắm của chồng chị, Trung tá Phùng Công Khởi, Lữ đoàn 614 Bộ tư lệnh thông tin. Anh là người luôn hiểu và ủng hộ công việc mà chị đang làm.
Ca sĩ Khánh Linh xuất hiện trong chương trình với ca khúc "Mẹ mong của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. "Mẹ mong muốn rồi có một ngày, lời con hát rạng rỡ lòng người..." đã kết thúc những phút giao lưu đầy xúc động với chị Nguyễn Thị Phương
Tranh luận, thuyết phục là không khí thường trực trong gia đình Thượng tá Phạm Minh Thư, Chỉ huy trưởng sân bay Pleiku - Sư đoàn không quân 372 - Quân chủng Phòng không - không quân khi vợ anh biết về công việc nguy hiểm mà chồng mình đang làm. Tuy nhiên, đến khi vợ biết thì anh cũng đã rà phá được 17.549 quả bom mìn, vật liệu cháy nổ. Công việc này nằm ngoài chuyên môn của một người làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay. Đến nay, 17.622 lần đối mặt với tử thần. 17.622 lần chiến thắng.
Những thành tích Trung tá Phạm Minh Thư đạt được trong 14 năm qua xuất phát từ những cái chết thương tâm của đồng đội và nhân dân khu vực sân bay Pleiku: Có những chiến sĩ còn trẻ tuổi đạp phải bom mìn chết mà không hiểu sao mình chết. Từ đó, anh tự nhủ phải làm sao để dỡ bỏ hết bom mìn trên mảnh đất từng được coi là điểm đen về mật độ bom mìn do chiến tranh để lại. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, nhiều lần anh suýt phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Có một kỷ niệm mà có lẽ anh không thể nào quên: Tháng 2-2004, khi phát hiện quả bom cam BLU/66B, anh quan sát thấy kim hỏa vẫn nhô cao 2mm, báo hiệu bom trong trạng thái an toàn. Sau một hồi đào bới, vừa cầm quả bom trên tay, anh chợt phát hiện kim hỏa của nó đã tụt xuống vị trí không an toàn. Bằng kinh nghiệm sống của mình, anh vừa kịp hất vội quả bom cam xuống hố bom ngay sát đó và nằm xuống thì quả bom phát nổ. Rất may là nó nổ trong hố bom nên anh chỉ bị ù tai mất mấy ngày.
Có lần vừa lăn đầu đạn vào đống lửa để huỷ tại chỗ, thấy hơi khát nước nên đi tìm nước uống. Vừa đi được 15 - 20 m thì nó nổ. Lần nữa khi dỡ quả mìn râu tôm, thấy vướng ở dưới nên đã kéo mạnh, đứt dây. Thấy lạ anh đào theo xuống dưới nữa thì gặp một quả lựu đạn mỏ vịt do đất đá lâu ngày chèn lấp nên không bị kéo lên theo. Hỏi lại mới biết đây là hình thức gài bẫy để chống đặc công ta tháo gỡ trong những năm tháng chiến tranh. Toát mồ hôi và hú vía. Qua 14 năm công tác, anh nghiệm ra một điều: với công việc này thì: "May hơn khôn".
Màu xanh của cây cối, màu đất đỏ bazan màu mỡ đax trửo lại với mảnh đất Tây Nguyên. Điều đó có công sức đóng góp và là kết quả của tinh thần dũng cảm, của Trung tá Phạm Minh Thư...
(Theo VTV)