
Muốn làm đẹp nhưng do không có nhiều tiền, nhiều bạn trẻ đã sử dụng tùy tiện các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Hậu quả là không chỉ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, các cô còn tốn rất nhiều tiền và thời gian để chữa trị di chứng.
- Từ tự mua, tự pha...

Cuối tuần, theo chân chị Nguyễn Thị T., công nhân Công ty TNHH Sonych (chuyên sản xuất giày dép), tôi đi mua mỹ phẩm dưỡng da tại tiệm bách hóa gần chợ Bà Hom, quận Bình Tân-TPHCM. Bà chủ trẻ đon đả đưa cho tôi gần chục hộp kem với đủ các nhãn hiệu từ “Cô gái tóc xù”, Thanh Thảo, Thanh Hiền của Việt Nam đến các nhãn hiệu ưa chuộng của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc như PopRenow-D, Rojxy Jiali Korean Extra Perrl Cream, Deetae, Emoon… và vài viên dầu cá giá tổng cộng chỉ gần… 40.000 đồng. Cách sử dụng đơn giản đến bất ngờ: Mỗi loại kem cho một ít vào hộp rỗng rồi cho dầu cá và thuốc Fluocinonide Ointment vào, trộn đều, sử dụng ngày 2 lần với lời quả quyết: “Chị đã bán các loại mỹ phẩm này cho công nhân ở đây 3 năm nay rồi. Bảo đảm nếu da không trắng và hồng nhanh thì chị dẹp tiệm luôn”.
Có cầu mới có cung, đi một vòng các chợ từ có tên đến “chồm hổm” quanh các khu nhà trọ của công nhân đều dễ dàng tìm mua các loại mỹ phẩm “vừa rẻ, vừa có tác dụng làm đẹp cấp tốc” kể trên. Chị T. khẳng định, hầu hết công nhân trong công ty chị (và ở những nơi khác) đều sử dụng những loại mỹ phẩm này, cứ người này xài “thấy được” thì hướng dẫn người khác cùng xài dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Còn trong phân xưởng giày Adidas, Công ty P. không ai không biết chuyện “làm đẹp” của công nhân Ngọc Nh., quê Thanh Hóa. Thấy các chị trong xưởng và chỗ trọ nhờ sử dụng các loại mỹ phẩm tự pha trộn, Nhung cũng thử. Kết quả, sau gần một năm sử dụng, da mặt Nh. bắt đầu khô, nứt và bưng các hạt mụn mủ. Sau thời gian thử đổi các loại mỹ phẩm khác nhau (đa số là hàng trôi nổi, không tem, bày bán tại các chợ quanh khu công nghiệp), gương mặt Nh. chẳng những không bớt mà còn có dấu hiệu nhiễm trùng nặng hơn. Cuối năm 2004, Nh. bấm bụng đến Bệnh viện Da liễu TP điều trị gần 2 tháng, tốn gần cả triệu đồng. Dù đã bớt sưng mủ nhưng da mặt bị tổn thương nghiêm trọng và thâm đen khiến Nhung rất mặc cảm.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Aùnh, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP, chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Da liễu TP cảnh báo, những loại kem trôi nổi hầu hết không bảo đảm về chất lượng, nếu sử dụng lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Thành phần corticoid có trong sản phẩm được bán kèm kem thoa là một loại thuốc kháng viêm nên phải sử dụng đúng liều lượng và có sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu sử dụng như sản phẩm dưỡng da sẽ rất nguy hiểm vì thuốc sẽ tẩy mỏng da rất nhanh. Hậu quả là da trở nên khô, nám, dễ nhiễm trùng và mưng mủ.
- ... Đến mượn
“Muốn làm đẹp phải tốn nhiều tiền, thôi thì cứ đơn giản như từ trước đến nay vẫn hay hơn”, cô công nhân Nguyễn Thị H., công nhân Công ty TNHH Paiho Việt Nam (chuyên về các loại dây giày), Khu chế xuất Tân Tạo - thật thà tâm sự. Từ trước đến nay, mỗi lần cần trang điểm, H. lại mượn của bạn bè người thỏi son, người hộp phấn. Bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt, H. ngượng ngùng phân trần: “Em mới vô làm được 3 tháng. Tiền lương tính luôn tăng ca chỉ gần 700.000 đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền sinh hoạt mỗi tháng, đâu còn bao nhiêu. Vả lại cũng không mấy khi đi đâu nên không mua sắm mỹ phẩm cho tốn kém, có gì mượn đỡ của mấy chị cùng phòng cũng được”.
C. - một trong những cô gái xinh nhất khu nhà trọ làm chung công ty với H. cũng cho rằng, thay vì mỗi người cùng tốn tiền cho các loại mỹ phẩm thì trong phòng “chia” nhau người sắm hộp phấn, người mua bút kẻ lông mày... rồi xài chung. Trên mặt bàn nhỏ ở góc phòng trọ, lỏng chỏng các dụng cụ làm đẹp, cái nào cũng bết bụi và mồ hôi.
Thiết nghĩ, làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu của các bạn gái. Dù tằn tiện đến đâu, mỗi bạn cũng nên tự sắm vài loại mỹ phẩm đơn giản và thiết yếu như son môi, phấn nền, bút kẻ lông mày. Có thể gom góp mỗi tháng mua một món, tùy theo túi tiền, nhưng phải có xuất xứ tin cậy. Dùng hàng trôi nổi hoặc xài mỹ phẩm chung không thể đảm bảo vệ sinh, hậu quả khôn lường.
LINH TÂM