Tại hội thảo, nhiều tham luận đại diện cho các địa phương đã chỉ ra những khó khăn và giải pháp để các chuỗi liên kết vùng, địa phương được củng cố thêm.
Trong đó, đáng chú ý là phân tích của đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, với thông tin dự báo thị trường nông sản Việt Nam; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng có phân tích về hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TPHCM; Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra phân tích về thực trạng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn…
Riêng tại Lâm Đồng, đến nay toàn tỉnh có 145 chuỗi liên kết với sự tham gia của 90 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 15.800 hộ nông dân.
Tổng sản lượng tham gia liên kết gần 500.000 tấn, trong đó gồm: rau (gần 243.500 tấn), cà phê (gần 60.000 tấn), cây ăn quả (hơn 37.000 tấn), hoa (68 triệu cành)… Phần lớn nông sản liên kết được sơ chế, chế biến trước khi đưa ra thị trường, nên giá bán tăng cao hơn 15% - 20% so với trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi liên kết còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng.
Cụ thể như mới đạt 8,2% (cây rau), gần 2% (cây hoa), gần 11,6% (cây cà phê), hơn 18% (cây chè). Một số chuỗi liên kết còn thiếu tính bền vững, hạn chế khả năng mở rộng thị trường.