Hai khái niệm bảo vệ bản sắc văn hóa và xuất khẩu văn hóa gần như tồn tại song song trong nền văn hóa toàn cầu. Châu Á cũng như nhiều nước khác (trong đó có cả châu Âu) đang nhìn vấn đề này với sự quan tâm đặc biệt. “Làm gì để bảo vệ văn hóa?” là câu hỏi không chỉ dành cho giới chủ quản văn hóa mà còn được xem trọng từ những nhà hoạch định chính sách.
Văn hóa không tĩnh. Nó phát triển theo phong tục và thói quen. Theo từ điển Webster (Third New International Dictionary), văn hóa là “toàn bộ mô hình thể hiện hành vi con người và sản phẩm văn hóa thể hiện ở ngôn ngữ, hành động và vật dụng, tùy thuộc vào khả năng con người trong học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối”.
Theo định nghĩa này, “khả năng học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối” là một phần quan trọng trong chiều dài phát triển văn hóa. Trong khi đó, thế giới đang sống trong bối cảnh toàn cầu và liên thông văn hóa (tạm dịch từ thuật từ “transculturation” do nhà văn hóa học lừng danh người Cuba Fernando Ortiz đặt vào năm 1947 để miêu tả hiện tượng hội nhập văn hóa). Trong phạm vi “transculturation”, có sự tồn tại của đa văn hóa (multiculturalism), sự kết hôn giữa các màu da (interracial marriage) và cả sự hội tụ dân tộc học (ethnoconvergence).
Một cách đơn giản, toàn cầu hóa đã tạo ra khái niệm “transculturation” và yếu tố ngôn ngữ – như trong định nghĩa Webster – phần nào đó đã giúp khái niệm trên trở thành phổ quát, trong trường hợp này là tiếng Anh. Tuy nhiên, tồn tại song song xu hướng “transculturation” là sự thận trọng trong tiếp nhận cũng như nỗ lực duy trì bản thể văn hóa riêng. Điều này chẳng có gì lạ. Trong lịch sử văn minh con người, chủ nghĩa bành trướng đế quốc bằng công cụ văn hóa (cultural imperialism) từng hiện diện.
Sự biến mất của ngôn ngữ và văn hóa Etruscan do ảnh hưởng đế quốc La Mã là một ví dụ. Khó có thể kể hết những trường hợp tương tự trong suốt chiều dài lịch sử con người. Tổng quát, việc thống trị và đô hộ dân tộc khác không bằng quân sự mà bằng văn hóa là điều từng xảy ra và thật ra cũng đang xảy ra – đối với không ít người – khi nhắc đến sự phổ biến toàn cầu của văn hóa Mỹ.
Do đó, bất chấp trào lưu “transculturation” như thế nào, việc duy trì bản thể văn hóa (cultural identity) bất cứ lúc nào cũng là điều cần xem trọng, đặc biệt khi khoa học - kỹ thuật (cụ thể là Internet) đã đẩy nhanh tốc độ lan truyền luồng văn hóa mạnh hơn và đưa nó thâm nhập vào dòng văn hóa yếu hơn. Sẽ không thừa khi nhắc lại rằng có rất nhiều nước, từ Tây sang Đông, đã và tiếp tục áp dụng nhiều chính sách bảo vệ văn hóa bản địa.
Một trong những chiến thuật được đánh giá hiệu quả là chính sách hạn ngạch (quota) nhằm hạn chế lượng nhập khẩu sản phẩm điện ảnh - ca nhạc cũng như chương trình truyền hình Mỹ. Chính phủ Pháp yêu cầu các kênh truyền hình quốc gia dành ít nhất 60% thời lượng phát sóng chiếu chương trình châu Âu và 40% phải là chương trình Pháp. Tại Úc, ít nhất 55% lịch phát sóng từ 6g sáng đến nửa đêm dành cho chương trình Úc. Tại Canada, chính phủ yêu cầu duy trì 60% thời lượng phát sóng cho chương trình trong nước…
Tuy nhiên, để mổ xẻ vấn đề và từ đó thiết lập chính sách bảo vệ văn hóa, đầu tiên cần xét đến hai yếu tố cơ bản: 1/ Liệu người ta đã nhìn thấy những thành tố ngoại lai thâm nhập vào văn hóa mình ở mức độ cụ thể như thế nào và ảnh hưởng trực tiếp của nó đến nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc ra sao (hay chỉ là sự phỏng đoán lờ mờ không được xây dựng từ cơ sở nghiên cứu khoa học với thống kê mang tính chứng cứ một cách rõ ràng)?; 2/ “Định lượng” lại thực lực văn hóa bản địa. Nếu chỉ kêu gọi bảo vệ văn hóa bản địa mà không cho thấy sức mạnh và khả năng như thế nào trong việc vừa hội nhập, vừa tinh lọc văn hóa nước ngoài đồng thời củng cố bản sắc văn hóa riêng thì kết quả… sẽ như là trường hợp của Pháp, nơi gần như có thể được xem là thất bại trong chính sách bảo vệ văn hóa nước nhà (bằng giải pháp xây hàng rào bằng quota).
Bảo Quỳnh