Làm gì để chống biến đổi khí hậu?

Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin, tuần qua, TPHCM đã được kết nạp vào tổ chức C40 - tổ chức của các thành phố lớn trên thế giới tham gia chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay sau sự kiện này, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai hàng loạt giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Để bạn đọc hiểu thêm về nguy cơ của biến đổi khí hậu và các giải pháp có thể áp dụng để hạn chế chúng, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên - Môi trường - một trong những nhà khoa học rất am hiểu lĩnh vực này.


Mọi hoạt động thái quá đều có thể làm biến đổi khí hậu

* Thưa tiến sĩ, có phải khi thải quá nhiều khí CO2 vào môi trường là chúng ta đã làm biến đổi khí hậu?

* Đúng nhưng chưa đầy đủ, khí CO2 thường bị người ta nêu danh đầu tiên khi nói về các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu vì CO2 chiếm đến 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu. Khí CO2 được sản sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng nhiên liệu xăng, dầu của các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, ngoài khí CO2 còn có nhiều loại khí độc hại khác nếu được thải quá nhiều ra môi trường sẽ làm cho trái đất nóng lên, khí hậu bị biến đổi. Đó là chất CH4 (Methane) thải ra trong quá trình chăn nuôi, ủ chất thải của động vật.

So với CO2 , CH4 có mức độ gây hại cho môi trường gấp 21 lần. N2O (Oxit nitơ) thải ra trong quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng phân vô cơ. N2O có mức độ độc hại với môi trường gấp 310 lần CO2. HFCs (Hydrophoro Cacbons), thải ra trong quá trình sản xuất chất bán dẫn, có mức độ độc hại cho môi trường gấp 140 - 11.700 lần so với CO2. PFCs (Pezpluoro Cacbons) thải ra trong quá trình làm sạch chất bán dẫn, chất làm lạnh và chất tạo bọt, có mức độ nguy hại cho môi trường gấp 6.500 - 9.200 lần so với CO2. SH6 (Sulpur Hexapluoride) thải ra trong quá trình sản xuất ô tô, có mức độ gây hại với môi trường gấp 23.900 lần so với CO2.

* Gần như hoạt động nào cũng có thể thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Như vậy, dưới góc độ một nhà khoa học, theo ông giải pháp nào cho vấn đề mang tính tổng hợp này?

* Để giải quyết một vấn đề tổng hợp thì phải có các giải pháp tổng hợp. UBND TPHCM đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành lập chương trình ứng phó với việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, để giảm khí CO2 thải ra từ các phương tiện giao thông thì Sở Giao thông Vận tải phải tính toán đến việc giảm phương tiện giao thông cá nhân, thay thế nhiên liệu xăng dầu bằng các nguồn nhiên liệu khác sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường. Để giảm khí CH4, N2O   thì ngành nông nghiệp cần có giải pháp chăn nuôi hiệu quả hơn, hạn chế sử dụng phân vô cơ. Để tiết kiệm điện năng, ngành xây dựng và kiến trúc phải đưa ra được các giải pháp thiết kế, xây dựng nhà, công sở xanh, tận dụng tối đa năng lượng gió, nắng thay vì phải sử dụng đèn và máy lạnh…

Và quan trọng hơn nữa là các ban ngành liên quan phải tính toán thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Các chương trình nghiên cứu và ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vốn rất dồi dào ở nước ta như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… cũng cần phải được triển khai mạnh mẽ. Từng cá nhân, từng tập thể, từng ban ngành, trong mọi hành động của mình phải có ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu thì chủ trương này mới thành công.

AN NHIÊN 

Tin cùng chuyên mục