Tôi kêu đồ ăn qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Thường người vận chuyển là các bạn nam trẻ, khỏe, nhưng lần này lại là một phụ nữ tuổi ngoài 50. Tôi hỏi chị công việc có nặng nhọc không thì chị chỉ cười: “Không. Còn dễ dàng hơn việc tôi làm trước đây là điều tra án mạng. Tôi là thiếu tá cảnh sát. Đã nghỉ hưu”.
Tôi tròn mắt nghe chị kể chị có 2 bằng đại học, bằng luật và bằng bác sĩ tại chức. Chị đã 20 năm trong ngành, trải qua điều tra đủ loại vụ án từ trộm cắp, cướp có vũ trang đến cả án giết người. Khi đã đủ năm công tác, chị không do dự xin nghỉ hưu trước thời hạn vì “công việc quá nặng nhọc với phụ nữ; tôi còn 2 con nhỏ phải nuôi dưỡng”. Chị giao đồ ăn cho tôi và phân trần: “Món chị đặt đã hết (tôi đặt món lươn xông khói với sốt teryaki của Nhật Bản). Nhà hàng thành thật xin lỗi và tặng chị món mochi tráng miệng. Không sao chứ?”.
Dĩ nhiên là không sao, thưa đồng chí thiếu tá. Tôi nhìn theo chị quày quả dắt chiếc xe máy đi ra với động tác dứt khoát, ánh mắt chị nhìn kiên nghị. Và có lẽ chị còn biết karate và bắn súng 2 tay như 1. Ai mà biết… Chị có thể tiếp tục làm việc, từ thiếu tá lên đại tá, rồi lên tướng. Nhưng đó là việc của đàn ông. Họ ngồi chết dí trong phòng lạnh, tích mỡ và tích bệnh, họ tuần tự đi theo đường ray định sẵn, chỉ cần lệch sang phải hay sang trái một chút là than khóc như cuộc đời đã chấm dứt. Còn phụ nữ như chị thì khác, sẵn sàng buông bỏ tất cả, vì con chạy ngược chạy xuôi khắp các quận huyện mà không một lời trách móc, than thân. Thôi thì chị quá xa lạ. Tôi chỉ dám nghĩ đến cặp vợ chồng hàng xóm với tôi. Anh tên Nhân, chị tên Ngân, đều có bằng cấp đầy mình. Nhân bỏ công việc ở một cơ quan nhà nước để mở một nhà sách tư nhân. Song vì không có “duyên”, nhà sách của anh nhanh chóng dẹp tiệm, phải bán đại hạ giá đến 80% giá thành đống sách tích cóp bằng tiền túi.
Nhân suy sụp trông thấy. Bệnh loét hoành tá tràng tái phát cùng nỗi khổ tâm mang tiếng là người đàn ông có học mà không nuôi nổi gia đình. Vợ anh, trái lại đầy quyết đoán. Chị xin vào làm thư ký cho một công ty nước ngoài vì có vốn tiếng Anh. Ai nói gì thì nói, chị vẫn bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu “bằng cấp như vậy mà phải làm công việc hèn mọn vậy” vì chồng vì con. Sau 3 năm, Ngân bỏ việc, mở một công ty nội thất và thành công, mua được xe hơi, thu xếp cho con học trường quốc tế. Ngân chỉ nói với chồng: “Anh lo việc nhà, còn kiếm tiền là chuyện của em”. Và Nhân gượng gạo đồng ý với vai trò mới: đi chợ, nấu ăn, chở con đi học. Nhưng đấy là câu chuyện kết thúc có hậu khi gia đình có “hậu phương” vững chắc, có sự đồng thuận của đôi bên.
Còn có chuyện tệ hơn, bắt đầu không phải từ số không tròn trĩnh. M., bạn gái tôi, không tiện nêu tên, lấy chồng từ hồi học đại học, chồng cùng lớp vì tình yêu thật sự. Gã chồng kiếm tiền cũng khá nhưng từ hồi M. sinh con bỗng bỏ bê gia đình chạy theo một chân dài. Kết cục là ly hôn, M. phải một thân một mình lo cho con giữa thành phố xa lạ. Cô xin làm chạy bàn ở một quán bia có tiếng là V.P. Nhà mướn ở quận 12 (TPHCM), tới chỗ làm tuốt quận 3 nên M. phải dậy sớm lo đưa con đi học, rồi hộc tốc chạy đến chỗ làm cho kịp ca. Cô không nản chí, vừa làm vừa học thêm nghề make-up, nôm na là trang điểm mặt, hay văn vẻ hơn là “họa sĩ tái tạo khuôn mặt”.
Ba năm ròng rã, M. vật vã sống trong tận cùng nỗi khổ. Và cô thành công, trụ vững không cần phải làm người tình một đêm của những khách hàng giàu có vẫn hay đến quán, không cần vận may từ trên trời rơi xuống. Hiện tại M. có một spa nhỏ, mướn mặt bằng ở gần trường đại học nơi từng nảy nở “mối tình trong mơ”. M. có uy tín, mát tay, khách thường xuyên khá đông và cô có đồng ra, đồng vô, gửi con đi học ở Anh… Một lần, một quý bà ghé spa, đòi hỏi gói dịch vụ cao cấp nhất. Liếc nhìn, M. nhận ra ngay chân dài chồng cũ theo đuổi trước đây. Cô lại gần và nói: Hôm nay tiệm làm miễn phí cho chị. Chồng chị chắc cần tiền hơn.
Cứ nghĩ mông lung và thấy đúng là phụ nữ thích nghi với cuộc sống nhanh hơn đàn ông. Khi tất cả bị phá hủy, họ dễ dàng xây dựng một cuộc sống mới từ đống đổ nát. Từ 0 và dưới 0. Không lời than vãn vì sự bất công…