Làm phân compost tại nhà: Lợi kép

Cách nay hơn một tháng, Báo SGGP đã đưa tin về đề án: làm phân compost tại nhà của một nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang như một trong những giải pháp hay, thú vị trong việc bảo vệ môi trường. Tin mừng là hiện nay đề án của các em đã được Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM quan tâm và thậm chí sở còn có ý định đưa chúng vào áp dụng trong thực tế ở một số xã ngoại thành.
Làm phân compost tại nhà: Lợi kép

Cách nay hơn một tháng, Báo SGGP đã đưa tin về đề án: làm phân compost tại nhà của một nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang như một trong những giải pháp hay, thú vị trong việc bảo vệ môi trường. Tin mừng là hiện nay đề án của các em đã được Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM quan tâm và thậm chí sở còn có ý định đưa chúng vào áp dụng trong thực tế ở một số xã ngoại thành.

Việc làm phân compost tại nhà sẽ giảm tình trạng nhiều kênh rạch đầy nghẹt rác như thế này. Ảnh: THANH TÂM

Việc làm phân compost tại nhà sẽ giảm tình trạng nhiều kênh rạch đầy nghẹt rác như thế này. Ảnh: THANH TÂM

Người dân lợi, Nhà nước cũng lợi

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, rác sinh hoạt được ủ thành phân compost, trước hết chính người dân không phải tốn tiền cho công tác thu gom rác. Người dân có thể sử dụng chính lượng phân này để chăm bón cho vườn cây của mình, bớt một khoản tiền đáng kể mua phân bón và đất trồng. Về phía Nhà nước cũng không phải tốn tiền vận chuyển và xử lý rác. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phải đem chôn lấp ít sẽ giảm diện tích chôn lấp, giảm tác động lên môi trường đất, nước, không khí xung quanh bãi chôn lấp, giảm được lượng khí CH4 (khí gây hiệu ứng nhà kính), H2S, NH3… phát tán vi sinh vật gây bệnh trong quá trình vận chuyển, chôn lấp, từ đó sẽ giảm ô nhiễm mùi và côn trùng gây bệnh như ruồi, nhặng…, cải thiện tình hình sức khỏe của người dân xung quanh. Giảm lượng nước rỉ rác đồng nghĩa với việc giảm tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm xung quanh bãi chôn lấp.

Đây chính là lý do lớn nhất mà Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM quan tâm đến đề án này của các sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Đặc biệt là khi TPHCM đang nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường, giảm phát thải, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì việc đưa đề án này về nông thôn là hoàn toàn phù hợp.

Hiện nay dân cư nông thôn TPHCM không nhiều nhưng khoảng cách sinh sống giữa các hộ dân lớn do vậy việc thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng thu gom rác ngại đi xa mà người dân cũng ngại đem rác đến bỏ đúng nơi quy định. Đa phần người dân sống ở nông thôn, nhất là những người dân sống xa các khu thị tứ, thị trấn đều “tự” xử lý rác bằng cách đốt hoặc chôn, thậm chí vứt đại ra vườn hoặc kênh, rạch gần đó.

Không phải ngẫu nhiên mà một khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho thấy, tỷ lệ hộ dân đóng phí thu gom rác ở các quận, huyện ngoại thành rất thấp, thấp hơn nhiều so với các quận nội thành và ở nhiều khu vực ngoại thành, rác bị vứt bừa bãi thành những đống rác lớn.

Công nghệ dễ triển khai

Theo nghiên cứu của các em sinh viên, tùy theo lượng rác mà mỗi gia đình có thể đầu tư cho gia đình mình một thùng ủ phân bằng nhựa hoặc bằng thùng xốp cùng các dụng cụ để đảo, trộn và bao tay.

Rác sinh hoạt sau khi được phân loại bỏ đi các loại rác vô cơ như túi ni lông, mảnh nhựa, kim loại… và chỉ còn thuần là rác hữu cơ sẽ được đưa vào thùng ủ. Thùng ủ phải được khoan lỗ quanh thân và nắp để thoát khí. Rác hữu cơ sẽ được trộn thêm với đất, một ít phân compost có sẵn, lá khô và xơ dừa… Mỗi ngày nên đảo hỗn hợp 2 lần. Ủ khoảng 20 ngày là phân compost đã hình thành với độ ẩm khoảng 50% - 60%. Sản phẩm này có thể được dùng để bón trực tiếp cho cây. Ủ thêm 10 ngày nữa, sản phẩm có thể dùng ươm hạt trực tiếp.

Ủ làm phân compost thực ra là quá trình phân hủy hiếu khí của vi inh vật, phân hủy chất rắn hữu cơ thành dạng mùn phù hợp với sự hấp thu của cây trồng.

Thoạt đầu cũng có vài chuyên gia băn khoăn về nghiên cứu của các em. Họ e ngại nếu làm không đúng cách trong phân compost sẽ có giun, sán… và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, điều ấy không đáng lo vì nếu mỗi gia đình đã có ý thức dùng rác hữu cơ của gia đình để làm phân compost thì họ sẽ tự giác giữ cho rác không nhiễm các chất gây hại. Nguồn rác làm phân là nguồn rác sạch, không dính tạp chất thì tất yếu sản phẩm ra sẽ tốt.

Kim Ngân - Như Phạm

Tin cùng chuyên mục