“Lạm phát” học sinh giỏi

Cùng mắc bệnh thành tích
“Lạm phát” học sinh giỏi

Năm học đã kết thúc và điểm qua các trường, các bậc học đều thấy tỷ lệ học sinh (HS) khá giỏi đạt 60% - 70% trở lên, trong đó nhiều trường tiểu học có tới 80% - 90% HS giỏi. Nếu con cái chúng ta đều giỏi thật thì đáng mừng, đằng này việc bội thu danh hiệu HS giỏi đang khiến dư luận băn khoăn!

Học sinh được trang bị thêm kiến thức về giao thông.

Học sinh được trang bị thêm kiến thức về giao thông.

Cùng mắc bệnh thành tích

Vừa họp phụ huynh học kỳ 2 lớp 8 ở trường trở về nhà, chị Nguyễn Thị Thoa, nhà ở quận 10 TPHCM đã té tát mắng con gái học hành sa sút không được HS giỏi như mọi năm. Bị mẹ la mắng và không thèm nghe giải thích lý do vì sao không đạt danh hiệu HS giỏi dù điểm bình quân khá cao (8,3) khiến em Hoàng Thị Lệ Vân ấm ức lắm. Lý do em bị khống chế một trong 2 môn chính chưa đạt 8,0 trở lên. Với tâm trạng chán nản, Vân chạy vào phòng đóng cửa nằm khóc và nhất quyết không chịu ăn cơm trưa. Điều em buồn hơn là ở lớp có bạn điểm bình quân chỉ đạt 8,1 nhưng vẫn lọt vào danh sách HS giỏi vì được thầy nâng điểm môn toán từ 7,8 lên 8,0. Chính sự không công bằng ở trường đã làm cô nữ sinh lớp 8 ấm ức, về nhà lại bị mẹ tạo thêm áp lực thành tích khiến em có suy nghĩ tiêu cực, không muốn đi học.

Sự thật là có trên 80% phụ huynh chuộng điểm số cao và mong muốn con mình phải đạt danh hiệu HS giỏi trong từng năm học. Vì thế, khi thấy điểm trong sổ liên lạc của con em mình không bằng bạn bè, nhiều người cảm thấy không vui. Một hiệu trưởng kể rằng, bà đã phải tiếp một vị phụ huynh có chức có quyền đến yêu cầu nhà trường phải sửa điểm cho con họ vì “gia đình tôi không thể chấp nhận cháu học lực khá”. Điều này cho thấy, việc chạy theo điểm số có phần lỗi của phụ huynh chứ không thể quy hết “bệnh” thành tích cho nhà trường. Lẽ ra, phụ huynh phải hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh của con mình và cùng với nhà trường chăm lo phát triển năng khiếu sở trường, rèn luyện kỹ năng, thể lực cho HS chứ không thể chăm chăm vào điểm số, học lực là chính.

Giỏi đúng thực chất?

Theo thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie TPHCM, nhà trường không đặt nặng vấn đề điểm số và chỉ tiêu HS giỏi là bao nhiêu. Tuy nhiên, HS đạt danh hiệu giỏi phải phản ánh đúng năng lực của học trò. Vì thế, tỷ lệ HS giỏi Trường Marie Curie không cao như những trường khác, nhưng chúng tôi muốn các em phải trở thành những điểm sáng, những hạt giống ươm mầm tri thức, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Do đầu vào lớp 10 của Trường THPT Lý Tự Trọng không cao nên cả thầy lẫn trò đều phải cố gắng hết mình, tập trung dạy tốt học tốt, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhờ vậy tỷ lệ HS yếu kém giảm nhiều và đến năm 2013 - 2014 chỉ còn 10,3%, trung bình 62,6% và khá giỏi chỉ chiếm trên 27%. Theo cô Phạm Thị Thu Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng, kết quả này đánh giá đúng năng lực của HS các khối lớp và nhà trường luôn cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng HS trung bình, yếu kém để kéo tỷ lệ khá giỏi lên cao hơn.

Thực tế cho thấy, việc “lạm phát” HS giỏi ở nhiều trường chưa phản ánh đúng chất lượng đào tạo và chỉ phục vụ cho mục tiêu chạy theo thành tích từ lớp đến trường và cao hơn là cấp quận, TP. Khảo sát thực tế cũng cho thấy điểm số và việc trao danh hiệu HS giỏi quá dễ dàng đang làm méo mó tư duy của các thế hệ học trò. Để ép HS học thêm, nhiều thầy cô đã lấy quyền lực điểm số áp xuống trò thiếu công tâm. Và để có những bản thành tích đẹp, tỷ lệ khá giỏi cao ngất, đậu tốt nghiệp THPT 100% và đậu đại học với tỷ lệ cao, nhiều trường đã ép HS học, ôn luyện thật nhiều.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những HS luôn đạt điểm số cao ở các bậc học mà thiếu kỹ năng mềm, trải nghiệm cuộc sống, tập thói quen chơi thể thao… thì khi ra đời các em khó thích ứng, hội nhập với môi trường sống năng động. Và như thế thành công sẽ ít hơn, thậm chí không tỏa sáng bằng những HS học lực khá nhưng chủ động trang bị hành trang kỹ năng sống phong phú, năng động, ứng xử linh hoạt các vấn đề. Chúng ta cứ hô hào đổi mới giáo dục, chú trọng đến học và dạy các em làm người, biết hội nhập, chung sống trong môi trường đa văn hóa, nhưng trên thực tế, học trò vẫn gồng mình chạy theo thành tích của người lớn, của ngành giáo dục. Lỗi tại ai và bao giờ tình trạng “lạm phát” HS giỏi mới chấm dứt?

HƯNG TRẦN

Tin cùng chuyên mục