Dù còn ít về số lượng và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, nhưng vài năm trở lại đây, những bộ phim điện ảnh Việt trong dòng phim độc lập đã đến với các liên hoan phim quốc tế và gặt hái ít nhiều thành công, tạo được sự chú ý nhất định với bạn bè quốc tế.
Những thành công ban đầu ấy là động lực để các bạn trẻ yêu điện ảnh, có cá tính, tự tin tìm lấy cơ hội thực hiện dự án phim độc lập cho mình. Tuy nhiên, việc tìm được kinh phí cho dòng phim này và đưa phim ra rạp lại đầy thử thách.
Hành trình tìm kinh phí
Một bộ phim độc lập là tác phẩm được sản xuất phần lớn hoặc toàn bộ bởi các công ty không nằm trong hệ thống các nhà sản xuất phim chính thống. Trong một số trường hợp, các phim độc lập là phim được thực hiện với kinh phí thấp và đây được xem là dòng phim mang đậm dấu ấn, tư duy, cá tính của tác giả. Trước đây đã có phim Bi! Đừng sợ, gần đây nhất có Đập cánh giữa không trung, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (phim tài liệu) được coi là những tác phẩm của các nhà làm phim độc lập từng nhận một số giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế và tạo nhiều chú ý với khán giả trong nước.
Đạo diễn Phan Đăng Di (đeo kính) và các diễn viên trong phim Cha và con và… tại buổi họp báo và ra mắt phim tại LHP Berlin 2015
Tại Việt Nam, các bộ phim độc lập đều có chung một phương thức thực hiện: Dự án phim được tác giả hoặc nhà sản xuất gửi đến các LHP hay các chợ dự án. Sau khi dự án được chọn, ban tổ chức sẽ tìm và giới thiệu các nhà đầu tư hoặc các quỹ hỗ trợ điện ảnh để đưa dự án vào sản xuất. Sau khi hoàn thành, phim bắt đầu tham dự các LHP quốc tế và có một số giải thưởng nhất định mới phát hành trong nước.
Quá trình tìm nhà đầu tư hoặc quỹ hỗ trợ điện ảnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. “Kinh phí sản xuất một bộ phim độc lập thường khoảng 600.000 - 700.000 USD, nhưng rất hiếm dự án nào được đầu tư toàn bộ. Chúng tôi phải chia dự án ra để lấy tiền từ 3, 4 quỹ đi quay. Khi quay xong, lại xin tiền từ nhà đầu tư hoặc quỹ khác để làm hậu kỳ. Tiền từ các quỹ này rót cho dự án cao nhất là 200.000 USD và thấp nhất là 10.000 USD”, anh chia sẻ. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, việc gửi dự án đến các chợ phim hay LHP cũng không dễ dàng được “để mắt” tới, vì mỗi lần có đến hàng trăm dự án đến từ hàng trăm quốc gia khác nhau trên thế giới. Thường thì dự án ấy nếu được gửi từ một tác giả, nhà sản xuất đã có ít nhiều tiếng tăm, uy tín hoặc từng nhận giải thưởng tại các LHP, khả năng được chú ý sẽ cao hơn.
Đỗ Thị Hải Yến, Trương Thế Vinh và Lê Công Hoàng trong phim Cha và con và… của Phan Dăng Di
Với kinh nghiệm của người đi trước, từ sau thành công của bộ phim Bi! Đừng sợ - từng đoạt giải thưởng Dự án châu Á nổi bật tại LHP quốc tế Busan năm 2007, trước khi ra mắt khán giả trong nước năm 2011, đạo diễn Phan Đăng Di là một trong số các đạo diễn trẻ đã sáng lập và điều hành chương trình “Gặp gỡ mùa thu” - một chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ có cơ hội đưa những câu chuyện của mình lên màn ảnh rộng. Chương trình này được khởi xướng từ năm 2013 và diễn ra hàng năm tại Đà Nẵng. Bằng kinh nghiệm và các mối quan hệ của cá nhân mình, đạo diễn Phan Đăng Di và đồng nghiệp đã chia sẻ và giúp đỡ khá nhiều bạn trẻ yêu điện ảnh được làm phim và từng bước tiếp cận, giới thiệu mình với bạn bè thế giới. Tháng 10 tới, đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp sẽ giới thiệu hai dự án phim đã đoạt giải tại “Gặp gỡ mùa thu” lần 2-2014 của hai bạn trẻ Việt Nam tới LHP quốc tế Busan, là: Cha, cha, cha của Đỗ Quốc Trung và Thằng ròm của Trần Dũng Thanh Huy.
Khó khăn ra rạp
Thị trường phát hành của phim độc lập ở cả Việt Nam lẫn trên thế giới thường khá hạn chế. Các phim này thường được trình chiếu tại các LHP địa phương, quốc gia hay quốc tế, trước khi được phát hành hoặc bán lẻ cho các nhà phát hành lớn. Sự thành công lớn về lượng người xem đến với bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, có lẽ là trường hợp đặc biệt ngoại lệ và ngoài sức tưởng tượng của cả người làm phim lẫn khán giả. Bởi vì, dòng phim độc lập thường được xem là những tác phẩm thuần nghệ thuật, đậm dấu ấn cá nhân và không dành cho số đông khán giả. Trong khi các nhà phát hành rất dè dặt, thì nhà sản xuất - tác giả phim phải khá vất vả trong việc thuyết phục họ đồng ý phát hành ra rạp.
Với phim truyện, vì dòng phim độc lập đề cao sự sáng tạo, phong cách và tư duy mới mẻ nên các phim độc lập thường ở dạng “phim cá tính”. Để được ra rạp, các bộ phim này vẫn phải chịu sự kiểm duyệt của hội đồng duyệt và chịu sự chế tài của các cơ quan quản lý và vì thế, bao giờ cũng bị cắt bỏ những cảnh quá nhạy cảm hoặc không phù hợp với văn hóa, ứng xử của người Việt. Khán giả được xem một bản phim không hoàn chỉnh khi ra rạp, còn tác giả ít nhiều ấm ức cho rằng, phim không còn trọn vẹn như bản gốc! Có thể thấy rõ điều này khi hai phim Bi! Đừng sợ và Đập cánh giữa không trung ra rạp. Có vẻ như khán giả không mặn mà đến rạp, bằng việc tìm xem bản gốc của phim bằng mọi giá. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc những người làm điện ảnh, quản lý điện ảnh nên cập nhật tư duy, để giúp các nhà làm phim trẻ khẳng định cá tính và tiếp cận được với trào lưu làm phim của thế giới. Nhưng một số nhà làm phim kỳ cựu của điện ảnh Việt lại cho rằng, cái mới dù có phát triển cũng nên dựa trên nền tảng, văn hóa của dân tộc. Bộ phim Người truyền giống bị cấm chiếu vĩnh viễn là một ví dụ cho tư duy “thoáng”, “mới” nhưng không được chấp nhận vì quá xa lạ và đi ngược với văn hóa truyền thống.
Cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung - dự án phim độc lập được chú ý thời gian qua
Chị Nguyễn Thị Thắm, đạo diễn phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, chia sẻ: “Bộ phim được thực hiện trong vòng 5 năm. Khởi đầu tôi tự bỏ tiền túi để làm. Sau đó, tôi nhận được một phần kinh phí từ Varan Việt Nam - quỹ của các nhà làm phim tài liệu độc lập của Việt Nam. Mặc dù số tiền quỹ của nhóm không nhiều, nhưng mỗi tháng họ hỗ trợ tôi một phần để có kinh phí thực hiện để quá trình quay không bị gián đoạn. Sau này, Viện Goethe và quỹ làm phim ở Pháp: Atelier Varen, André Van In và Ina-Sylvie Blum… cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công đoạn làm âm thanh cho bộ phim, in ấn thành băng, đĩa. Đặc biệt, nhóm làm phim ở Paris, Pháp đã hỗ trợ miễn phí. Nếu nói có đủ tiền để làm một mạch cho hoàn thành phim là hoàn toàn không có”.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung đã gặt hái thành công với những bộ phim Cá chuối (giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất cuộc thi phim ngắn Chatomuk - Campuchia 2013 và nhiều giải khác), Trực nhật với Thư Kỳ (giải Trái tim hồng YxineFF 2012), Đóng vào, Mở ra... (giải Golden Award - LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014)..., cho biết: “Để có được tài trợ từ các quỹ điện ảnh, cái khó là phải thuyết phục được họ đồng ý với dự án của mình. Điều này yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng vì luôn luôn có nhiều đối thủ có cùng chung mong muốn như mình. Hầu hết các phim độc lập của chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều khó có cửa ra rạp. Phim ngắn Trực nhật với Thư Kỳ từng được mua bản quyền phát sóng trên truyền hình, nhưng không nhiều, có khi chỉ vài triệu đồng”. Nói về việc dự án Cha, cha, cha tham gia LHP quốc tế Busan, đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung thẳng thắn: “Tôi không đặt nặng việc mình có được giải hay không. Việc được chọn vào tốp 30 đã là một may mắn”.
|
NHƯ HOA - VĂN TUẤN