Làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém; quyết tâm thực hiện kế hoạch 2016

Sáng 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.

(SGGPO).- Sáng 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua

Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy, năm 2015 lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (bình quân cả năm chỉ tăng 0,63%). Tuy chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng nhanh sau từng quý. Ước cả năm 2015, GDP đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (là khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước. Về đầu tư phát triển, năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP.

Đáng chú ý, hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã có những chuyển biến tích cực, số DN đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao. Năm 2015, cả nước có 94.754 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 601.500 tỷ đồng, tăng gần 27% về số DN và tăng 39% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Có trên 21.500 DN trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay đã quay lại hoạt động, tăng gần 40% so với năm trước.

Cũng theo báo cáo này, năm 2015, ước tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu đồng, bằng 101,6% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 2,31%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo giảm còn 28%..

Năm 2016, có thể đặt chỉ tiêu GDP đạt cao hơn 6,7%?

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thảo luận phải làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân. Cùng với đó, tập trung thảo luận các giải pháp để thực hiện trong năm 2016. Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để triển khai ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. “Nghị quyết ban hành phải sát thực tế đất nước, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu 2016 đã đề ra, tạo tiền đề cho thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà tới đây Đại hội Đảng XII, Quốc hội sẽ đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý thảo luận để đề ra kế hoạch năm 2016 phù hợp. Thực tế như năm 2016 chúng ta đề ra 6,5% nhưng thực tế năm 2016, đạt gần 6,7%. “Vì vậy, năm 2016 có nên chỉ đặt chỉ tiêu GDP đạt 6,7% hay cao hơn, vì với đà hiện nay thì 6,7% có vẻ nhẹ nhàng quá. Vì vậy, quan trọng nhất là qua đánh giá thực tế, căn cứ kết quả đạt được để đặt mục tiêu phấn đấu, từ đó tính toán giải pháp thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.

9 nhóm giải pháp thực hiện trong năm 2016

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Theo đó, Chính phủ nêu rõ, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, dự báo năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng gay gắt; những rủi ro địa - chính trị trên thế giới, diễn biến phức tạp của tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên biển Đông, cùng với biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ, giá dầu thô,… có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn phải nỗ lực vượt qua trong năm 2016…

Vì vậy, dựa trên mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 mà Quốc hội đã thông qua cũng như các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 (GDP tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP..), Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế-tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Thứ hai là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ.

Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Thứ tư, quản lý và sử dụng hiệu quả tải nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, tạo chuyển biến căn bản về phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng, nhất là về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập.

Nhóm giải pháp thứ bảy là tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kiện toàn các ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố từ Trung ương đến địa phương.

Thứ tám là nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; cùng các nước ASEAN đẩy mạnh vận động thực hiện đầy đủ DOC và sớm hình thành COC. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động, âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.

Thứ chín là tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Hà Nội đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28-12, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Thủ tướng, Chính phủ về việc Hà Nội sẽ có phương án hạn chế phương tiện giao thông để tránh quá tải.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện bình quân Hà Nội có số đăng ký mới là 22.000 xe máy/tháng, 6.000-8.000 ô tô/tháng, chưa kể lượng tô tô của lực lượng vũ trang, các tỉnh thành khác về Hà Nội. Với tốc độ đăng ký này, dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 1 triệu ô tô, 7 triệu xe máy. Vì vậy, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cho Hà Nội xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông, vì nếu không, với tốc độ như hiện nay thì 4-5 năm nữa, vấn đề giao thông của Thủ đô sẽ rất phức tạp.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục