Làm sạch Hồ Gươm

Làm sạch Hồ Gươm

Một dự án - kết quả hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam với Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức - đã đưa ra ý tưởng dùng công nghệ hiện đại để làm sạch Hồ Gươm. Dự án hiện đang được cơ quan chức năng của thủ đô xem xét. Xung quanh vấn đề này Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, một thành viên tham gia thực hiện dự án cho biết.

°PV: Làm sạch Hồ Gươm… nghe có vẻ “sốc” quá, có thật không thưa ông?

Một góc Hồ Gươm. Ảnh: HẢI THANH

Một góc Hồ Gươm.
Ảnh: HẢI THANH

°PGS-TSKH LƯU VĂN BÔI: Không “sốc” đâu… đã có giải pháp rất khoa học cho việc này. Hồ Gươm sẽ được chia thành khoảng 20 tiểu vùng và mỗi lần chỉ xử lý làm sạch ở một tiểu vùng. Người ta sẽ ngăn cách tiểu vùng bằng lưới sắt chụp từ trên cao xuống, rồi mở dần dần cho đến khi chạm đáy để lùa hết các loài thủy sinh ra ngoài lưới.

Sau đó, dùng máy hút bùn nhỏ “lặn” sâu dưới lớp trầm tích và hút bùn từ bên dưới. Bùn theo đó sụt dần xuống một cách êm ái. Các loài thủy sinh sẽ không bị hút ra ngoài theo bùn. Toàn bộ số bùn hút được theo đường ống sẽ được đưa lên bờ và ép thành bánh chở đi nơi khác.

Sau 3 tháng chu trình này được thực hiện tiếp ở một tiểu vùng khác. 3 tháng là thời gian để các nhà khoa học xem xét hệ sinh thái lòng hồ có thích ứng với quá trình xử lý này hay không. Cứ như vậy trong khoảng 2 năm, toàn bộ hồ sẽ được làm sạch. Trước khi tiến hành hút bùn, các nhà kỹ thuật địa chất thủy văn sẽ áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để khảo sát cấu trúc tầng bùn đáy của hồ, đánh giá chính xác thể tích và sự phân bổ tầng bùn để quyết định “liều lượng” hút phù hợp.

°Như vậy dự án mới chỉ xử lý bùn, còn nước có được xử lý không?

°Thực ra xử lý bùn mới là công nghệ phức tạp và dễ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Xử lý nước đơn giản và ít tốn kém hơn nhiều. Dự án cũng đã tính toán đến việc xử lý nước bằng công nghệ màng lọc. Nhưng theo tôi được biết thì vấn đề lớn nhất đối với Hồ Gươm là lớp bùn trầm tích quá dày (xấp xỉ một mét), làm cho nước hồ không lưu thông được với các mạch nước ngầm nữa và hồ gần như trở thành một “ao” nước đọng.

°Quá trình xử lý liệu có gây ảnh hưởng đến các “cụ” Rùa không?

°Những người làm dự án ý thức rất rõ đến việc bảo vệ “cụ” Rùa. Trong suốt thời gian xử lý môi trường hồ, các “cụ” Rùa sẽ được các chuyên gia về sinh thái chăm sóc đặc biệt. Thậm chí, dự án còn tính toán kỹ cả phương án bảo vệ “cụ” khỏi những kẻ tham lam hoặc hiếu kỳ. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày, do khoanh thành tiểu vùng để thực hiện dự án nên về cơ bản môi trường sinh thái Hồ Gươm sẽ không có biến động lớn.

°Có ý kiến cho rằng: cả nước chỉ có một Hồ Gươm – hồ thiêng trong tâm linh và tín ngưỡng của người dân… tại sao không thí điểm thực hiện dự án này ở một hồ khác trước khi thực hiện chính thức ở Hồ Gươm?

°Dự án có đề xuất làm thí điểm ở hồ Ba Mẫu, một hồ có diện tích, điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái có sự tương đồng cao với Hồ Gươm. Tuy nhiên, đến nay chưa có ý kiến đồng ý chính thức của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

°Ước chi phí cho công tác này là bao nhiêu, thưa ông?

°Đối tác Đức đã tuyên bố tài trợ cho Việt Nam 1 triệu euro chỉ riêng cho việc quan trắc, nghiên cứu và thử nghiệm. Họ cũng tính toán rằng toàn bộ chi phí (kể cả chi phí làm thí điểm ở một hồ khác và một trạm quan trắc thường xuyên để theo dõi những biến động của môi trường hồ) ước vào khoảng từ 2 triệu đến 3 triệu euro.

Tôi cho rằng để cải tạo và ổn định bền vững Hồ Gươm, giúp cho hồ thực sự “khỏe mạnh”, cụ Rùa trường tồn… thì bỏ ra khoản tiền như vậy cũng xứng đáng. Nhiều nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, nhà sử học, xã hội học khi được tham khảo ý kiến cũng đã bày tỏ sự đồng tình.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục