Làm sao hạn chế gas chiết lậu?

Làm sao hạn chế gas chiết lậu?

Mỗi năm, có hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển sang chiết gas lậu bị phát hiện. Để loại trừ tệ nạn này, cần phải làm cách nào?

Gas từ đâu ra?

Có một điều ai cũng phải thừa nhận, gas sang chiết lậu cũng là gas thật, nhưng “đóng gói” vào bao bì (vỏ bình) thương hiệu của hãng khác. Theo pháp luật như vậy là hàng giả, còn đối với người tiêu dùng, nguy cơ cháy nổ rất cao nếu như dùng phải vỏ bình gas sang chiết lậu hết hạn sử dụng, hoặc bị rò rỉ gas do không được kiểm tra van đầu bình định kỳ. Mỗi năm có hàng trăm vụ kinh doanh, vận chuyển gas lậu bị phát hiện, vấn đề là các nhà kinh doanh gas sang chiết lậu lấy nguồn gas từ đâu, ai cung cấp?

Làm sao hạn chế gas chiết lậu? ảnh 1

Một vụ sang chiết, tiêu thụ gas lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ tại Bình Dương. Ảnh: Hương Giang

Gas hiện chỉ có 2 nguồn phân phối: gas “nội” nguồn cung ứng từ Nhà máy Dinh Cố, gas ngoại do các công ty nhập khẩu. Số đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu gas cũng không nhiều, chuyện quản lý từng lô hàng gas dù là nhập khẩu hay sản xuất trong nước, không phải là chuyện khó.

Vậy tại sao các nhà buôn gas lậu vẫn có nguồn hàng để làm lậu? Giám đốc một công ty gas lớn ở phía Nam cho biết, các vụ chiết gas lậu bắt được đều bắt nguồn từ một vài trạm chiết nào đó. Như vậy ở khâu quản lý trạm chiết có vấn đề. Khi đăng ký kinh doanh trạm chiết, luật của ta chưa quy định rõ họ sẽ chiết vào đâu, theo đơn hàng nào? Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông, có một cách, đó là các công ty đầu mối nhập khẩu gas và Nhà máy Dinh Cố nên công khai danh sách, lượng gas bán ra cho các công ty bán lẻ tại các cơ quan quản lý.

Rà soát khâu này sẽ dễ dàng phát hiện công ty nào không đăng ký lưu hành vỏ bình với cơ quan quản lý mà lại mua rất nhiều gas, hoặc số vỏ bình đăng ký lưu hành ít hơn lượng gas mua vào, tất phải có vấn đề! Các công ty lập ra chỉ kinh doanh trạm chiết đơn thuần bắt buộc chỉ được đăng ký gia công chiết nạp cho 2-3 thương hiệu có hợp đồng hẳn hòi, kiểm tra hợp đồng gia công định kỳ mỗi 6 tháng, như vậy sẽ hạn chế đáng kể tình trạng “qua mặt” cơ quan kiểm tra để chiết nạp lậu. Cách quản lý chặt chẽ từ nguồn này sẽ là biện pháp tốt nhất để “siết” lại thị trường gas lậu. Bởi đơn giản, khi nguồn cung ứng không còn, lấy đâu gas để chiết nạp lậu?

Chế tài nặng, xử lý nghiêm

Tại TPHCM, tháng 3 vừa qua, 10 công ty gas có uy tín và làm ăn bài bản như: Petrolimex gas, VT gas, Petro VN gas, Elf Gaz, BP, Saigon Petro, Shell Gas, Gia Đình Gas, Vinagas, Petronas đã đồng loạt ký vào bản kiến nghị gửi các bộ: Thương mại, Công nghiệp.

Nội dung bản kiến nghị xoay quanh các đề xuất nhằm chấn chỉnh lại thị trường gas. Khá nhiều giải pháp hiến kế được các doanh nghiệp đề đạt như: nên ban hành quy định các công ty gas phải cung cấp danh sách các đại lý, cửa hàng, nhà phân phối gas bình, cho cơ quan quản lý địa phương định kỳ 6 tháng/lần.

Chỉ cấp phép nhập khẩu gas cho các đơn vị có kho chứa gas và hệ thống công nghệ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, có cảng tiếp nhận, phục vụ cho việc nhập, tồn chứa gas. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gas cũng phải công bố tiêu chuẩn chất lượng gas theo quy định pháp luật, có hệ thống kiểm tra thường xuyên về an toàn và chất lượng…

Một vấn đề cũng được các DN nhắc lại nhiều lần trong bản kiến nghị gửi liên bộ, đó là mức độ chế tài và xử lý sao cho hạn chế được người vi phạm. Đây cũng là điểm lúng túng, dẫn đến mỗi địa phương “hiểu” luật theo một kiểu, nơi phạt nặng, nơi lại xử án… treo!? Đại diện 10 công ty gas đề nghị: “DN nào thuê chiết nạp gas trái phép hoặc kinh doanh các chai gas sang nạp trái phép, dùng tem chống giả, niêm màng co giả nhãn hiệu các công ty kinh doanh gas cần phải bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas, thông báo bằng văn bản tới các công ty kinh doanh gas, báo chí, ngoài ra còn bị phạt tài chính.

Chúng tôi kiến nghị cần có biện pháp chế tài mạnh, cụ thể: mức tiền phạt = (số lượng vỏ x giá trị ký cược vỏ chai) + (trọng lượng gas nạp đầy vào vỏ chai x đơn giá gas) + chi phí thực tế các DN bị thiệt hại do vi phạm gian lận thương mại gây ra (giá trị vỏ bình bị chiếm dụng). Hai là Giá trị thuế bị truy thu = tiền phạt + thuế thu nhập DN. Tổng số tiền DN phải nộp phạt = tiền phạt + giá trị thuế bị truy thu”.

Cũng theo Hiệp hội gas thuộc VATAP, cứ mỗi bình gas sang chiết lậu, DN gian lận thương mại có thể thu lợi 10.000-20.000 đồng, nhờ không bỏ tiền đầu tư cũng không khấu hao vỏ bình, không tốn phí bảo dưỡng, kiểm định, chưa kể cân thiếu và trốn thuế!

Mức lãi vẫn còn siêu lợi nhuận so với khung xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay đang áp dụng, do vậy, bị phạt rồi lại tiếp tục vi phạm. Chỉ có cách phạt một lần hết vốn mới mong họ từ bỏ kiểu kinh doanh gian lận thương mại, bảo vệ những DN làm ăn chân chính và vì an toàn cho người tiêu dùng. 

ĐĂNG HUY

Tin cùng chuyên mục