Qua doanh nghiệp FDI, em vẫn làm ở bộ phận tuyển chọn nhân sự như ở doanh nghiệp nhà nước. Ngày làm việc đầu tiên, sau khi chốt được danh sách nhân viên sẽ tuyển, em gửi văn bản báo cáo công việc cùng danh sách này cho sếp xin ý kiến chỉ đạo. Khoảng 30 phút sau, được lệnh lên gặp sếp, em chuẩn bị tài liệu giải trình lý do tuyển những người đó như… thông lệ ở đơn vị làm việc trước đây.
Thế nhưng, khác với những gì em chuẩn bị… “Cô có biết rõ vị trí, trách nhiệm làm việc của mình trong công ty không?”, người sếp này hỏi. Quá bất ngờ, trong lúc em lúng túng, người sếp này nói luôn: “Công ty tuyển cô vào để cô phụ trách công tác chọn nhân sự. Như vậy công việc của cô là phải chọn cho được nhân sự phù hợp với yêu cầu của công ty và chịu trách nhiệm trước công ty về sự lựa chọn đó. Tại sao cô đẩy trách nhiệm đó lên cho tôi?”. Em cố gắng giải thích: “Tôi chỉ muốn xin ý kiến anh”. “Tôi không có thông tin về những người cô tuyển, không biết gì về họ, cô xin ý kiến tôi, có đúng không?”. Sau lần “sốc toàn tập” như vậy em nhận ra sự khác lạ giữa đơn vị làm việc cũ và đơn vị làm việc mới của mình là thế. Nhớ lại chuyện cũ, “quê” nhưng em tôi vẫn cho rằng cách làm việc ở đơn vị mới hợp lý hơn bởi rõ ràng việc xin ý kiến sếp như vậy chỉ làm tốn thời gian cho cả cô ấy và lãnh đạo mà chẳng giúp ích được gì cho công việc.
“Xin ý kiến” là việc làm khá… phổ biến ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước và cả không ít các cơ quan có trách nhiệm về quản lý Nhà nước. Hành động này trong các trường hợp như vụ việc chưa có tiền lệ, chưa có quy định rõ ràng hoặc quá phức tạp vượt tầm giải quyết của cấp dưới, không sai. Thế nhưng, hiện nó đang bị nhiều cán bộ, công chức lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm, đẩy việc lên cấp trên cho… nhẹ nợ. Không ít UBND các cấp đã trở thành “siêu sở, siêu ngành” khi phải nhận quá nhiều hồ sơ, văn bản xin ý kiến chỉ đạo từ việc to đến việc nhỏ. Sự quá tải với hàng đống hồ sơ xin ý kiến xếp hàng dài dằng dặc hết năm này đến năm khác là điều không tránh khỏi. Hành động này không những làm cho công việc của người dân, doanh nghiệp bị ùn ứ mà còn tạo ra nguy cơ tiêu cực khi người dân, doanh nghiệp muốn được giải quyết hồ sơ sớm.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước phải tích cực, chủ động trong công tác, trong thực thi nhiệm vụ được giao là nội dung luôn được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ nhấn mạnh khi làm việc với các địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp nhà nước. Mới đây nhất, ngày 1-8-2020, khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phân cấp phân quyền cho các địa phương chủ động phải tốt hơn nữa. Thủ tướng kêu gọi các địa phương đề xuất cơ chế, chính sách đột phá cho ĐBSCL và cả nước phát triển. Một quan điểm rất rõ ràng trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, vừa phát huy được trí tuệ, tài năng, sự chủ động sáng tạo của địa phương vừa tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung nhiều hơn cho công tác đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, bổ sung văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, khắc phục chồng chéo, tháo gỡ nút thắt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, rất cần sự chung tay của tất cả mọi người, đặc biệt những người được giao những trọng trách cụ thể. Dám làm và làm tròn vai của mình, không đẩy việc, đẩy trách nhiệm cho người khác cũng là một cách góp sức giúp cho đất nước vượt qua dịch Covid-19 và phát triển bền vững.